Hôm qua 3.8, UBND H.Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức lễ đón bằng công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghi lễ dựng cây Nêu và bộ Gu truyền thống của người Cor.
Đồng bào Cor trang trí cây Nêu tại lễ đâm trâu huê - Ảnh: C.T.V
|
Sự kiện này mở hướng phục dựng, bảo tồn đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa liên quan đến biểu tượng tâm linh, có vị trí đặc biệt trong các lễ hội như tết mùa, cúng tế thần linh... của người Cor.
Cây Nêu của đồng bào Cor có 3 loại: Ô zô (dựng vào dịp cúng giỗ ông bà tổ tiên), Ô rát (lễ ăn trâu lá và cúng các vị thần sông, suối, núi), Ô cờ trấu (lễ đâm trâu huê và cúng các vị thần trời, đất, nước...). Lễ dựng Nêu là tâm điểm nghi thức cúng tế ngoài trời, phải chuẩn bị hằng tháng, mỗi cây cao khoảng 5 - 9 m.
Trong khi đó, bộ Gu lại là tâm điểm nghi lễ cúng tế ở trong nhà, chủ yếu dùng chất liệu gỗ và trang trí cầu kỳ, gồm 4 loại: Bla (treo giữa nhà), Mók (treo ở cửa ra vào nhà), Mók Tum (treo ở cửa ra vào bếp), Tum (treo giữa bếp). Mỗi bộ Gu là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của đồng bào Cor. Bộ VH-TT-DL đã chính thức công nhận và đưa nghi thức lễ dựng cây Nêu và bộ Gu người Cor vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ cuối tháng 8.2014.
Dịp này, H.Bắc Trà My và ngành VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam phối hợp khảo sát các điểm du lịch gồm khu rừng nguyên sinh, thác nước, khu di tích lịch sử (Nước Oa, Khu ủy Khu 5...), lòng hồ Sông Tranh. Được biết, tại H.Bắc Trà My hiện có gần 4.000 người Cor định cư quanh dãy núi Răng Cưa thuộc các xã Trà Nú, Trà Kót, Trà Giáp.
Bình luận (0)