|
Nhiều năm làm Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, PGS-TS Nguyễn Duy Thiệu rất ý thức việc phải kể một câu chuyện tập quán như thế nào để hấp dẫn. Những câu chuyện biển của ông tại hội thảo vì thế rất giàu hình ảnh. Người ta biết thêm từ cách hình thành các câu ca dao tục ngữ, sự hình thành tính cách miền biển, đến chuyện những năm 1960 ngư dân đã làm “biển giả” như thế nào để đánh cá khi độ sâu trở nên quá với sức lưới.
“Ngư dân đã tạo ra các khu rừng giả ở giữa biển. Đầu mùa cá họ sử dụng những cây vầu, ở phần gốc cây họ cố định vào đấy những hòn đá lớn để neo chúng lại. Phía ngọn cây họ sử dụng các loại cây thân mềm ít bị phân hủy buộc vào đấy làm nơi ẩn nấp cho cá”, vị PGS kể lại. “Họ thả những cây vầu như vậy xuống biển tạo thành những khu rừng giả (gọi là bãi rạo) cho cá vào đó ẩn nấp. Khi đánh cá họ chỉ vây lưới xung quanh rồi xua đuổi để cá chạy ra mắc vào lưới. Với cách đánh bắt này, từ khi các loại lưới còn thô sơ, ngư dân đã có thể đánh bắt được các loại cá lớn ở độ sâu khoảng 18 sải nước (27 m), ở ngoài biển cách xa bờ khoảng 20 km”.
Hội thảo còn rất nhiều câu chuyện khác về văn hóa biển như thế. Có nghiên cứu lý luận. Có câu chuyện thực tế. Có câu chuyện xưa cũ từ lòng đất qua nghiên cứu khảo cổ. Có bản đồ, tư liệu cho thấy chủ quyền. Có tư liệu chứng minh huyền thoại về ngoại thương của dân tộc ta với thương cảng Vân Đồn, Hội An… “Thực ra nếu mở cuộc hành hương có quy mô lớn, chúng ta sẽ thấy được yếu tố văn hóa biển nhiều hơn ở vùng châu thổ. Ngày nay, qua lễ hội và thờ các thần linh ở ven biển hải đảo đã cho thấy dòng văn hóa này vẫn còn rất đậm đặc trong di sản văn hóa Việt”, GS Trần Lâm Biền cho biết.
|
PGS-TS Tống Trung Tín nói về những vỏ ốc tiền tìm thấy trong hang động, tới những vỏ sò điệp xen lẫn xương hươu nai. Theo ông, nó cho thấy ở giai đoạn văn hóa tiền Đông Sơn, chúng ta tuy đã có kinh tế sản xuất nhưng vẫn tận dụng khai thác nguồn thức ăn ven biển và của rừng. Ông Tín cũng dẫn nhiều dấu tích khảo cổ học khác của biển như các đồng tiền La Mã tìm được. Đồng tiền cho thấy dấu hiệu giao thương của văn hóa Óc Eo. “Tóm lại, qua một số văn hóa khảo cổ học biển ta có thể thấy rõ VN là một quốc gia biển đảo, một nền văn hóa biển đảo”, ông Tín nói.
Phải biết ứng xử với đại dương
TS Trần Đức Anh Sơn mang đến câu chuyện vắt qua rất nhiều nước châu Âu. Ông Sơn đã đi nhiều thư viện, nhiều trung tâm nghiên cứu để tìm những bản đồ cổ liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa và biển Đông. Một trong những tấm bản đồ ông Sơn giới thiệu tại hội thảo là An Nam đại quốc họa đồ. Bản đồ in trong một từ điển năm 1838. Trong đó, tác giả khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã sai cắm cờ và tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa mà không gặp bất cứ tranh chấp nào.
GS Ngô Đức Thịnh lại phân tích chúng ta có một văn hóa biển cận duyên. Đặc trưng cơ bản của nó là kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động đánh bắt hải sản. Nói cách khác thủy hải sản chỉ là một bộ phận trong kinh tế nông nghiệp truyền thống. “Từ góc độ văn hóa, chúng ta thiếu hụt hẳn một truyền thống văn hóa biển đại dương, với những tri thức, ứng xử, con người, tâm thế”, GS nói.
Đừng đánh giá di sản bằng tiền Làm thế nào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước là vấn đề “nóng” mà các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục bàn thảo trong khuôn khổ hội thảo quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở VN và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển” diễn ra tại Quảng Ngãi vào hôm qua 16.10. Theo PGS-TS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, từ năm 1990 đến nay, ngoài 6 con tàu cổ đắm được trục vớt, khai quật tại vùng biển Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau, Quảng Nam, Bình Thuận và Quảng Ngãi, tại vùng biển VN còn phát hiện dấu vết của một số con tàu cổ đắm khác. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, khi phát hiện di tích tàu đắm, ở VN thường chú ý đến giá trị hàng hóa mà con tàu đó chuyên chở chứ chưa thực sự hiểu biết tường tận giá trị của di sản. Với hình thức này, trước mắt nhà nước thu được một số kinh phí nhất định song đã bỏ đi lợi ích lâu dài giá trị hơn nhiều lần. Thảo luận tại cuộc hội thảo, bà Lê Thị Chung, Phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi đặt vấn đề làm thế nào bảo tồn tại chỗ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu (H.Bình Sơn) để phát triển du lịch biển nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân. Về vấn đề này, TS Lê Thị Liên (Viện Khảo cổ học) nói: “Đừng đánh giá di sản bằng tiền mà đánh giá bằng giá trị văn hóa của nó. Nếu di sản thuộc về nhân dân thì nhân dân sẽ yêu quý và bảo vệ, dù họ rất nghèo”. PGS-TS Hải lý giải thêm, một trong những vấn đề mà ngành khảo cổ học VN đang hướng đến, đó là phát triển khảo cổ học cộng đồng. Tức là người dân phải tham gia vào như một chủ thể cùng với các nhà quản lý, các nhà chuyên môn thực hiện các hoạt động khảo cổ học thì mới có thể bảo vệ được di sản và di sản chỉ tồn tại khi cộng đồng muốn giữ. Theo các nhà khoa học, mục đích của bảo tồn di sản là phát huy giá trị của nó. Chẳng hạn, dựng các bảo tàng trưng bày tại chỗ và phát triển hình thức du lịch lặn biển ngắm di sản. Như vậy, giá trị di sản sẽ thu được lợi ích lâu dài, bền vững tạo nên những hiệu quả tích cực trong việc tạo việc làm ổn định cho nhân dân địa phương nơi có di tích, từ đó họ sẽ tích cực hơn trong công việc bảo vệ di sản, đồng thời sẽ không còn trường hợp khai thác trái phép, phá hoại di sản.
Hiển Cừ |
Trinh Nguyễn
>> Triển lãm di sản văn hóa biển đảo
>> Tuần văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi
>> Triển lãm “Quảng Ngãi - Di sản văn hóa biển, đảo”
Bình luận (0)