NSƯT Hữu Châu: 'Nếu thấy thiệt thòi vì phải diễn Tết thì đừng làm nghệ sĩ'

Thành Long
Thành Long
04/02/2019 09:44 GMT+7

Diễn viên phim Lô tô cho biết việc phải lên sân khấu biểu diễn cho khán giả trong ngày Tết là 'thiên chức' của người nghệ sĩ. Anh khẳng định nếu ai thấy chạnh lòng vì điều này thì đừng nên làm nghề.

* Chào anh Hữu Châu. Nhìn lại hành trình một năm qua, điều gì khiến anh hài lòng nhất và tiếc nuối nhất?
- Nghệ sĩ Hữu Châu: Tôi không tiếc nuối điều gì cả vì bây giờ tôi lớn rồi, tôi hiểu cuộc sống rồi nên tôi thường cố gắng làm những điều không trái với lương tâm, khiến mình bị nhói. Còn về điều khiến tôi thấy mình làm được nhất và hạnh phúc nhất chính là tổ chức được buổi lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất của cô mình là cố nghệ sĩ Thanh Nga. Đó là tâm niệm từ trước đến giờ của tôi và tôi đã làm rất trọn vẹn. Tôi hạnh phúc vì nghĩ rằng cô mình đã mất 40 năm, trong khi tôi đã ngoài 50 tuổi rồi, liệu 10 năm nữa, tôi có còn uy tín, sức khỏe để có thể làm một buổi lễ đàng hoàng cho cô mình hay không?
* Năm 2018 xuất hiện nhiều gương mặt nghệ sĩ mới với nhiều dự án điện ảnh được đánh giá cao. Bản thân anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi rất mừng khi có những tác phẩm được đánh giá tốt. Dù có tôi tham gia hay không nhưng được khán giả đón nhận thì tôi mừng cho ê-kíp đó, vì đã giúp nền điện ảnh, sân khấu nước nhà sang trọng hơn, chỉn chu và khởi sắc hơn. Lúc đó thì người nghệ sĩ có cơm ăn.
Trong năm qua, về lớp nghệ sĩ trẻ, tôi thấy làm được thì có Huỳnh Lập. Bạn vừa thực hiện những bộ phim và có hoạt động khiến tôi thích và đánh giá cao. Còn nữ thì có Ngô Thanh Vân với Cô ba Sài Gòn, Song Lang và sắp tới là Hai Phượng. Tôi nói thiệt chứ nói riêng về Song Lang, họ làm một bộ phim nói về cải lương với sự trân trọng như vậy thì bản thân tôi là con nhà nòi tôi cảm ơn rất nhiều. Nói gì thì nói chứ phim ca ngợi văn hóa dân tộc rất đáng để trân trọng. Còn những bộ phim chạy theo thị trường thì tôi không biết, bởi tùy theo thị hiếu của khán giả.
Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết điều khiến anh tự hào nhất trong năm 2018 là tổ chức được lễ kỷ niệm 40 năm ngày mất của cố nghệ sĩ Thanh Nga Ảnh: NVCC
* Trong những ngày Tết, anh quan trọng điều gì nhất?
- Đối với tôi, Tết rất quan trọng. Quan trọng nhất vẫn là bàn thờ ông bà, bàn thờ tổ nghiệp. Kể từ khi 19 tuổi, trưởng thành và hiểu biết, sau khi gia đình bán nhà và tôi ở riêng, tôi bắt đầu lo lắng cho bàn thờ. Cứ mỗi lần Tết đến, cho dù không có tiền hay khi gia đình khá giả, thì bàn thờ tôi đều lo như nhau, phải lau chùi, trang trí kỹ lưỡng. Năm nào cũng phải có bánh trái, nhang đèn đầy đủ. Bởi quan điểm của tôi là không có ông bà thì không có mình. Tất cả cơm ăn áo mặc của tôi đều do tổ nghiệp đãi. Nên dù có nghèo khổ cỡ nào tôi cũng không quên chăm chút cho bàn thờ mỗi dịp Tết đến xuân về. Thông thường, Tết nhà tôi sẽ đón theo kiểu truyền thống. Ngày xưa bà nội tôi cúng ông bà như thế nào thì gia đình tôi làm y như vậy. Có điều gia đình tôi có một thay đổi khác là không còn đốt giấy tiền nữa.
* Vào dịp Tết, anh sẽ đi diễn hay sẽ đón Tết cùng gia đình?
- Bao nhiêu năm nay, từ khi bắt đầu theo nghề đến giờ, Tết của tôi bất đầu từ 23 tháng Chạp đến ngày giao thừa. Còn mùng một trở đi thì tôi ăn Tết ở sân khấu. Tôi diễn ngày 2 đến 3 suất, nên mùng một đối với tôi là hết Tết. Đón Tết sân khấu cũng có cái vui riêng. Khi mình cộng tác với một sân khấu nào thì nơi mình làm việc nhiều khi còn thân thiết hơn, xem đó là nhà. Nhiều khi tôi gặp người trong sân khấu còn nhiều hơn gặp má tôi, em tôi ở nhà, đó là chuyện bình thường. Hát thì hát chứ trong hậu trường, phòng trang điểm vẫn đầy đủ bánh chưng, mứt trái. Người này mang theo cái này, người mang theo cái kia nên cũng vui lắm. Kỷ niệm Tết ở sân khấu nhiều lắm, có kể cũng không hết.
Mỗi dịp Tết, nghệ sĩ Hữu Châu đều đặn diễn tại sân khấu Ảnh: NVCC
* Nhiều người nói rằng người nghệ sĩ thường thiệt thòi vì phải bận diễn trong mấy ngày Tết để cống hiến cho khán giả, không có thời gian dành cho gia đình. Anh có từng chạnh lòng vì điều này?
- Tôi nghĩ không có gì để gọi là thiệt thòi hay chạnh lòng cả. Ai nói câu đó thì đừng đi theo nghề này. Đã chấp nhận làm nghề thì phải chấp nhận đi theo nghề. Mỗi một nghề đều có những điều để mình cống hiến cả. Tại sao những lúc mình ngủ, mình đi cà phê còn người ta đi làm mình không than? Nên không có gì phải chạnh lòng cả. Tại sao không nghĩ rằng nghề này cho mình biết bao nhiêu? Đó là thiên chức của người nghệ sĩ rồi. Những ngày lễ Tết mình đi làm là chuyện thường, vì lúc đó người ta đi coi kịch nhiều, đi xem cải lương, ca nhạc nhiều.
* Nhiều người cho rằng Tết bây giờ bị biến chất, không còn vui như trước. Thậm chí có nhiều người hình thành tâm lý sợ Tết, anh nghĩ sao về điều này?
- Bản thân tôi không thấy vậy. Chẳng qua bây giờ cuộc sống khó khăn, kiếm tiền cũng vất vả hơn trước nên người ta hạn chế, không ăn Tết lớn. Nhưng nhà nhà, người người vẫn đón Tết đó thôi, vẫn có chợ bông, đường hoa bình thường. Họ sinh ra tâm lý sợ Tết vì họ không có tiền. Chuẩn bị ăn Tết thì khó khăn thiệt, mệt mỏi thiệt nhưng không ai muốn bỏ cả. Mà tâm lý sợ Tết đâu phải bây giờ mới có, từ hồi nhỏ xíu tôi đã từng nghe ba mẹ than rồi.
Có nhiều người còn nói rằng nên gộp Tết ta với Tết tây chung để đỡ tốn kém. Chuyện đó là của người ta, người ta muốn làm gì thì làm. Bây giờ có bỏ hay không thì tôi vẫn cúng kiếng ông bà đúng ngày, đúng Tết. Tại vì đối với tôi, Tết là nơi gia đình tụ về sum vầy. Nhiều khi những ngày thường mỗi người bận rộn, không gặp nhau được thì thời điểm Tết đến là lúc họ trở về với gia đình của mình. Đối với người Việt Nam nói chung và người châu Á nói riêng thì Tết là dịp để tụ họp, cũng giống như ngày Noel của phương Tây vậy. 
Nhân dịp năm mới, Hữu Châu chúc độc giả báo Thanh Niên một năm mới dồi dào sức khỏe, đón một cái Tết hạnh phúc và bình an bên gia đình của mình. 
* Xin cám ơn NSƯT Hữu Châu!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.