NSƯT Ngọc Trinh: 'Càng ngày tôi càng thấm chữ duyên’

Hoàng Kim
Hoàng Kim
12/08/2020 15:00 GMT+7

NSƯT Ngọc Trinh nổi tiếng trên sân khấu kịch lẫn phim ảnh. Chị từng diễn tại Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP.HCM (sân khấu 5B), sân khấu kịch Idecaf, kịch Sài Gòn, Thế Giới Trẻ …

Sau khi thành lập công ty riêng, NSƯT Ngọc Trinh ký hợp đồng thuê mặt bằng tại Nhà hát Kịch TP.HCM. Nhưng chưa được bao lâu thì xảy ra sự cố, chị kiện đơn vị này đã vi phạm hợp đồng, vụ kiện kéo dài mấy năm trời tốn nhiều công sức. Nay chị vừa đóng phim vừa giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM và một số nơi khác.
NSƯT Ngọc Trinh vừa đoạt huy chương vàng cá nhân với vai Miên, nữ phạm nhân có số phận bi đát trong vở Búp bê không biết khóc (đoạt huy chương bạc Liên hoan sân khấu toàn quốc "Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân" 2020). Niềm vui còn lâng lâng, chị đã có những chia sẻ cùng Thanh Niên.

NSƯT Ngọc Trinh và nghệ sĩ Đình Toàn trong vở Búp bê không biết khóc

ẢNH: H.K

* Chào chị. Có vẻ như chị không mấy bất ngờ khi nhận kết quả này?
- NSƯT Ngọc Trinh: Thật ra nói không bất ngờ cũng không đúng, vì mình đâu có biết ban giám khảo chấm thế nào, cũng hồi hộp lắm chứ. Nhưng trước khi thi thì rất hy vọng, bởi dư luận báo chí và hội đồng phúc khảo trong này đều khen ngợi. Nhờ vậy mà ê-kíp chúng tôi thấy tự tin hơn.
* Lúc dự thi chắc chị cũng có lo lắng, và chị lo lắng điều gì nhất?
- Đúng là có lo, ở chỗ mình hài kiểu miền Nam, không biết khán giả miền Bắc có cảm được không. Mình “thả miếng hài” mà khán giả không cảm được thì sẽ không cười, như vậy diễn mất "lửa" liền. Phần bi kịch thì hầu hết ai cũng cảm dễ dàng, nhưng phần hài điểm xuyết vào là lo nhất, bởi miếng hài mỗi vùng miền khác nhau, tâm lý mỗi vùng miền cũng khác nhau, không khéo thì mình hài mà lọt thỏm vào khoảng không. May sao, khán giả cảm được hết, vỗ tay liên tục trong buổi diễn, chúng tôi mừng quá trời quá đất.
* Chị có nghĩ một ngày nào đó sẽ quay trở lại Hà Nội, nối lại cây cầu với khán giả miền Bắc?
- Thường thì ít có đoàn kịch miền Nam ra Bắc diễn, nhưng nếu có kinh phí hỗ trợ thì chúng tôi sẵn sàng. Chúng tôi tin rằng vở Búp bê không biết khóc rất mềm mại, gần gũi đời thường, không chỉ dự liên hoan mà khi đem diễn bình thường cũng sẽ chinh phục khán giả. Như mới đây, sau khi dự liên hoan về, ngành công an đã tổ chức cho chúng tôi biểu diễn một suất tại Nhà văn hóa Thanh niên (TP.HCM) với hơn 350 khán giả là chiến sĩ công an và thanh niên tình nguyện mùa hè xanh.
Suất diễn đầy kỷ niệm, ấn tượng sâu sắc. Nhìn xuống khán phòng toàn màu áo đồng phục, rất trang nghiêm, ai ngờ khi diễn thì các anh, chị vỗ tay quá trời, và hạ màn rồi vẫn vỗ tay, chúng tôi đứng chào mãi vì tiếng vỗ tay cứ kéo dài. Các anh, chị nấn ná không chịu về, lên chụp hình với chúng tôi rất vui. Chính những hiệu quả đó lại là phần thưởng đối với nghệ sĩ chúng tôi chứ không chỉ có huy chương.

NSƯT Ngọc Trinh và nghệ sĩ Đại Nghĩa trong vở Tiếng giày đêm

ẢNH: H.K

* Thật sự chị là một nghệ sĩ luôn lấy được nước mắt lẫn nụ cười của người xem. Dù mấy năm nay chị không có sân khấu cố định để diễn thường xuyên, vậy mà khi bước lên sàn diễn vẫn còn rất “bén”. Nhưng hỏi thật là chị có cảm thấy tiếc nuối hay không? Và có còn ôm giấc mơ làm " bà bầu" nữa không?
- Càng ngày tôi càng thấm chữ “duyên”. Mình đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không được thì có nghĩa là mình chưa có duyên với chuyện đó, nơi đó, thì mình buông tay thôi. Tuy tôi không diễn thường xuyên như trước, nhưng thực sự cũng không xa nghề vì đi dạy học cũng phải thị phạm, hoặc được anh em mời đi diễn lai rai, như hồi tết, diễn với anh Hoài Linh trong vở Ra giêng anh cưới em tưng bừng tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Mà rất lạ, sân khấu có một ma lực gì đó mà mình không hiểu nổi, dù mình lâu xuất hiện nhưng cứ bước lên là tự nhiên bung hết tâm lý và nghệ thuật diễn xuất ra, hoàn thành vai diễn. Dù đi đóng phim khỏe hơn, nhiều tiền hơn, nhưng vẫn yêu sân khấu, chỉ muốn lao vào, như cái nghiệp không bỏ được.
Nhưng nói thiệt là chuyện quay lại “làm bầu” tôi không dám vội vã nữa. Đã rút kinh nghiệm thương đau nên giờ phải cẩn thận. "Làm bầu" hy sinh nhiều lắm, đổ hết vốn liếng, tài sản chắt chiu từ mồ hôi nước mắt mình dành dụm vào sân khấu, thì phải có sự an toàn chứ kiểu cho thuê vài tháng, vài năm không cho thuê nữa thì chúng tôi "chết" ngay. Vì vậy bây giờ tôi quan tâm đến vai diễn của mình hơn là chuyện làm bầu. Mong có vai hay để diễn là thích rồi.

NSƯT Ngọc Trinh trong vở Ngôi nhà của chúng ta cùng Hữu Tiến

ẢNH: H.K

* Giả sử có điểm diễn thì chị đủ lực lượng diễn viên và kịch mục hay không?
- Tôi may mắn có những đồng nghiệp tốt, cùng chia sẻ với mình, cho nên khi làm vở chúng tôi tụ họp với nhau không đến nỗi quá khó. Về kịch mục, ngoài vở Búp bê không biết khóc, chúng tôi còn Tiếng giày đêm (giải vàng Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018), Chỉ có thể là yêu, Ngôi nhà của chúng ta, tạm đủ cho bước đầu ra mắt.
* Nhưng nếu chờ đợi điểm diễn riêng thì e quá lâu chăng? Chị có nghĩ tới phương án ngắn hạn nào đó để các vở nói trên được ra mắt hay không?
- Không chờ thì biết làm sao? Tuy nhiên vẫn có một phương án khác mà chúng tôi đang nghĩ tới. Chúng tôi rất muốn diễn cho sinh viên, học sinh, hoặc lực lượng công an, bộ đội, thanh niên xung phong, phạm nhân… xem với giá cực rẻ, vì những vở đó đều có thông điệp nhân văn, chỉ cần truyền được cho khán giả là chúng tôi “có lãi” rồi, chứ không cần tính toán thù lao cao hay thấp. Chỉ cần có thể kết nối được với các đơn vị có nhu cầu thì chúng tôi tự kết nối được điểm diễn. Mình thuê địa điểm cho một vài suất diễn thì dễ dàng hơn.
* Cảm ơn NSƯT Ngọc Trinh. Chúc chị tiếp tục thành công và hoàn thành ước mơ sân khấu của riêng mình.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.