NSƯT Tạ Minh Tâm: 'Tôi hát không hay bằng… nhà văn Lê Văn Thảo'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/05/2018 16:30 GMT+7

Sáng 5.5, tại TP.HCM, gia đình nhà văn Lê Văn Thảo và đồng đội đã tổ chức buổi ra mắt tác phẩm Ở R, chuyện kể sau 50 năm và ôn lại nhiều kỷ niệm cảm động với tác giả.

Những câu chuyện "người thật việc thật" được nhà văn ghi lại trong cuốn sách Ở R, chuyện kể sau 50 năm do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành.
Tham dự lễ giới thiệu sách của nhà văn Lê Văn Thảo, ngoài gia đình còn có nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, ca sĩ - NSƯT Tạ Minh Tâm, nhà văn Văn Lê, đạo diễn Trần Ngọc Phong, diễn viên Hạnh Thúy, nhà báo Trần Thanh Phương, nhà văn Bùi Đức Ánh, nhà văn Trầm Hương, nhà thơ P.N Thường Đoan… và khán giả hâm mộ, yêu quý ông.
Đạo diễn Lê Văn Duy chia sẻ nhiều kỉ niệm cảm động với anh trai

Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy và nhà văn Lê Văn Duy với tác phẩm mới ra mắt
Đạo diễn, nhà văn Lê Văn Duy kể: “Năm 1962, tôi và anh Lê Văn Thảo từ Long An băng qua Đồng Tháp Mười và cánh đồng Chó ngáp để lên R. Suốt cả thời thơ ấu hai anh em gắn bó, cùng xa nhà và học đại học ở chung với nhau có chung nhiều kỷ niệm. Một hành trình theo cách mạng và một nghiệp văn chương mà hiếm có anh em ruột văn nghệ sĩ nào may mắn như thế. Khi đọc Ở R, chuyện kể sau 50 năm trong di cảo của anh để lại, tôi thực sự cảm động vì mình không hề biết chính giai đoạn phải chống chọi với bệnh tật, gượng dậy qua từng cơn đau mà anh vẫn tranh thủ chạy đua với thời gian ngồi viết. Mỗi khi ai đến thăm đều cười rất tươi mà tôi đâu biết anh vẫn âm thầm chịu đựng sự đau đớn của thể xác để sớm hoàn thành tác phẩm…”.
Đồng cảm với tâm sự của người anh Lê Văn Duy, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, kể: “Bất cứ hoàn cảnh nào anh Lê Văn Thảo vẫn lạc quan và yêu đời. Ngay cả những ngày nằm trên giường bệnh anh luôn cất tiếng hát. Lúc nào nhà văn Lê Văn Thảo cũng khoe hồi ở R anh hát hay lắm nên được mọi kêu đi hát hoài. Giọng ca của anh còn hay hơn NSƯT Tạ Minh Tâm chứ không phải chơi đâu”. Và để chứng minh cho điều này, bà Dương Cẩm Thúy đã mời ca sĩ Tạ Minh Tâm lên sân khấu để khán giả so giọng.
Bạn chiến đấu "vào sinh ra tử" kể chuyện về nhà văn Lê Văn Thảo
 
Được biết NSƯT Tạ Minh Tâm vừa là người em, người bạn thân thiết của gia đình nhà văn Lê Văn Thảo nên anh vui vẻ bước ngay lên sân khấu. Tay cầm micro, anh thú nhận ngay: “Hôm nay tôi đến tham dự và mong được hát để mọi người từng nghe tiếng hát anh Lê Văn Thảo sẽ thấy anh ấy hát hay hơn tôi. Thực sự tôi hát không bằng nhà văn đâu…”. Rồi say sưa với ca khúc Một đời người một rừng cây của nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Còn nhà văn, nhà phê bình Lê Quang Trang cho biết: “Với tôi, anh Lê Văn Thảo như một người anh, một nhà văn đã đem đến cho tôi nhiều cảm xúc kỷ niệm tháng ngày ở R. Qua các trang viết chân thật này của anh mà những thế hệ sau sẽ càng hiểu hơn về lịch sử miền Nam, về một thời của văn nghệ giải phóng sáng tạo văn học nghệ thuật tại chiến khu vừa cầm súng chiến đấu, vừa cầm bút…”.
Nhà văn Bùi Đức Ánh nhận xét: “Nhân vật của Lê Văn Thảo là những người bình dị, chịu nhiều cay đắng và thiệt thòi nhưng không bao giờ oán than cái số kiếp đang phải gánh chịu. Dẫu có lênh đênh xuôi ngược trên đường đời họ vẫn chấp nhận và vượt qua tất cả để sống. Sống như ai, như thế nào, trong thời cuộc nào không quan trọng mà phải để bản thân sống như cái cách mà họ có thể, để trên đời vẫn có những con người mà nhiệt huyết trong họ không bao giờ ngừng chảy”.
Nghệ sĩ Phạm Minh Tuấn (thứ hai từ trái qua) tại lễ ra mắt sách
Các đồng đội bồi hồi đọc tác phẩm mới
Họa sĩ Trang Phượng, người bạn thân đồng hành trên khắp các chiến trường Đồng Xoài, Phước Long, Bù Đốp… đặc biệt là dịp Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhớ lại những ngày tháng vượt qua “mưa bom bão đạn” tiến về Sài Gòn. Ông rưng rưng nhớ những giọt nước mắt Lê Văn Thảo đã khóc khi nghe tin Lê Anh Xuân hi sinh… và nhất là những trận lạc nhau, đói mờ mắt không thể nào quên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.