Phát hiện “ngói rồng” lợp khu vực chính điện Kính Thiên ?

18/04/2018 08:01 GMT+7

Ngày 17.4, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội kết hợp Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo khoa học Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017.

Trong số các phát hiện năm 2017, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều mảnh ngói thời Lê sơ tráng men xanh men vàng cùng với các mảnh ngói trang trí rồng đi kèm (ảnh). Nhiều viên ngói kết nối với nhau tạo thành hình rồng, đầu ngói cũng được trang trí hình rồng. Theo PGS-TS Tống Trung Tín, có thể gọi đây là loại “ngói rồng”. Kèm theo đó, ông Tín đưa ra giả thuyết ngói này được dùng để lợp những công trình đặc biệt trong hoàng cung. Nó cũng có thể được dùng để lợp mái điện Kính Thiên (?).
Cùng với loại “ngói rồng” này, còn có nhiều di vật khác được tìm thấy như: đồ đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại. Trong đó, nhiều nhất là các loại gạch ngói xây dựng và vật liệu trang trí lợp mái cung điện khác như ngói men xanh, ngói men vàng thời Lê. Các nhà khoa học cũng tìm thấy nhiều mảnh gốm men thời Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng. Có nhiều mảnh gốm sứ trang trí hình rồng thuộc thời Lê sơ và Mạc. Đây là loại tư liệu rất tốt để nghiên cứu tính chất và đời sống hoàng cung Thăng Long thời Lê.
Tại diện tích khai quật trong đợt này, phần lớn các dấu tích kiến trúc đã bị phá hủy bởi một “dấu tích ao hồ”. Các nhà khoa học phỏng đoán, đây có thể là “ao hồ” nhân tạo, một công trình trữ nước và tạo cảnh quan môi trường niên đại thế kỷ 17 - 18, bị lấp cuối thế kỷ 18 - 19 và thế kỷ 20. Tuy nhiên, hiện chưa chắc chắn lắm về niên đại của "ao hồ" này. Quy mô và công dụng của “ao hồ” này cũng đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu.
Tổng diện tích khai quật lần này là gần 960 m² (60 x 16 m). Cuộc khai quật được đánh giá đã góp thêm nhiều tư liệu để tìm hiểu kiến trúc Thăng Long qua các thời kỳ lịch sử, cũng như góp tư liệu phục vụ dự án nghiên cứu khôi phục điện Kính Thiên. Tuy nhiên, nhiều kiến trúc đã phát hiện đều bị dang dở do hố đào nhỏ. Chính vì thế, các nhà khoa học kiến nghị xem xét cho phép nghiên cứu xây dựng kế hoạch khai quật tổng thể 5 năm để từng bước khai quật theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội và Bộ VH-TT-DL.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.