Nghịch lý bảo tàng Huế

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
05/04/2018 14:15 GMT+7

Mặc dù có hệ thống bảo tàng và nhà lưu niệm thuộc vào diện nhiều nhất cả nước, nhưng đến nay TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) vẫn thiếu các bảo tàng độc đáo, thậm chí chỉ dừng lại ở chức năng của một 'nhà kho' cất giữ hiện vật.

Nhiều bảo tàng “na ná nhau”
Huế là thành phố văn hóa du lịch, thành phố di sản, trung tâm văn hóa của khu vực miền Trung. Nơi đây đang có đến 6 bảo tàng gồm Bảo tàng lịch sử (trước là Bảo tàng lịch sử và cách mạng), Bảo tàng văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng cổ vật cung đình (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế), Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ (của Công ty XQ), Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn (của nhà sưu tập Trần Đình Sơn). Ngoài ra, TP.Huế còn có Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng - Điềm Phùng Thị cùng hàng loạt nhà lưu niệm: Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nổ, xã Phú Dương (H.Phú Vang), nhà lưu niệm Phan Bội Châu (P.Trường An, TP.Huế), nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diểu (xã Phú Mậu, H.Phú Vang), nhà lưu niệm Nguyễn Chí Thanh (thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ)…
Mặc dù hệ thống bảo tàng và nhà lưu niệm phong phú như vậy, nhưng do chức năng quản lý cũng như hệ thống hiện vật sưu tập, trưng bày na ná nhau nên các bảo tàng vẫn không hấp dẫn. Nhiều bảo tàng có hệ thống hiện vật trùng nhau, đơn cử Bảo tàng cổ vật cung đình Huế chuyên giới thiệu hiện vật triều Nguyễn thì Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế cũng có mảng tư liệu hiện vật về triều Nguyễn. Tương tự, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng lịch sử tỉnh cũng đều có mảng tư liệu lịch sử chiến tranh cách mạng. Ở mảng văn hóa lịch sử Huế nói chung, cả Bảo tàng lịch sử tỉnh và Bảo tàng văn hóa Huế đều có chức năng quản lý, bảo tồn, trưng bày triển lãm, hiện vật sưu tập gần giống nhau.

Nói thật, có một số bảo tàng ở Huế chỉ có thể gọi là “nhà kho” chứ không thể đạt chuẩn để gọi là bảo tàng

PGS-TS Phan Thanh Bình

PGS-TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Nghệ thuật Huế, thành viên Hội đồng nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh giá tình trạng trùng lặp chức năng nhiệm vụ quản lý và bảo tồn, trưng bày hiện vật ở các bảo tàng khiến cho các bảo tàng thiếu tính chuyên sâu và kém hấp dẫn. “Nói thật, có một số bảo tàng ở Huế chỉ có thể gọi là “nhà kho” chứ không thể đạt chuẩn để gọi là bảo tàng”, PGS Phan Thanh Bình nhận xét.
Quy hoạch, sắp xếp lại
Cuối năm 2017, tại triển lãm “Hội ngộ”, Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chính thức kêu gọi nghệ sĩ Huế đóng góp tác phẩm, hiện vật để tiến tới thành lập Bảo tàng mỹ thuật Huế. Lời kêu gọi được đưa ra nhân dịp trình làng 33 bức tranh xuất sắc, tiêu biểu đã đạt giải thưởng quốc gia và khu vực qua các thời kỳ được Sở VH-TT sưu tập. Tại buổi triển lãm, Hội đồng nghệ thuật của tỉnh cũng đã trao chứng nhận và tiếp nhận tác phẩm của 6 họa sĩ Huế hiến tặng.
Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT, việc thành lập Bảo tàng mỹ thuật Huế là cần thiết và đã được đặt ra từ rất lâu, nhưng đến nay thời cơ vẫn chưa đến thời điểm chín muồi. “Muốn có Bảo tàng mỹ thuật thì phải có tác phẩm. Vì vậy, thời còn làm giám đốc sở, hằng năm chúng tôi đã dành một phần kinh phí nhỏ để mua các tác phẩm đạt giải, các tác phẩm xuất sắc của các tác giả qua các cuộc triển lãm được tổ chức… Tuy nhiên, để có đủ tác phẩm cho một bảo tàng thì cần phải có sự chuẩn bị lâu dài”, ông Hoa nói.
Trong khi đó, ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế, cho hay việc tiến tới thành lập Bảo tàng mỹ thuật Huế đã được thể hiện trong nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, giai đoạn từ nay đến 2020. Theo ông Dũng, để chuẩn bị cho việc thành lập Bảo tàng mỹ thuật Huế, Sở VH-TT đã làm việc với Hội Mỹ thuật VN và được hứa tặng cho Huế khoảng 30 bức tranh của các tác giả nổi tiếng. Cùng với việc sưu tập hiện vật của các giai đoạn trước đây, Sở VH-TT cũng đã đề nghị và được UBND tỉnh đồng ý phân bổ ngân sách 1 tỉ đồng từ năm 2017 để mua, sưu tập và vận động nghệ sĩ, gia đình các cố nghệ sĩ hiến tặng tác phẩm. Năm 2018, sở tiếp tục đề nghị UBND tỉnh phân bổ kinh phí 2 tỉ đồng cho công tác sưu tầm tác phẩm mỹ thuật.
Vậy trước nghịch lý vừa thừa vừa thiếu bảo tàng như vậy, TP.Huế sẽ xây dựng Bảo tàng mỹ thuật Huế như thế nào? PGS-TS Phan Thanh Bình gợi ý: “Trong các cuộc họp, nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề này. Theo tôi, Huế cần có quy hoạch và sắp xếp lại hệ thống bảo tàng. Theo đó, mỗi bảo tàng sẽ phát huy thế mạnh của mình để trở thành những bảo tàng thực sự có giá trị và hấp dẫn. Về định hướng xây dựng Bảo tàng mỹ thuật Huế, theo tôi nên bắt đầu vào mảng mỹ thuật đương đại, lấy mỹ thuật đương đại làm nền tảng, rồi từ đó dần mở rộng”.
Nghịch lý bảo tàng Huế1
Hiện vật thời Nguyễn tại Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên-Huế Ảnh: Bùi Ngọc Long
Việc Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên - Huế “ở tạm” trong khuôn viên di tích Quốc tử giám Huế hơn 40 năm qua, đến nay đã cơ bản có hướng ra. Thủ tướng đã đồng ý đề xuất của Bộ Quốc phòng và tỉnh Thừa Thiên - Huế chuyển giao khu đất tại 268 Điện Biên Phủ, P.Trường An (hiện do Tiểu đoàn 19 thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh quản lý) cho địa phương xây dựng bảo tàng này. Hiện Sở VH-TT đang phối hợp với các sở liên quan khảo sát cơ sở vật chất hiện có, khẩn trương triển khai lập dự án đầu tư để dời Bảo tàng lịch sử về nơi mới, dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.