Bà đánh giá thế nào về rác thải tại các khu du lịch ở VN? Nó có nhiều không?
Nhiều chứ, các khu du lịch nhiều lắm. Khu du lịch càng lớn, càng có vấn đề xử lý rác thải. Nếu so sánh với một số nước như Thái Lan, Philippines thì càng thấy nhiều. Chẳng hạn, vừa rồi tôi sang Philippines, đồ dùng ở đó hầu hết bằng giấy, ống hút thì toàn bằng tre và giấy. Họ không dùng ống hút nhựa. Đi ăn đến đâu là họ thu gom rác hết trên thuyền vào một túi. Ăn trưa trên bãi biển cũng thu gom hết để mang về xử lý. Biển
họ sạch, có tí rác nào đâu. Khách du lịch đến cứ đi tour đảo là thu 200 peso một người - phí môi trường nộp cho chính phủ. Ở bãi biển Pattaya (Thái Lan) cũng có thuế môi trường. Nếu vứt rác ra biển là nộp phạt, tính ra tiền Việt khoảng 70 triệu đồng. Các nước giữ sạch biển như thế.
Chúng ta sẽ kiểm soát rác thải ở khu du lịch kiểu gì nếu như khách cứ vứt rác và không thể phạt xuể?
Chính cư dân địa phương phải có ý thức. Chẳng hạn, khi gặp khách, họ đã nhắc khách ngay là không vứt rác thì mình sẽ không vứt. Ở đảo tại Philippines tôi vừa đi, họ ghi rõ ở đây không cung cấp túi ni lông, vui lòng mang theo túi. Mọi thứ đựng túi giấy hết. Ai cũng ôm túi giấy khư khư trước bụng. Rồi họ còn phân loại rác thải tại nguồn, làm thùng rác để ủ tạo ra phân xanh…
Có nhiều giải pháp. Chỉ có điều ta còn thờ ơ chưa chịu làm. Thậm chí ở các nhà hàng, khách sạn đang sử dụng nhiều chất thải nhựa, đồ take away cũng phải thay đổi. Hôm trước, có nhà hàng bán đồ take away còn làm một nhãn xin lỗi là chúng tôi chưa thay thế được nắp này, còn thân cốc và ống hút đã thay đổi hết. Các khách sạn cũng khuyến cáo chai nhựa như thế. Chúng ta nên dùng cốc, chai thủy tinh. Thực ra, khách du lịch đến có vứt rác thì cũng không nhiều, chủ yếu là chúng ta phải tính việc xử lý rác thải.
Những khu du lịch nhiều rác nhưng lượng khách vẫn tăng. Như thế có thể nói là nó ảnh hưởng du lịch không?
Khách đến nhìn thấy rác thì lần sau họ không đến nữa thôi. Vấn đề là giữ môi trường chính là giữ cho mình. Khách đến vài ngày rồi đi. Còn chúng ta ở đó, cả thế hệ mình và thế hệ con cái mình nữa. Khách du lịch chỉ tác động đến nhưng không phải người xả chính. Nếu mình cung cấp đầy đủ thông tin và diễn giải môi trường thì họ sẽ cùng mình giữ sạch. Đó là các biển hướng dẫn, thuyết minh nâng cao hướng dẫn bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, biển hướng dẫn sử dụng trong các khu du lịch hãy làm từ nguyên liệu thiên nhiên như tre, biển dùng ký hiệu gạch chéo rác thôi cho dễ hiểu, hay chỉ chỗ đổ rác. Tương lai ở các khu du lịch sẽ hướng tới những loại biển như thế. Tuy nhiên, nên ưu tiên việc phân loại rác tại nguồn. Điều này thì ta chưa làm tốt.
Rác ở khu du lịch có đang làm giảm thu nhập của du lịch VN không?
Hiện tại thì chưa. Nhưng khi về, khách có thể viết nhận xét và rồi khách chi tiêu tốt sẽ ít tới dần.
Có khu du lịch đóng cửa để xử lý vấn đề môi trường rồi phải không, thưa bà?
Trên thế giới có rồi, đó là Boracay ở Philippines. Vào thời điểm đó, 90% GDP của họ là từ du lịch, vậy mà họ vẫn quyết định đóng. Trước đó, Boracay đã được cho 6 tháng để cải thiện môi trường nhưng chưa làm được nên mới bị đóng.
Có vấn đề của những khu có quá nhiều khách Đông Nam Á, có rác ở những khu du lịch quá đông khách đến. Chẳng hạn, Fanxipan có vấn đề của rác thải cứng, đây là loại rác thải kinh khủng nhất. Vấn đề rác thải ở Hạ Long cũng không phải không có. Hay Lý Sơn cũng bị vì không có hệ thống xử lý rác thải tương xứng với khách du lịch trên đảo.
Như vậy, quan trọng là vấn đề quy hoạch. Ta phải tính được sức chứa của điểm du lịch đó. Quá sức chứa đó thì phải mạnh dạn không nhận thêm khách. Chẳng hạn, Sơn Đoòng chỉ nhận tối đa mấy trăm khách mỗi năm, quá nữa là không nhận. Nếu khách muốn vào thì xếp hàng. Nhưng chùa Hương thì không tính toán như vậy, và một điểm mà 1 triệu khách đến cùng lúc thì làm sao dọn rác cho xuể được? Tóm lại, không thể tham lợi trước mắt mà cần phải hy sinh khi tính chuyện xử lý rác. Phải tính được sức chứa để điểm đó không quá tải.
Bình luận (0)