Rưng rưng hồi ức nhà tập thể cũ Hà Nội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/12/2018 06:35 GMT+7

Trong cuốn sách Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức, người đọc có thể tìm thấy những nỗi nhớ ngọt ngào và cay mũi.

Nỗi nhớ hành lang hẹp

Th.S-KTS Trần Thị Thanh Thủy (ĐH Kiến trúc Hà Nội) chưa bao giờ thấy mình gần gũi với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn như khi đứng trước khu tập thể Thành Công (Q.Ba Đình, Hà Nội). Với cô, cả khu tập thể lẫn bài thơ Nhà cũ ở Thành Công của bà Nhàn là một phần ký ức. Bài thơ viết: “Nhớ hành lang hẹp/Nơi ta đứng chờ/Con vừa đi học/Ai về như mơ...”. Và giờ đây, cô còn gom lại nhiều nỗi nhớ các khu tập thể khác nhau như thế ở Hà Nội. Chúng được in trong cuốn Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức. Cuốn sách do NXB Hội Nhà văn xuất bản dày 300 trang, với 200 bức tranh và 31 bài viết lớn nhỏ về các khu tập thể.
“Người vẽ ký họa nhiều tuổi nhất đã 70, người trẻ nhất chỉ 7 tuổi. Lứa tuổi người tham gia viết từ trên 30 tới 70 tuổi”, bà Thủy cho biết. Những bức ký họa được tuyển chọn từ hàng ngàn tác phẩm của thành viên nhóm ký họa Urban Sketchers Ha Noi. Mỗi tuần một lần, họ cùng nhau đi lang thang trong thành phố để vẽ lại những góc đời thân quen, trong đó có các khu tập thể cũ. Trong khi đó, các bài viết lại có nguồn gốc đa dạng hơn. Qua mạng xã hội, KTS Thủy cùng nhóm đã đề nghị mọi người cùng tham gia viết về ký ức của mình ở khu tập thể.
Có thể gặp được trong cuốn sách tất cả các “thế hệ” khu tập thể ở Hà Nội. “Thế hệ đầu tiên là Kim Liên, Nguyễn Công Trứ. Những khu tập thể này có khu bếp chung, khu công trình phụ chung. Nhưng đến thế hệ sau thì đã khác. Chẳng hạn, Trung Tự đã có những căn hộ lắp ghép, ở đó mỗi nhà đều có khu vệ sinh và bếp riêng”, KTS Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nói.
Những bức ký họa đều phác thảo rõ diện mạo các khu tập thể hiện nay. Ở đó, những hành lang nhỏ chạy dài, những cầu thang thoai thoải rộng hay hẹp và dốc đứng đều được nhận diện rõ. Cộng với những thay đổi theo hướng “cửa hàng hóa” tầng một mặt tiền, các khu tập thể trở nên sinh động, hệt như bây giờ. Thậm chí, các tấm biển quảng cáo với tên nhãn hàng khổ lớn cũng được vẽ lại.
Rưng rưng hồi ức nhà tập thể cũ Hà Nội1

Nối liền ký ức

Lớn lên từ khu tập thể
Đã có những kết nối thế hệ khi cùng nhau viết vẽ về khu tập thể cũ. “Hồi tháng 11 vừa rồi, chúng tôi có triển lãm Lớn lên từ khu tập thể của bạn Lê Tất Khánh, 7 tuổi. Bạn đi vẽ với nhóm từ khi 5 tuổi. Sau 2 năm, bạn có 150 bức tranh. Bạn ấy chọn 50 bức để triển lãm ở khu tập thể Trung Tự. Bức tranh đó treo cầu thang để làm đẹp khu tập thể của mình”, KTS Thanh Thủy nói.
Nếu như những hình ảnh ký họa cho thấy diện mạo hiện tại của khu tập thể, thì các bài viết lại cho thấy đời sống ở khu tập thể xưa. “Cứ đi làm về, bố tôi lại cởi phăng áo và gọi đi cùng xuống tầng dưới xin nước. Thế là hai cha con lại chạy xuống tầng 1, tầng 2 gõ cửa xin lấy nhờ nước. Cứ hai tay hai xô, bố tôi xách chạy một mạch theo cầu thang lên đến tận nhà ở tầng 5. Đến nhà, đổ 2 xô nước vào cái thùng phuy rồi lại tất bật lao xuống, cứ như vậy hầu hết ngày nào trong suốt mấy tháng hè ông cũng phải xách đến 20 vòng”, ông Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1971) nhớ về khu tập thể Giảng Võ gắn với sự vất vả của người cha.
Khu tập thể Nguyễn Công Trứ lại có cầu thang nhỏ và dốc, căn hộ cũng chỉ 20 mét vuông. Chính vì thế, gia đình ông Đỗ Việt Cường (sinh năm 1958) đành phải bán xe máy vì không có chỗ để. “Hồi đó còn bé mới 5 tuổi đi theo bố mẹ leo cầu thang bộ 4 tầng mỏi chân kêu ầm ĩ. Do chuyển lên tầng 4 không có chỗ để xe máy nên bố tôi phải bán cái mô tô mà ông rất thích là chiếc Motobecane của Pháp cho họa sĩ Mạnh Quỳnh. Trước khi bán, ông cho tôi đi một vòng Hà Nội, ăn kem Thủy Tạ và cùng ông đi uống cà phê phin rồi quay về nhà”, ông Cường viết.
“Được ở trong khu tập thể là một hạnh phúc. Bạn cứ tưởng tượng chỉ sau một đêm, bạn có một căn hộ của mình”, KTS Trần Huy Ánh nói. Theo ông, việc các suất nhà khu tập thể được phân theo cơ quan, theo ngành cũng khiến liên kết các thành viên ở đó chặt chẽ hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.