Đúng 7 giờ 30 sáng 12.7 tại Thế Miếu (Đại nội Huế), đại diện tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc (TP.Huế), Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế… đã tổ chức rước long vị của vị vua yêu nước Hàm Nghi theo nghi thức truyền thống. Đã có khoảng 500 người tham gia buổi lễ này.
|
Sau khi đại diện Nguyễn Phước tộc thực hiện các nghi lễ, long vị của vua Hàm Nghi được mang ra kiệu, khiêng bộ đi trong Đại nội, qua Ngọ Môn, sau đó được chuyển lên ô tô, hướng thẳng về khu di tích quốc gia thành Tân Sở (thuộc thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, H.Cam Lộ, Quảng Trị).
|
Cùng lúc diễn ra sự kiện rước long vị vua Hàm Nghi, hai đoàn khác của H.Cam Lộ đã lần lượt về dinh Tôn Thất Thuyết ở làng Vân Thế Trung (xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) để rước bài vị của vị Binh bộ thượng thư này và về thôn An Cư (xã Triệu Phước, H.Triệu Phong, Quảng Trị) rước bài vị của Kỳ vỹ quận công Nguyễn Văn Tường.
Cả 3 đoàn rước long vị, bài vị của vua quan phong trào Cần Vương sau đó đã cùng nhập đoàn và cùng hướng về khu di tích quốc gia thành Tân Sở.
|
|
Long vị của vua Hàm Nghi và bài vị các tướng sĩ Cần Vương được đưa vào thờ ở Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương (ở khu di tích quốc gia thành Tân Sở), để nhân dân và du khách thập phương đến chiêm bái. Ngôi đền này vừa được xây dựng với kinh phí 7 tỉ đồng và sẽ được tổ chức lễ khánh thành vào sáng mai 13.7, đúng ngày kỷ niệm 135 năm vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương (13.7.1885).
|
|
Theo sử cũ chép lại, thành Tân Sở được khởi công từ năm 1883. Sau khi xuất bôn rời kinh thành Huế, vua Hàm Nghi đã gắn bó với mảnh đất Quảng Trị trong 27 ngày ngắn ngủi nhưng hết sức trọng đại (từ 6.7.1885 đến 2.8.1885); trong đó có 16 ngày vua ở lại thành Tân Sở (từ 10.7 đến 26.7.1885). Được biết, căn cứ thành Tân Sở đã được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1995.
Bình luận (0)