Sài Gòn - Chợ Lớn qua tư liệu báo chí xưa

07/04/2020 06:25 GMT+7

Cuốn sách khảo cứu Sài Gòn - Chợ Lớn: Đời sống xã hội và chính trị qua tư liệu báo chí (1925 - 1945) của tác giả Nguyễn Đức Hiệp vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành.

Cuốn sách phác họa hình ảnh Sài Gòn - Chợ Lớn trong 20 năm (từ 1925 - 1945) với các vấn đề xã hội và chính trị thông qua tư liệu lịch sử trên báo chí như: Sài Gòn, Sài Thành nhật báo, Công luận báo, Phụ nữ tân văn... và các tờ báo tiếng Pháp như L'Echo Annamite, Les Annales Coloniales... Để bức tranh xã hội, chính trị Sài Gòn - Chợ Lớn được toàn diện, Nguyễn Đức Hiệp còn trích dẫn các tờ báo xuất bản ở Hà Nội và Huế như: Ngày nay, Tri Tân, Thời vụ, Sông Hương...
Đặc biệt, bạn đọc cảm nhận được không khí đấu tranh của tự do báo chí và đấu tranh xã hội thông qua hoạt động của Đảng Lập Hiến (do Bùi Quang Chiêu đứng đầu), của nhóm La Lutte (gồm Tạ Thu Thâu, Huỳnh Văn Phương, Nguyễn Văn Tạo...)... Khí phách anh hùng của Lý Tự Trọng trước phiên tòa kết án tử hình vì bắn chết mật thám Legrand qua tường thuật của báo L'Echo Annamite. Phong trào Đông Dương đại hội và cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam kỳ (1939)... Cuối cùng là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (1940) và từ khi phát xít Nhật Bản vào Sài Gòn cho đến khi Cách mạng Tháng Tám 1945.
Bạn đọc sẽ được tiếp cận nguồn tư liệu lịch sử trên báo chí để biết thêm về tiểu sử các nhà trí thức Sài Gòn nói riêng, Nam bộ nói chung (luật sư, nhà báo, nhà hoạt động chính trị xã hội): Vương Quang Nhường, Trịnh Đình Thảo, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Dương Bạch Mai… đã tham gia phong trào yêu nước đấu tranh cho dân chủ và tự do như thế nào.
Nguyễn Đức Hiệp sinh tại Sài Gòn, có bằng tiến sĩ y sinh Đại học Sydney, Úc. Hiện ông là Trưởng nhóm nghiên cứu chất lượng môi trường và biến đổi khí hậu ở ĐH Tôn Đức Thắng (VN) và chuyên gia khí quyển tiểu bang New South Wales (Úc). Những năm gần đây, Nguyễn Đức Hiệp là tác giả nhiều đầu sách về Sài Gòn: Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2015); Sài Gòn - Chợ Lớn: Ký ức đô thị và con người (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016); Sài Gòn - Chợ Lớn: Thể thao và báo chí trước 1945 (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016); Sài Gòn - Chợ Lớn nửa cuối thế kỷ XIX (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2018); Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945 (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2018)...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.