Sài Gòn qua bưu ảnh và poster phim

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
23/09/2018 09:43 GMT+7

Từ ngày 18.9 - 18.10 tại Cafe Lúa Sài Gòn (28 - 30 - 32 Nguyễn Cơ Thạch, Q.2, TP.HCM) diễn ra triển lãm Sài Gòn , một thế kỷ vàng son với nhiều hiện vật quý hiếm và thú vị.

Triển lãm được Huỳnh Minh Hiệp, Phó chánh văn phòng Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật VN (anh cũng là chủ nhân của Cafe Lúa Sài Gòn) cùng với ông Philippe Chaplain, Chủ tịch Hội Di sản quốc gia Pháp - chủ nhân của hàng ngàn bức bưu ảnh về Đông Dương (trong đó có Sài Gòn thời xưa) tổ chức.
Bộ sưu tập “khủng”
Huỳnh Minh Hiệp (46 tuổi) đã có 13 năm làm việc cho Trung tâm UNESCO nghiên cứu và bảo tồn cổ vật VN. Anh có nhiều điều kiện tiếp cận với hiện vật cổ, biết được giá trị của nó rồi đam mê và cất công sưu tầm. Đến nay, bộ sưu tập của Hiệp đã có trên 5.000 hiện vật xưa, gồm nhiều chủng loại “thượng vàng hạ cám”.
Poster phim Les Amants Fugitifs chiếu tại rạp Asam
Chẳng hạn, về ẩm thực: chai bia “la-de” hiệu Con Cọp, chai nước ngọt đủ loại trước 1975, lon sữa hộp Guigoz, khuôn làm bánh kem Champagne, xe hủ tiếu...; Thư tịch cổ (từ xưa nhất là “Giấy thuế thân” được làm vào năm 1891, cho đến những cuốn sách khổ nhỏ ghi lời thoại, lớp lang của những vở tuồng từ năm 1950 - 1975); Giao thông: quý nhất là chiếc xe Motobecane của giám mục Ngô Đình Thục do Khâm sứ Tòa thánh Vatican tại Đông Dương tặng có kèm theo đầy đủ giấy tờ chứng minh và chiếc Motobecane 1938 của viên chức chính quyền vua Bảo Đại, chiếc xe PC tay ga đầu tiên do Hãng Honda sản xuất, xe xích lô máy, xe Mobilette 1952, xe Goebel chở phía sau cái thùng chiếu xi nê lưu động mà bọn con nít Sài Gòn thập niên 1960 rất khoái xem “xi nê thùng”, rồi vé máy bay Air Vietnam, vé xe đò Sài Gòn - Vĩnh Long...
Những poster quảng cáo phim quý hiếm
Dù sưu tầm “thượng vàng, hạ cám” nhưng thứ mà Huỳnh Minh Hiệp quý nhất xen lẫn tự hào bởi nó “không đụng hàng” là những tờ quảng cáo cho các bộ phim Pháp - Việt, thứ mà ngày xưa gọi là “prồ-gam” (programme), bây giờ gọi là poster.
Poster thời xa xưa được in đơn giản, một màu trên giấy thô. “Già” nhất trong các poster là mẩu quảng cáo cho bộ phim Les Amants Fugitifs do các tài tử Robert Montgomery và Madge Evans đóng vai chính. Phim được chiếu ở rạp Asam Đakao ở đường Albert (nay là Đinh Tiên Hoàng) năm 1935. Cũng tại rạp Asam Đakao đã chiếu bộ phim Bach Florelle Chabichou vào năm 1936 (năm 1965 rạp bị phá để xây cư xá). Rồi poster của phim Coupable chiếu ở rạp Casino (sau này là rạp Cầu Bông) năm 1938 với các diễn viên Pierre Blanchar, Madeleine Ozeray, Marguerite Moreno…
Poster phim Serpent du Nil
Thập niên 1950 có poster của những phim như: Serpent du Nil với nữ diễn viên Rhonda Fleming đóng vai Nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre và các nam tài tử William Lundigan, Raymond Burr... Rạp Việt Long (số 18 đường Audouit - nay là Cao Thắng) chiếu bộ phim Le Proscrit do tài tử Anthony Dexter đóng. Rồi tờ poster quảng cáo loạt phim hài của vua hề Charlot năm 1959.
Thông tin trên poster phim Adam và Eva từng gây chú ý một thời với thông tin: “... Hoa hậu điện ảnh quốc tế kiêm hoa hậu thế giới, cô Christianne Martell đầy đủ nét thiên nhiên trong thân hình kiều diễm sẽ sắm vai nàng Eva, cùng với Carlos Baena lực sĩ đẹp nhất của nam giới trong vai Adam. Cấm trẻ em dưới 16 tuổi không được xem”.
Và những tấm bưu ảnh xưa
Vì quý mến Huỳnh Minh Hiệp nên ông Philippe Chaplain đã tặng anh khoảng 200 tấm bưu ảnh (postcard) trong bộ sưu tập đồ sộ của ông. Đó là những bức ảnh do các quan chức hoặc binh lính Pháp đã chụp phong cảnh, đường phố và cảnh sinh hoạt của Sài Gòn từ khoảng 100 năm trước. Mặt sau bưu ảnh (thỉnh thoảng là ở mặt trước) có thủ bút viết bằng tiếng Pháp chú thích sự kiện trong ảnh, thường thì ghi vắn tắt nhưng cũng có khi là một “bức thư” với chi chít những dòng chữ.
Bưu ảnh Dinh Toàn quyền Đông Dương
Cổ nhất trong số đó là 2 bức ảnh: một chụp cảnh đám cưới, ảnh còn lại chụp Nhà hát Thành phố vào năm 1903. Bức ảnh có ghi chú Le Nouvel Hotel de Ville à Saigon được chụp năm 1906 nay là trụ sở UBND TP.HCM. Có bức ảnh chụp Dinh Toàn quyền Đông Dương (sau này bị phá bỏ để xây Dinh Độc Lập), rồi cảnh sinh hoạt ở một chợ bán lúa gạo (1908), xe bò và xe kéo tay ở khu vực nhà thờ Đức Bà (1909), gánh hàng rong trước Nhà hát Thành phố (1911), những đứa trẻ ở chợ Sài Gòn, gánh hủ tiếu lưu động, cảnh đường Catinat (nay là Đồng Khởi) vào năm 1918, ảnh chụp những người Chà (Ấn Độ) vào năm 1912 - họ là chủ ngân hàng, nắm giữ chủ yếu việc kinh doanh ở Sài Gòn xưa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.