TS Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm khoa học xã hội) cho rằng tuy là một trang phục có ảnh hưởng, áo dài không nên được công nhận là quốc phục. “Nếu chọn áo dài là quốc phục, trong những dịp lễ tết đặc biệt hoặc sự kiện quốc gia, nó phải được tất cả các dân tộc thiểu số mặc. Điều đó khiến cho việc mặc áo dài trở thành áp đặt với phụ nữ các dân tộc thiểu số. Như thế cũng không phải tôn trọng đa dạng văn hóa”, nhà nghiên cứu dân tộc học này nêu quan điểm.
Trong khi đó, Bộ VH-TT-DL lại có ý tưởng khác để tôn vinh chiếc áo dài. Ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của bộ này, cho biết: “Đã có một buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và đạt được sự thống nhất cao. Có thể T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ là đơn vị làm hồ sơ đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi sẽ phấn đấu trong năm 2020 làm đủ quy trình, thủ tục công nhận. Bộ VH-TT-DL đã giao Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, Cục Di sản là hai đơn vị phối hợp để hỗ trợ T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm đề xuất này”.
Thông tin từ Bộ VH-TT-DL cũng cho biết, hiện tại chưa có một ghi danh gì liên quan đến áo dài trong danh sách di sản phi vật thể quốc gia. Như vậy, nếu muốn được UNESCO ghi danh trong danh mục di sản phi vật thể, sẽ phải bắt đầu từ việc ghi danh áo dài trong danh sách di sản phi vật thể quốc gia trước. Hồ sơ cũng phải xác định rõ cộng đồng chủ thể của áo dài và nhiều yếu tố khác.
Về điều này, một thành viên của Hội Di sản Việt Nam cho rằng: “Bây giờ làm thế nào cho chuẩn thôi, chứ áo dài là trang phục ai cũng biết của Việt Nam rồi còn gì. Có cái gì mà nhìn biết ngay là Việt Nam bằng chiếc áo dài. Bây giờ vấn đề là chọn tỉnh nào đứng ra làm hồ sơ. TP.HCM chẳng hạn, Hà Nội chẳng hạn, cả Huế nữa, những người may áo dài giỏi ở đó rất nhiều. Các nhà thiết kế áo dài ở đó cũng nhiều. Rồi phải tìm nghệ nhân đại diện nữa. Các tỉnh thành khác cũng cần liên kết để làm hồ sơ áo dài”.
Bình luận (0)