Khác với trước kia, các phim chiếu mạng (web-drama) thường được làm sơ sài, hiện tại web-drama vẫn chiếu miễn phí nhưng được đầu tư lớn, có phim kinh phí mỗi tập lên tới cả tỉ đồng.
Thừa thắng xông lên, đa dạng đề tài
Làm phim phát hành trên mạng (web-drama) là xu hướng được nhiều nghệ sĩ lựa chọn trong khoảng 3 năm qua. Nhiều bộ web-drama từng tạo được ấn tượng tốt với khán giả như Thập tam muội của Thu Trang - Tiến Luật, Bố già của Trấn Thành, Đại kê chạy đi của NSND Hồng Vân, Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập, Trật tự mới của Việt Hương… Web-drama lại càng được quan tâm trong mùa dịch, khi khán giả ngại đến rạp xem phim.
Sau Bố già thắng giòn giã mùa tết 2020, Trấn Thành trở lại đường đua web-drama cùng Đặc vụ thời gian, phát sóng từ giữa tháng 8 trên kênh YouTube Trấn Thành. Nếu như các web-drama Việt trước đây phần lớn chỉ xoay quanh chủ đề tình cảm, học đường hoặc sóng gió showbiz và giang hồ, thì với Đặc vụ thời gian, Trấn Thành chọn đề tài mới lạ hơn: trinh thám, hành động pha hài. Trong phim, Trấn Thành vào vai một đặc vụ có khả năng phân tích siêu phàm, được giao phó những nhiệm vụ khó nhằn như giải cứu những đứa trẻ bị bắt cóc hay triệt hạ bà trùm buôn đồng hồ giả... Ngoài Trấn Thành, phim còn có sự tham gia của Hữu Tín (nhóm X-Pro), Tùng Yuki, Lê Giang…
Bộ tứ oan gia là web-drama mới nhất được Thu Trang - Tiến Luật đầu tư sản xuất, theo thể loại tâm lý hài do Võ Thanh Hòa đạo diễn, phát sóng từ 14.8 trên kênh YouTube của Thu Trang. Phim xoay quanh Vương Tuấn Kiệt - một ca sĩ nổi tiếng (người mẫu Võ Cảnh đóng) bị khui tin về người cha giàu có là kẻ cầm đầu của một đường dây rửa tiền. Trên đường đi trốn mọi người, anh gặp phải tình huống oái oăm xảy ra với nhân vật do Thu Trang, Tiến Luật, Huỳnh Lập và bé Kim Thư đảm nhận.
Ca sĩ - diễn viên Minh Hằng cũng lần đầu tiên nhảy vào địa hạt sản xuất phim chiếu mạng với Kẻ săn tin dài 6 tập (mỗi tập 45 phút) do cô đảm nhận vai chính, cùng với dàn diễn viên nổi tiếng: Khả Ngân, Lâm Bảo Châu, Xuân Phúc, Minh Dự, Huỳnh Lập, Duy Khánh... Các vụ án trong Kẻ săn tin liên quan đến những vấn đề xã hội nhức nhối như bắt cóc, ấu dâm, xã hội đen, chuyện tâm linh... và Minh Hằng cũng tự đóng các cảnh hành động đánh đấm, lái mô tô rượt đuổi gay cấn. Đệ nhất kỹ nam dài 4 tập của Lê Dương Bảo Lâm tạo được ấn tượng khi làm theo phong cách cổ trang với diễn xuất của Lê Dương Bảo Lâm, Nam Thư, Lê Giang, Cát Phượng, BB Trần, Huỳnh Lập, Puka, La Thành…
|
Bên cạnh đó, có nhiều web-drama thu hút khán giả khác như: Xin chào Papa của Tuấn Trần, Yêu lại từ đầu của Việt Hương, Xóm sân si của Duy Khánh, Đại kê chạy đi phần 2 của NSND Hồng Vân, Nhà trọ có quá trời phòng phần 2 của Nam Thư, Thằng khờ 3 của Quách Ngọc Tuyên, Idol tỷ phú do POPS sản xuất, Hải đường trong gió do Vie Channel sản xuất…; và các phim của những diễn viên chưa có tên tuổi nhưng vẫn đứng ở vị trí cao trong Top Trending YouTube như: Lớp trưởng tôi là đại ca, Cô giáo tôi là trùm cuối, Cô chủ nhà tốt bụng…
Vẫn còn nhiều hạt sạn
Việc làm phim chiếu trên mạng thời điểm này ít nhiều cho thấy đang thắng thế hơn so với khi chiếu trên truyền hình bởi sự tiện lợi, khán giả muốn xem lúc nào cũng được, xem bất kể nơi đâu chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.
Thị trường phim chiếu mạng đang rất sôi động và sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng khốc liệt hơn. Không chỉ các nghệ sĩ, kênh riêng cạnh tranh nhau mà hiện tại, các nhà làm phim Việt chiếu mạng còn phải cạnh tranh với các trang web nhập phim từ nước ngoài chiếu miễn phí trên mạng. Chính vì muốn hút khán giả mà nhiều web-drama cũng để lọt không ít hạt sạn trong nội dung, tình tiết phim. Mới đây, tập 3 của phim Kẻ săn tin vừa bị phía YouTube "tuýt còi" khi cho rằng có những cảnh trong phim bạo lực, khủng bố. Tập này cũng bị cộng đồng mạng bức xúc vì có nội dung bôi nhọ ngành streamer (bình luận trực tiếp trên mạng), thiếu nhân văn khi có cảnh anh chàng streamer tạo nước mắt giả bằng cách nhỏ thuốc lên mắt để cười cợt cái chết của một cô gái, hoặc bị soi ra nhiều điểm vô lý, chưa đủ sức thuyết phục người xem… Sau đó, Minh Hằng lên tiếng thông báo cô và ê kíp quyết định tạm thời gỡ bỏ tập 3 để chỉnh sửa lại.
Một thiếu sót mà các web-drama Việt hay mắc phải chính là kịch bản không chặt chẽ, có những phân đoạn hài nhây, cù léc khán giả kéo dài không cần thiết. “Tôi nghĩ do đặc thù của phim chiếu trên internet để khán giả bấm vào xem khi rảnh nên cần có hài, nhưng đã gọi là phim thì đừng nên như tiểu phẩm tấu hài, hoặc làm theo lối hài tình huống của kịch. Nếu khắc phục được điểm yếu này, web-drama của VN không thua kém các nước khác vì hình ảnh, kỹ thuật giờ đã có sự đầu tư hơn nhiều, và rõ ràng đây là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ trẻ tài năng tung hoành”, đạo diễn Luk Vân khẳng định.
Bình luận (0)