Mang tiếng đàn violon phục vụ công chúng Việt
Tứ tấu Arod (Pháp) gồm 4 nghệ sĩ trẻ tài năng, nổi bật trong làng nhạc cổ điển Pháp: Jordan Victoria, Tanguy Parisot (viola), Samy Rachid (cello) và nghệ sĩ gốc Việt Alexandre Vũ (violon). Cách đây khoảng 13 năm, khi nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp Maryvonne Le Dizès tới TP.HCM tham gia chương trình giảng dạy, Alexandre Vũ mới 13 tuổi. Ngay khi nghe anh chơi đàn, Maryvonne Le Dizès đã nhận ra khả năng đặc biệt và tỏ ý muốn nhận anh làm học trò. Khoảng thời gian sau đó, Alexandre Vũ theo gia đình sang sống tại Paris (Pháp) và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê với cây đàn violon. Trong 5 năm kể từ khi thành lập, Arod đã lưu diễn ở 25 quốc gia. Tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên Alexandre Vũ và các thành viên Arod biểu diễn tại VN (Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội) trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Vietnam Connection.
Sinh ra tại Paris (Pháp), nghệ sĩ violon Stéphane Trần Ngọc có cha người Việt, mẹ người Pháp. Anh là một trong những giảng viên violon trẻ nhất ở Học viện Âm nhạc quốc gia Lyon (Pháp) trong nhiều năm, trước khi đến giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Lawrence (Mỹ) và là trưởng khoa dây của Trường Âm nhạc London (Anh). Nhiều bản thu của Stéphane Trần Ngọc được xuất bản khắp nơi trên thế giới. Chương trình tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội) vào đầu tháng 9 này không phải là lần biểu diễn đầu tiên của anh tại VN. “Lần đầu tôi đến VN và cũng là lần đầu biểu diễn tại quê hương mình là năm 1992, khi tôi 27 tuổi. Tôi sống xa bố từ nhỏ. Bởi vậy, đó cũng là lần đầu tiên tôi thực sự được tiếp xúc với văn hóa VN và cảm nhận mình là một phần của đất nước này”, Stéphane Trần Ngọc chia sẻ.
Truyền kiến thức và đam mê
|
Trong những chuyến trở về VN, nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc không chỉ biểu diễn mà còn giảng dạy cho những tài năng trẻ của VN. “Tôi đam mê công việc giảng dạy. Ngoài việc truyền những kiến thức, kỹ thuật cho các em, tôi còn truyền cả niềm đam mê, hứng thú, tình yêu cho những cô cậu học trò theo đuổi con đường không chỉ đòi hỏi nhiều thời gian mà cả công sức rèn luyện gian khổ này. Tôi mong được trở về VN nhiều hơn để làm được nhiều việc hơn, góp phần cho sự phát triển âm nhạc ở đất nước này”, Stéphane Trần Ngọc chia sẻ.
Công chúng đã được chứng kiến những cuộc trở về của nhiều nghệ sĩ Việt thành danh trên thế giới. Không chỉ về quê nhà biểu diễn, họ còn tham gia giảng dạy cho các tài năng trẻ VN: nghệ sĩ violin Nguyễn Hữu Nguyên (người VN đầu tiên theo học tại Nhạc viện Paris, Pháp sau khi đất nước thống nhất; anh và em trai là Nguyễn Hữu Khôi Nam hiện là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Pháp), nghệ sĩ nhạc jazz Nguyên Lê, nghệ sĩ piano Nguyễn Bích Trà, NSND Đặng Thái Sơn, cố nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo...
Nhiều năm qua, gần như năm nào NSND Đặng Thái Sơn cũng trở về VN để giảng dạy. Từ lâu, ông luôn tìm cách hỗ trợ đào tạo âm nhạc cổ điển trong nước bằng cách này hay cách khác. Cách đây hơn mười năm, ông cùng những người bạn Nhật thành lập một hiệp hội âm nhạc, hỗ trợ Học viện Âm nhạc quốc gia. Ông cũng gom góp những cây đàn cũ từ Nhật chuyển về các trường nhạc trong nước, vận động kinh phí hỗ trợ việc mua sách nhạc, dành tặng những suất học bổng đào tạo cho học sinh. “Tôi làm những điều đó một cách tự nguyện. Đây là những gì người đi trước có thể làm cho thế hệ sau”, NSND Đặng Thái Sơn cho biết.
Cần sự hỗ trợ của nhà nước
Những nghệ sĩ VN hay gốc Việt thành danh trên thế giới trở về quê hương không chỉ để trình diễn, truyền cảm hứng, tình yêu âm nhạc với công chúng mà còn truyền dạy kiến thức tiệm cận với thế giới cho những thế hệ đi sau. Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện tối đa để mở rộng việc này, làm sao để tác động trực tiếp đến từng nghệ sĩ. Chẳng hạn, chúng ta cần có những quỹ hay khoản kinh phí hỗ trợ cho các nghệ sĩ. Có những nghệ sĩ có khả năng tài chính tốt, có thể dễ dàng sắp xếp lịch hoạt động tại nước ngoài, nhưng cũng có người không dễ dàng thu xếp để trở về trong khoảng thời gian dài.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long
|
Bình luận (0)