Sự trỗi dậy của làn sóng người mẫu châu Á trên sàn catwalk thế giới

12/03/2019 09:00 GMT+7

Bên cạnh những gương mặt châu Á đang tạo bão tại kinh đô thời trang thế giới thì không ít người đẹp phải đối mặt với điều kiện sinh hoạt đắt đỏ, nạn kỳ thị và cám dỗ khó cưỡng mang tên 'model party'.

Những năm gần đây, sau thời gian áp đảo của làn sóng người mẫu Brazil và Nga, sàn catwalk quốc tế bắt đầu tiếp nhận sự trỗi dậy của một thế hệ người mẫu châu Á. Họ đã vượt qua không ít thách thức, tận dụng các lợi thế đang có để khẳng định mình.

Trong hầu hết các tuần lễ thời trang từ tháng 2 năm ngoái đến nay, show diễn nào cũng có chí ít vài mẫu nữ châu Á tham dự. Nổi bật nhất là những tên tuổi đến từ Nhật Bản như Tao Okamoto, nàng thơ của Moschino, Marc Jacobs và D&G; hay người mẫu Trung Quốc Liu Wen diễn cho Chanel, Dries Van Noten và Louis Vuitton. Cả giới thời trang vốn bảo thủ như Vương quốc Anh cũng đã có dấu hiệu thay đổi sở thích khi xuất hiện Kiren Modi, một người mẫu Anh - Á 23 tuổi làm gương mặt đại diện cho bộ sưu tập mùa xuân của nhãn hàng Next. Victoria's Secret, thương hiệu nội y lừng danh thế giới, đã quy tụ nhiều người mẫu châu Á trình diễn trong chương trình thời trang hằng năm của mình, một nỗ lực để kết nối với tầng lớp trung lưu mới nổi ở phương Đông.

Du Juan một trong những cái tên xuất phát từ châu Á có sức thu hút với các fan trên cộng đồng mạng Ảnh: Shutterstock

Những lợi thế tạo nên làn sóng đổ bộ

Nhìn ngược lại quá khứ, trải qua nhiều thập niên, dấu ấn của người mẫu gốc Á Đông thật sự vẫn chưa đủ định hình rõ nét, thậm chí hiếm khi người ta thấy họ xuất hiện trong các show diễn, cho dù chỉ ở tầm mức khiêm tốn thuộc khuôn khổ các tuần lễ thời trang thế giới. Giờ đây, có thể tạm lạm dụng một chút về ngôn từ, người mẫu châu Á đang lên ngôi. Sự thành công từng bước này không phải ngẫu nhiên. Nó đến từ nhiều yếu tố được kết hợp đúng thời điểm. Trước tiên là từ tư duy của các nhà mốt đã bắt đầu thay đổi trên bàn tính kinh tế. Cụ thể, ban đầu họ nhận thấy Trung Quốc, Hàn Quốc đang là hai trong số những thị trường được quan tâm nhiều nhất, xem chừng sẽ dẫn đầu sự tăng trường về doanh thu thời trang cho các khu vực châu Á khác. 

Gần đây, công ty tư vấn Bain & Co đã công bố một báo cáo cho thấy Trung Quốc đang trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn thứ hai thế giới, với mức tăng trưởng cao mang lại doanh thu trị giá hàng chục tỉ USD. Estée Lauder đã quyết định chọn người mẫu Liu Wen làm gương mặt đại diện để có thể thu gom hàng tỉ bảng từ giới tiêu dùng Trung Hoa cho đế chế công nghiệp mỹ phẩm và chăm sóc da khổng lồ của mình. Các động thái thuần kinh tế này đem lại một số khích lệ cho giới người mẫu Đông Á. Họ kỳ vọng sẽ tiếp tục được sử dụng và cũng mong mỏi được trọng dụng dài lâu, bởi theo lịch sử của ngành công nghiệp thời trang, các trào lưu người mẫu theo khu vực địa lý thường thoáng qua. Đó từng là số phận của xu hướng dùng người mẫu lớn tuổi hay da màu trước đây.

Liu Wen trên sàn diễn của Victoria's Secret Ảnh: Reuters

Thứ đến là chuẩn mực về sắc đẹp phái nữ của thế giới nay lại tiếp tục thay đổi. Nếu như trước đây, giới mộ điệu đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ da trắng, tóc vàng quý phái sải bước trên sàn catwalk, thì nay người mẫu châu Á với đôi mắt một mí, mái tóc đen, gương mặt nhỏ cá tính, dáng cao, thân gầy, ngực nhỏ... đang trở thành điểm nhấn đặc biệt, mang lại một khẩu vị mới cho cả các nhà thiết kế lẫn khán giả. Thật ra, một số người mẫu châu Á gốc Mỹ như Devon Aoki, gương mặt cùng thời với Kate Moss, Naomi Campbell, từng đại diện cho Versace, đóng quảng cáo cho Chanel, Kenzo, Lancôme... đã sớm mở đường tiên phong chiếm lĩnh thời trang quốc tế cho giới mẫu nữ châu Á. Tuy nhiên, do thiếu các lớp kế thừa nên khoảng cách nối tiếp trở thành quá trống trải. Mãi đến thời gian gần đây, ba “cường quốc” Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc được xem như đã đi tiên phong hình thành một thế hệ những người mẫu châu Á mới để đổ bộ vào đấu trường thời trang quốc tế.

Trái chiều hai dòng chảy Á, Âu

Còn một lý do nữa ít ai để ý nhưng cũng góp phần tác động vào cơ hội cho giới người mẫu châu Á. Đó là sự trái chiều, khác biệt của hai dòng chảy Á, Âu. Nghĩa là, trong khi một số thương hiệu châu Á có xu hướng thuê người mẫu da trắng thì không ít nhãn hàng Tây Âu lại chọn tiêu chí ngược lại, ưu ái người mẫu “da vàng”. Với quan niệm các cô gái da trắng trông đẹp và sang trọng hơn, nhiều thương hiệu châu Á thuê người mẫu Âu Mỹ là có thật. Nghe hơi buồn nhưng nỗi khao khát được đẹp theo tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây của giới nữ châu Á không hoàn toàn sai. Cứ nhìn vào các loại mỹ phẩm cao cấp của Ấn Độ hay sản phẩm làm trắng da của Thái Lan ta mới thấy xu hướng mong muốn có làn da trắng ấy không nhỏ. Rồi nỗi ám ảnh của phụ nữ Nhật với siêu mẫu Victoria’s Secret, Miranda Kerr, cũng lớn không kém khi các fan nhất nhất theo dõi mọi sinh hoạt sống của cô nàng da trắng này. Bên cạnh đó, cả người mẫu da màu đôi khi cũng gây chú ý trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm của thương hiệu châu Á, đặc biệt nếu các người mẫu này gây nguồn cảm hứng lên các dòng thời trang hip-hop hay trang phục đường phố. 

Ming Xi là 1 trong 6 người mẫu đang gây bão mạng Ảnh: REUTERS

Đối trọng xu hướng vừa kể là dòng chảy ngược lại, thương hiệu Tây Âu tìm kiếm các khuôn mặt châu Á. Năm 2005, trên trang bìa số đầu tiên của tạp chí Vogue Trung Quốc là hình ảnh nữ diễn viên kiêm người mẫu Úc, Gemma Ward. Liên tục các năm sau, ngự trị trên nội dung báo toàn là hình ảnh của các người mẫu nam, nữ Âu Mỹ. Mãi đến tháng 9.2011, tạp chí này mới thực sự bắt đầu giới thiệu nhóm người mẫu châu Á với 6 cái tên hiện đang gây bão thế giới thời trang là Shu Pei, Du Juan, Liu Wen, Sui He, Fei Fei Sun và Ming Xi. Tạp chí Vogue Mỹ tháng 12 cũng đã giới thiệu 8 người mẫu Đông Á - Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - trong một buổi chụp hình mang tên "Major Asia". Còn về các tuần lễ thời trang, cũng năm ấy, nhà thiết kế Sarah Burton của Alexander McQueen đã sử dụng toàn bộ người mẫu châu Á cho show diễn của mình. Givenchy cũng làm tương tự cho show diễn haute couture mùa xuân - hè 2011. Tháng 6.2017, dàn mẫu nam, nữ trình diễn show thời trang của Kenzo cũng hoàn toàn là người châu Á.

Cuộc chinh phục khó khăn, chật vật

Tuy gặp nhiều lợi thế, nhưng một dịch chuyển mới thường không suôn sẻ ngay, nên cuộc đổ bộ của người mẫu châu Á vào các tuần lễ thời trang thế giới vẫn có những thử thách nhất định. Theo tính toán của Homann, nếu tỷ lệ khách hàng châu Á tăng thêm một đơn vị, tỷ lệ người mẫu nữ châu Á cũng tăng trong năm sau. Tuy nhiên, thực sự tốc độ tăng ấy lại diễn ra chậm hơn, cụ thể là chỉ 53% cho Dior, 34% cho Prada và 28% cho Burberry. Một số chuyên gia tài chính đánh giá khá bi quan. Theo họ, thuê một người mẫu châu Á nổi tiếng không hoàn toàn giúp thúc đẩy doanh số mà chỉ tạo ra tiếng vang. Tuy có sự đổ bộ xem ra rình rang, nhưng quả thực trong mùa thu năm ngoái, người mẫu châu Á chỉ chiếm 7% tổng số người mẫu tham gia các buổi trình diễn tại New York, Milan, Paris và London Fashion Week, một con số vẫn còn khá khiêm tốn.

Với những gương mặt đang hoạt động tại chính các thành phố kinh đô thời trang thế giới, các người đẹp châu Á cũng phải đối mặt với điều kiện sinh hoạt đắt đỏ cực khổ, lịch làm việc dày đặc, thời tiết không thích hợp ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, do “lạ nước, lạ cái” nên việc họ bị cạnh tranh bởi người mẫu Âu Tây trong các buổi casting, nạn kỳ thị,  và cả những cám dỗ sa đọa khó lòng cưỡng lại mang tên "Model party" bủa vây. Khi chuẩn sắc đẹp bị thay đổi cũng là lúc dễ xảy ra những đánh giá nhạy cảm đến từ các thương hiệu lớn của phương Tây, khiến giới người mẫu “làm thuê” bị ảnh hưởng. Mới đây, đồng loạt các nghệ sĩ và gương mặt đại diện cho Dolce & Gabbana đã đồng loạt rút bỏ và kêu gọi giới mẫu Trung Quốc tẩy chay hãng thời trang nổi tiếng đến từ nước Ý. Nguyên nhân vụ việc được cho là do Dolce & Gabbana đã có những lời lẽ miệt thị Trung Quốc. Sau Dolce & Gabbana, đến lượt Zara cũng vấp phải làn sóng phản đối cáo buộc bôi xấu nước này khi nhãn hiệu này sử dụng hình ảnh chụp gương mặt người mẫu đầy tàn nhang, dù xu hướng mẫu nữ tàn nhang này vẫn được Âu Tây ưu ái từ thời Davon Aoki.

Ở các LHP Cannes gần đây, nhiều sao Hoa ngữ, Đài Loan, Hồng Kông hay Nhật Bản đã làm mất mặt giới người đẹp châu Á nói chung khi có nhiều chiêu trò gây scandal để làm nổi. Họ thi nhau câu giờ chụp hình trên thảm đỏ, thực hiện những cú té ngã cố tình lộ liễu và ăn mặc hớ hênh. Tất cả các hình ảnh ấy ít nhiều cũng tạo ra sự phản cảm cho đội ngũ người mẫu châu Á chân chính đang nỗ lực chinh phục vũ đài thời trang quốc tế.

Ngày càng có nhiều hơn các người mẫu châu Á xuất hiện tại Tuần lễ thời trang New York Ảnh: Shutterstock

Nói là thế, nhưng vẫn đang có rất nhiều kỳ vọng về cuộc đổ bộ thành công của Đông sang Tây này. Hiện nay, chính sự ra mắt của những chương trình truyền hình thực tế như Supermodelme.tv đã giúp các người mẫu châu Á tăng sự tự tin và bổ sung nhiều tên tuổi chói sáng vào làng thời trang thế giới. Rồi có một điều cũng cần được nhắc đến, nhờ tiếng tăm của những nhà thiết kế thời trang châu Á trước đây như Vera Wang, Uma Wang, Chitose Abe hoặc gần đây như Jacky Lee, Jason Wu hay Nguyễn Công Trí, giới mẫu nữ châu Á cũng được tăng sự trọng vọng nhất định. 

Bên cạnh đó, nhờ mối quan hệ lâu đài giữa thời trang và Phương Đông, những người mẫu châu Á luôn là nàng thơ cho nhiều giám đốc thiết kế sáng tạo. Để tạo cảm hứng cho các bộ sưu tập của họ, đội ngũ người mẫu bản địa mang gương mặt phương Đông sẽ ngày càng phong phú để tiếp tục chinh chiến trời Tây. Điển hình là gần đây nhất, nhà thiết kế Claudia Li đã ra mắt bộ sưu tập Xuân 2019 của cô trong Tuần lễ thời trang New York 2018, một chương trình mà tất cả người mẫu tham gia đều đến từ châu Á, tổng cộng đến 35 người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.