Hai vở diễn hút khách
|
Vở Eugénie Grandet (biên kịch: Việt Linh, đạo diễn: Tây Phong) được sân khấu Hồng Hạc ra mắt từ giữa tháng 3, chuyển thể từ tiểu thuyết Eugénie Grandet (xuất bản năm 1839) của văn hào Pháp Honoré de Balzac, hiện vẫn diễn đều đặn. Thông qua nhân vật Grandet và bi kịch của cô con gái Eugénie, vở phơi bày sức mạnh nghiệt ngã của đồng tiền khi hủy hoại tâm hồn, nhân phẩm con người.
Eugénie Grandet trên sân khấu Hồng Hạc đã được thể hiện theo một cách trung thành nhất có thể với nguyên tác. Đặc biệt, phần ánh sáng sân khấu đã được chú trọng trau chuốt rất đẹp mắt; phục trang nhân vật cũng được đầu tư kỹ lưỡng, nghiêm túc, đúng với xã hội phương Tây thế kỷ 19. Vở diễn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả, lưu lại từ sổ vàng của sân khấu Hồng Hạc, cũng như ủng hộ từ các đồng nghiệp, giới chuyên môn.
GS-TS Huỳnh Như Phương chia sẻ: “Tôi nghĩ chị Việt Linh rất khó khăn để dồn ép dung lượng tiểu thuyết thành một kịch bản sân khấu hoàn chỉnh và vở diễn đã không khiến tôi thất vọng”. Đạo diễn Cường Ngô bày tỏ: “Tôi thật sự ngỡ ngàng và cảm động khi thấy ở thời buổi thị trường hiện nay, lại có một nghệ sĩ nhiệt huyết, đam mê như Việt Linh, dũng cảm mang tác phẩm kinh điển thế giới lên sân khấu kịch. Tôi tin những tác phẩm có giá trị nhân văn như Eugénie Grandet sẽ đưa suy tưởng chúng ta vượt xa khuôn khổ sàn diễn sân khấu”.
Vở Mơ hoang (biên kịch Tùng Trần, đạo diễn: Lê Hoàng Giang), cảm tác từ tác phẩm kịch Giấc mộng đêm hè của kịch tác gia người Anh William Shakespeare ra mắt năm 1600, đã được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B vào hai đêm 18, 19.8.
Trong Mơ hoang, người xem được nhìn thấy một phiên bản mới của Giấc mộng đêm hè với những nhân vật trẻ tuổi ở thời hiện đại, một câu chuyện rất “teen”, mang tính kỳ ảo vừa như thực vừa hoang đường. Không gian của vở diễn được chuyển về… VN, với một “khu rừng tình yêu” không xác định cụ thể ở đâu. Cũng với những tình tiết như nguyên tác nhưng Mơ hoang qua dàn dựng, thể hiện trẻ trung của một ê kíp trẻ, vốn là những người bạn trong nhóm kịch cà phê trước đây, đã có màu sắc rất tươi mới, dễ xem. Dù được khoác lên một chiếc áo mới nhưng Mơ hoang vẫn chuyển tải đầy đủ thông điệp của Giấc mộng đêm hè, dù là mộng hay thật, dù có bị tác động của thần tiên hay do bản năng thì tình yêu vẫn vốn không theo một quy luật nào ngoài quy luật của chính nó, không thể ép buộc.
Hiện đại hóa kịch cổ điển
Biên kịch Việt Linh, cũng là giám đốc nghệ thuật của Hồng Hạc, tiết lộ khi dựng Eugénie Grandet chị chọn thiết kế sân khấu tối giản, tập trung vào đạo cụ, phục trang, lời thoại và cách diễn xuất chứ không đầu tư nhiều vào bối cảnh. “Mục đích của chúng tôi là muốn để khán giả tưởng tượng về bối cảnh, bởi nếu mình có gắng làm cũng khó mà ra được hết nét phương Tây của thế kỷ 19 trong điều kiện sân khấu nhỏ, tài chính còn khó khăn. Đến bây giờ, tôi nhận thấy suy nghĩ này đúng hướng và thành công”, biên kịch Việt Linh chia sẻ.
|
Còn theo đạo diễn Lê Hoàng Giang, nếu dựng kịch cổ điển theo đúng nguyên tác thì sẽ có rất nhiều nhân vật và thoại rất dài. Vì vậy, sau Mơ hoang, anh còn ấp ủ muốn dựng một tác phẩm kịch cổ điển khác mà bản thân vốn rất yêu thích là Trưởng giả học làm sang (của tác gia người Pháp Molière, từ thế kỷ 17) và vẫn theo cách dựng mới, hiện đại hóa tác phẩm. “Bản thân câu chuyện của kịch cổ điển đã hay rồi và khi đặt nó vào cuộc sống hiện nay vẫn cho thấy rất phù hợp, không hề lạc hậu thì tại sao mình không chuyển nó về thời hiện đại để dễ gần với người xem hơn, nhất là với khán giả trẻ”.
Biên kịch - đạo diễn Việt Linh cho biết trong tháng 11 vở Eugénie Grandet dự kiến sẽ biểu diễn miễn phí phục vụ sinh viên ở các trường đại học với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM. Chị cũng bày tỏ mong muốn sắp tới nếu có điều kiện sẽ dựng một vở kịch cổ trang VN dựa trên tiểu thuyết Bà chúa Hòn của nhà văn Sơn Nam.
Bình luận (0)