Sân khấu TP.HCM những năm 1990 - 2000 xuất hiện hàng loạt thể nghiệm táo bạo. Nhiều hình thức kịch mới ra đời trong giai đoạn này như diễn kịch một mình (cả vở diễn chỉ có 1 diễn viên), diễn ở sân khấu 3 mặt (khán giả ngồi ở cả 3 phía), sân khấu nhỏ… với nhiều sáng tạo về thiết kế sân khấu.
Phải tính đến yếu tố khán giả
|
Lý giải về điều này, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát cho rằng cái mới trong kịch thể nghiệm không thể ra đời liên tục được, mà chỉ xuất hiện khi hội đủ một số yêu cầu nào đó, trong một bối cảnh nhất định. Và lý do quan trọng nhất khiến các sân khấu hiện nay đi theo hướng an toàn là phải tính đến sự tiếp nhận của khán giả mua vé. “Tôi có thể dựng một vở mà nhân vật không phải là con người mà là một ánh sáng, nhưng chưa chắc thể nghiệm đó thành công. Trong khi đó, sân khấu hiện nay hầu hết là xã hội hóa nên rất cần khán giả, vì nói gì thì nói vở diễn phải có khán giả mới nuôi sống được sân khấu, mới có thể quay vòng vốn để làm vở mới. Không thể mạo hiểm đầu tư một thể nghiệm mà chưa biết có đáp ứng được nhu cầu và thu hút khán giả hay không”, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát nói.
Về nhu cầu khán giả, đạo diễn Thái Kim Tùng nói thêm: “Khán giả yêu thích loại hình tâm lý xã hội thì họ yêu cầu đặt cao về cảm xúc chứ không cần xem thể nghiệm gì cả. Còn một dạng khán giả thích được đánh thức thính giác, thị giác… sẽ muốn thưởng thức các pha xử lý mới, bất ngờ trong vở hơn”. Đạo diễn cho rằng việc dựng vở có tính chất thể nghiệm còn tùy thuộc vào yêu cầu, tiêu chí của từng nhà hát: “Nếu nhà hát yêu cầu một vở có nhiều yếu tố cách tân, mới mẻ thì mình mới tìm một kịch bản đáp ứng được yêu cầu đó”. Tuy nhiên, đạo diễn Tùng cũng nhấn mạnh rằng khi dựng vở, các đạo diễn vốn đã luôn thể nghiệm bản thân để vở diễn có cái gì đó mới hơn so với các vở trước.
Điểm đến của khán giả yêu kịch thể nghiệm
|
Tuy nhiên vì một số lý do, sân khấu này phải đóng cửa gần 3 năm và chỉ mới hoạt động lại từ tháng 4 năm nay. Từ khi tái khai trương, nhà hát cũng đã ra mắt một số vở mới. Với đặc trưng sân khấu nhỏ, các vở mới được dàn dựng vẫn giữ tiêu chí thử nghiệm ở cách thiết kế sân khấu. Như ở vở Những giấc mơ lóng lánh ra mắt hồi tháng 5, sân khấu được dựng như một phim trường mô phỏng những góc nhà ở con hẻm nhỏ, khán giả được xếp đặt ngồi xen vào giữa những cảnh trí đó, như là một thành viên trong vở diễn. Một “pha” xử lý chuyển cảnh bất ngờ ở gần cuối vở khiến khán giả không khỏi ngỡ ngàng thú vị khi phải cùng... diễn viên thu xếp lại vị trí ghế để tạo không gian mới cho cảnh diễn. Hay ở vở Bên đàng dệt mộng sắp ra mắt vào ngày 24.8, sân khấu cũng sẽ được thiết kế ở giữa khán phòng và hình thức chuyển cảnh cũng được nhà hát tìm cách xử lý một cách hiệu quả, tạo hiệu ứng tốt nhất cho vở. Trong một số vở gần đây, một số gương mặt diễn viên cải lương cũng được nhà hát mời tham gia vở như Nhã Thi, Như Huỳnh, Võ Minh Lâm... để tạo thêm màu sắc.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, trải lòng: “Từ lúc sáng đèn lại, tôi vẫn phải bù lỗ hằng tháng, có những lúc tưởng như không thể gồng gánh nổi nhưng chúng tôi vẫn cố gắng duy trì nhà hát để phục vụ những khán giả yêu thích không gian và thể loại kịch thể nghiệm ở 5B”.
Bình luận (0)