Thám tử Sherlock Holmes tiên phong phá án bằng khoa học hình sự

31/07/2021 10:58 GMT+7

Chàng thám tử Sherlock Holmes với kỹ năng điều tra phá án khoa học và tinh thông hóa học đến nay vẫn là một trong những nhân vật thám tử tài ba kinh điển hấp dẫn độc giả toàn cầu.

Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1887 từ truyện Chiếc nhẫn tình cờ để rồi trải qua 60 truyện từ ngòi bút của Arthur Conan Doyle, thám tử Sherlock Holmes trở thành một nhân vật hư cấu mang tính toàn cầu, có sức sống mãnh liệt khi cho đến nay, vẫn được độc giả đón nhận và có nhiều tác phẩm phái sinh từ nguyên gốc. Chẳng đâu xa, ở Việt Nam dạo đầu thế kỷ XX, những thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, hay Lê Phong của Thế Lữ, ít nhiều chịu ảnh hưởng từ hình mẫu Sherlock Holmes.

Tiên phong áp dụng khoa học hình sự vào phá án

Nhớ đến Sherlock Holmes, độc giả nhớ đến hình ảnh vị thám tử với chiếc mũ săn quen thuộc cùng tài phá án “thần sầu” mà hiếm vụ án nào có thể làm khó được ông. Ở một góc nhìn khác, dưới con mắt của khoa học và khoa học hình sự, Sherlock Holmes được James F. O’Brien nhìn nhận như một người tiên phong và qua những luận chứng, phân tích của tác giả trong cuốn sách Trí tuệ Sherlock Holmes - Phá án bằng khoa học và khoa học hình sự mới được NXB Tổng hợp TP.HCM chuyển ngữ và ấn hành, đủ khiến những fan mê truyện trinh thám nói chung và fan của Sherlock Holmes nói riêng mê mẩn.
Ở phương diện khoa học hình sự, Sherlock Holmes cho thấy bản thân thực sự là một thám tử tài ba, tiên phong trong lĩnh vực khoa học hình sự khi nắm vững phương pháp Bertillon sử dụng hệ thống nhân trắc học của nhà nhân chủng học Alphonse Bertillon, dù chưa bao giờ dùng phương pháp này để phá án.

Tạo hình quen thuộc nhân vật thám tử Sherlock Holmes

Ảnh: T.L

Khi đối diện với các vụ án, Sherlock Holmes đã áp dụng một phương pháp mà đến giờ vẫn được dùng hữu hiệu, đó là lấy dấu vân tay của nghi phạm, dẫu với phương pháp này, vị thám tử đội mũ săn chưa dùng để bắt giữ ai. Trong truyện Dấu bộ tứ, Holmes đã lưu ý đến dấu vân tay ngón tay cái trên chiếc phong bì Thadeus Sholto gửi cho Mary Morstan; hay ở truyện Người đàn ông sứt môi, dấu vân tay dính dầu mỡ trên phong bì cũng được đề cập…
Mật mã luôn là một thứ làm đau đầu các nhà chức trách trong công tác điều tra, phá án, ấy nhưng với Sherlock Holmes lại không phải là bất khả thi, và truyện Con tàu Gloria Scott chính là lần đầu tiên Holmes giải được bức thư mã hóa của Beddoes gửi cho ông lão Trevor. Đến truyện Thung lũng khủng khiếp, Holmes với kiến thức mật mã học của mình, đã suy luận ra cuốn sách được Porlock sử dụng để tạo thông điệp mật mã…
Ngoài ra, trong điều tra phá án, Sherlock Holmes sử dụng cả những kỹ thuật khoa học hình sự khác rất tài tình, sát hợp hoàn cảnh như tư liệu viết tay, đánh máy hay từ những chú chó với khả năng tìm mùi thiên bẩm mà theo vị thám tử này thì “những con chó không bao giờ phạm sai lầm”.

Kiến thức hoa học uyên thâm của Sherlock Holmes

Nếu để ý, trong nhiều truyện của nhà văn trinh thám Arthur Conan Doyle, thám tử Sherlock Holmes có lúc trở nên lập dị, khác người khi tạm ngưng điều tra vụ án để theo đuổi niềm đam mê hóa học đến kỳ lạ của bản thân.
Trong truyện Ngôi nhà trống, Holmes có lần tâm sự “Tôi đã dành vài tháng để nghiên cứu các dẫn xuất từ nhựa và than đá”. Điều này có thể thấy được ở truyện Điệp vụ cuối cùng khi Holmes đã tìm hiểu về các dẫn xuất từ nhựa và than đá tại vùng Montpellier thuộc miền Nam nước Pháp.
Ngoài ra, những chất độc hóa học cũng chiếm nhiều sự quan tâm của chàng thám tử lừng danh. Có thể kể đến việc tìm hiểu khí carbon monoxide - CO và carbon dioxide - CO2. Trong nhiều truyện liên quan, đã có những vụ chết vì thiếu oxy như truyện Người thông ngôn tiếng Hy Lạp khi Melas và Kratides bị trói trong căn phòng với than củi đang cháy trong bếp lò. Việc tạo ra carbon monoxide gây ngạt thở đã làm chết cơ thể ốm yếu của Kratides.
Trong nhiều vụ điều tra, phá án, Sherlock Holmes thường xuyên tiếp cận với nhiều loại chất độc hóa học khác nhau mà nếu không có kiến thức tốt về hóa học, không dễ để điều tra, tìm hiểu và vén màn vụ án.
Xem Bà khách trọ đeo mạng che mặt, vụ tự sát của Eugenia đã được ngăn kịp thời khi Eugenia Ronder đưa lại cho Holmes chai a-xít prussic - HCN, một loại độc chất gây chết người và có độc lực mạnh nếu người nào đó hít phải khói của nó. Trong khi đó ở truyện Cẩm nang của kẻ đầu độc, chất gây mê Clorofom - CHCL3 được đề cập, và nó còn xuất hiện trong Biệt thự ba đầu hồi khi Barney Stockdale dùng chất này gây mê bà Maberly…
Với kiến thức uyên thâm của Arthur Conan Doyle về khoa học hình sự cùng khả năng tạo tình tiết hấp dẫn cho cốt truyện, kỹ năng điều tra, phá án cần có của thể loại truyện trinh thám, chàng thám tử Sherlock Holmes nhờ đó đến nay vẫn là một trong những thám tử tài ba kinh điển hấp dẫn độc giả toàn cầu. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.