Từ năm 2016 đến đầu tháng 7.2019, các chuyên gia đến từ Viện Khảo cổ Ấn Độ cùng các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân VN đã tham gia khảo sát, phát lộ, khai quật và trùng tu lần lượt tháp K (tháp Cổng) hoàn thành vào tháng 9.2018 và các đền tháp trong nhóm H (thuộc phong cách Po Kloongarai thế kỷ 13 - 14), gồm H1, H2, H3, H4 và tường bao. Theo BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, phương pháp trùng tu khảo cổ học được các chuyên gia Ấn Độ triển khai xuyên suốt trong quá trình trùng tu nhóm tháp H và K.
“Từ những công trình kiến trúc có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, các chuyên gia Ấn Độ cùng cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề của VN đã kịp thời bảo vệ, trùng tu, giữ lại các tháp K, H và đã đưa vào khai thác, phục vụ tham quan, thưởng lãm quần thể kiến trúc độc đáo ở Mỹ Sơn”, ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, cho hay. Theo ông Phan Hộ, khi mới bắt tay vào trùng tu tháp K, nhiều chuyên gia trong nước đã “sốc” với tốc độ trùng tu và cách làm của chuyên gia Ấn Độ. “Nhưng bây giờ thì ổn rồi, nhất là khi nhóm tháp H hoàn thành trùng tu, được các chuyên gia trong nước đánh giá rất cao”, ông Phan Hộ nói.
Theo kế hoạch trong 2 năm, từ 2020 - 2021, các chuyên gia Ấn Độ tiếp tục trùng tu nhóm tháp A. Về cơ bản, những quan điểm và định hướng bảo tồn, trùng tu các di tích tại Mỹ Sơn được áp dụng từ giai đoạn trước vẫn được thống nhất và tiếp nối. “Nhóm tháp A là nhóm cực kỳ quan trọng, có giá trị rất lớn về nghệ thuật, kiến trúc, được ví như trái tim của cả Khu đền tháp Mỹ Sơn. Do đó, việc tiến hành nghiên cứu và trùng tu ở đây phải được tiến hành hết sức thận trọng, khoa học. Bên dưới các khu đền tháp còn ẩn chứa nhiều bí mật, thậm chí còn nhiều hiện vật bị chôn vùi do bom đạn, cũng cần được khai quật để giữ gìn”, ông Phan Hộ chia sẻ. Ông cũng cho biết, BQL Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ đề xuất với chính phủ Ấn Độ kéo dài thời gian nghiên cứu, trùng tu tại nhóm tháp A.
Bình luận (0)