Tiếng rao bánh giò

04/12/2019 08:00 GMT+7

Từ lúc nhỏ tôi đã có ao ước lớn lên sẽ được đi TP.HCM một chuyến, dù nơi tôi ở cách thành phố chỉ hơn một giờ đồng hồ, nhưng hầu như ít có dịp để đi.

Để thực hiện được ước mơ đó chỉ có cách là học cho giỏi để hoàn thành lớp 12, thi vào đại học thì mới được cha mẹ cho lên thành phố và lúc đó mình mới được ở lại lâu dài trên thành phố đông dân nhất cả nước này.
Năm 2010 cũng như bao chàng sĩ tử khác tôi chuẩn bị đồ đạc lên thành phố để bắt đầu cho kỳ tuyển sinh đại học và mơ ước xa hơn sẽ được đậu vào một trường nào đó để được học ở trên thành phố như là điều mình mong ước. Cái cảm giác lần đầu tiên của một người nhà quê đúng nghĩa lên Sài Gòn thật sự là quá bỡ ngỡ trước những gì đang hiện ra trước mắt: đó là những tòa nhà cao tầng, phố xá thì đông đúc xe cộ dòng người tấp nập. Bến xe quận 8 là nơi tôi đặt chân đến sau khi xuống khỏi xe đò, lúc đó có anh Hai con dì Tư tôi đang làm việc ở trên đây, anh đón tôi về chỗ anh ở trọ bên quận Tân Phú. Trong tôi lúc nào cũng nhớ mãi anh Hai chính là cầu nối cho tôi đặt chân tới thành phố này để tôi mở ra một tương lai phía trước.

Sài Gòn là vậy, lúc hào nhoáng lúc lung linh ngọt ngào lãng mạn và đâu đó cũng có những giọt mồ hôi đẫm trên lưng áo của những người mưu sinh

Ảnh: Độc Lập

Trên đường về nhà trọ, đi qua những con đường dày đặc xe cộ phố phường nhộn nhịp, rồi tới những con hẻm quanh co chỉ đủ tránh được hai xe, anh tôi nói đó là đặc trưng của thành phố. Khi tới nhà trọ tôi thật sự ngỡ ngàng với căn phòng chật hẹp và tối khác xa với những gì ở quê rộng rãi thoáng mát. Một căn gác nhỏ vỏn vẹn chưa đầy chục mét vuông nhưng có tới sáu người cùng sinh sống, lúc này tôi mới hiểu anh chị tôi thường nói Sài Gòn đất hẹp mà người đông hay ở quê ông bà thường nói “ ăn nhiều chứ ở bao nhiêu”.

Sài Gòn đất hẹp người đông...

Ảnh: Độc Lập

Đêm đầu tiên lạ chỗ nên tôi hay trở mình thức giấc và bỗng bên tai tôi nghe tiếng rao vừa vang vừa lảnh lót trong đêm vắng: “Bánh chưng bánh giò, chưng gai bánh giò”. Tôi cứ tưởng trời đã gần sáng nhưng khi nhìn vào điện thoại thì chỉ mới hơn một giờ sáng. Tôi thật sự ngạc nhiên nghĩ thầm trong bụng giờ này người ta ngủ hết ai ăn mà bán, và cũng kịp chợt nhớ ra mình thường nghe trên đài, ti vi họ nói Sài Gòn là thành phố sống về đêm. Đối với tôi lần đầu tiên lên Sài Gòn, tiếng rao mưu sinh ấy thực sự quá lạ lẫm, nhưng đối với người thành phố thì nó quá quen thuộc, nơi mà cuộc sống lúc nào cũng hối hả dù ngày hay đêm. Tôi nghe có gì đó man mác trong tiếng rao của những người dân lao động nghèo trên thành phố sa hoa này…
Buổi sáng đầu tiên tôi được hít cái hơi thở nơi phố thị ồn ào và náo nhiệt, anh Hai đưa tôi đến điểm thi làm hồ sơ ở trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, bữa ăn sáng đơn giản của anh em tôi là ổ bánh mì - món ăn quen thuộc của người dân Sài Gòn. Trên đường đi tôi vô cùng thích thú bởi những tòa nhà cao tầng, những biển quảng cáo to đùng bắt mắt, và điều làm tôi thắc mắt nhất là đường đi và về hoàn toàn khác nhau không hề giống như ở quê chút nào, tôi hỏi anh Hai mới biết thành phố này có hàng trăm ngã đường để tới nơi mình cần tới miễn sao tránh được kẹt xe và đỡ mất thời gian nhất thì ta cứ đi, phải là một người rành rọt hết những con đường con hẻm của thành phố thì mới mong được ngược xuôi như thế.
Hôm sau anh Hai tôi bận việc nên đưa tôi qua quận 5 nơi chị Tư con dì Hai tôi chơi, được chị dắt thằng em dưới quê mới lên cho đi tham quan siêu thị mua sắm, ăn uống cho biết. Cả một ngày hai chị em đi dạo quanh thành phố, lúc về đến phòng trọ tôi mệt là cả người, ngủ thiếp lúc nào không hay, đến khi giật mình thức giấc thì tôi lại được nghe tiếng rao bánh giò quen thuộc ấy không khác bên chỗ anh Hai tôi chút nào.
Sài Gòn là vậy, ban ngày thì hối hả, tất bật ngược xuôi không gian như chật chội lại, còn ban đêm là cả một bức tranh với nhiều gam màu đối lập, lúc hào nhoáng lúc lung linh ngọt ngào lãng mạn và đâu đó cũng có những giọt mồ hôi đẫm trên lưng áo của những người mưu sinh về đêm.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.