Tháo “vòng kim cô” xuất bản

06/11/2012 03:05 GMT+7

Việc cho tư nhân thành lập nhà xuất bản dù được không ít đại biểu quốc hội lên tiếng ủng hộ, nhưng vẫn dấy lên không ít tranh cãi.

Tư nhân làm sách 

Từ khi VN gia nhập Công ước Berne (2004) tới nay, 80% sách ngoại mua bản quyền vào VN là do các đơn vị xuất bản tư nhân tự mày mò tìm kiếm. Hằng năm, các đơn vị này cũng xuất bản trung bình từ hàng chục lên tới hàng trăm đầu sách nước ngoài có bản quyền, không thua kém gì số lượng xuất bản phẩm của các nhà xuất bản (NXB), như: Trí Việt - First News (đã xuất bản 1.650 đầu sách/18 năm, hiện xuất bản 150 đầu sách/năm); Nhã Nam (đã xuất bản 800 đầu sách/7 năm), Đông A (đã xuất bản 500 đầu sách/8 năm, hiện xuất bản 50 - 60 đầu sách/năm); Chibooks (70 đầu sách/3 năm, hiện xuất bản 30-40 đầu sách/năm)...  

Tự bỏ tiền, tâm huyết và công sức để xây dựng nên thương hiệu nên phần lớn đơn vị xuất bản tư nhân rất chăm chút cho sản phẩm của mình cả về mẫu mã và chất lượng, chiếm thị phần chính trong thị trường xuất bản và phát hành sách ở nước ta, đóng góp nhiều hoạt động rất tích cực, góp phần rất lớn trong việc kết nối trí thức, đưa sách nước ngoài vào VN và ngược lại.  

 Tháo “vòng kim cô” xuất bản
Lục Tiểu Linh Đồng ký tặng sách cho độc giả VN do Chibooks xuất bản - Ảnh: N.B

Việc người tiêu dùng khi mua sách chủ yếu tìm theo đơn vị xuất bản thực sự (mẹ đẻ), chứ không còn chú ý tới tên các NXB liên kết gắn trên bìa sách (mẹ đỡ đầu) đã trở thành một thói quen hình thành nhiều năm nay. Vì vậy, không ít người cho rằng việc tư nhân phải đầu tư toàn bộ tiền của, sức lực vào sản xuất sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng của mình, nhưng phải chịu sự cấp phép, đồng ý của một đơn vị khác là điều không công bằng. Đã đến lúc để xuất bản tư nhân tự làm và tự chịu trách nhiệm. 

Nên cho thí điểm  

Mặc cho nhiều đại biểu Quốc hội đã “bật đèn xanh” về việc đề nghị cho phép doanh nghiệp tư nhân được tham gia thành lập NXB, thay vì chỉ dừng lại cho phép các cơ quan, đơn vị nhà nước, trong buổi thảo luận về dự luật Xuất bản (sửa đổi) vào sáng 27.10, không ít đại diện của các NXB đã liên tục phản đối. Phần lớn các ý kiến này đều cho rằng việc thành lập NXB tư nhân trong thời điểm này là không nên, vì luật Xuất bản chưa ổn định, các điều luật và các chế tài khác đi theo cũng chưa hoàn chỉnh sẽ khiến việc quản lý NXB tư nhân gặp khó khăn. 

Dù vậy, vẫn có những ý kiến ủng hộ việc thành lập NXB tư nhân. Ông Vũ Hoàng Giang, Phó giám đốc Công ty sách Nhã Nam, cho rằng nên thành lập NXB tư nhân vì như vậy xuất bản tư nhân sẽ chủ động công việc hơn, chịu nhiều trách nhiệm và càng chăm chút hơn cho sản phẩm của mình.  

Một số đơn vị xuất bản tư nhân khác cũng nhìn nhận việc thành lập NXB tư nhân sẽ có lợi cho thị trường xuất bản, kích thích tư nhân khai thác bản thảo, cho ra đời  thêm nhiều sản phẩm sáng tạo. Thậm chí, họ cho rằng việc tự cấp phép cho chính mình thay bằng xin giấy phép như trước kia chỉ là “thay vỏ chứ không thay ruột” và về thực chất là không có gì khác nhau. 

Thiết nghĩ, nếu có chế tài cùng các điều khoản xử phạt rõ ràng..., thì chuyện vi phạm chất lượng, hoặc gian lận bản quyền không có gì là không “quản” được. Chẳng hạn như sản phẩm có lỗi về chất lượng, gây tác động xấu tới đạo đức, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục thì phải nộp phạt bao nhiêu tiền, mức độ nào thì bị tịch thu để tiêu hủy; sản phẩm gây ảnh hưởng tới chính trị, hoặc sản phẩm không có bản quyền... thì bị chế tài thế nào...  Trước mắt, có thể chọn thí điểm với một số tư nhân làm xuất bản có uy tín và có sản phẩm chất lượng bấy lâu nay. Hãy để họ tự cấp phép cho sản phẩm của chính họ, và điểm khác biệt với các NXB nhà nước khác là tư nhân không được cấp phép cho các sản phẩm của các đơn vị khác.   

Ý kiến

“Việc thành lập NXB tư nhân cần thể nghiệm theo lộ trình và phải có hành lang pháp lý ổn định. Có thể thành lập trước các NXB tư nhân có chuyên môn hẹp như xuất bản phẩm chuyên ngành khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, bưu điện, giao thông vận tải... Các mảng khác liên quan đến chính trị, văn hóa xã hội... cần cân nhắc”, ông Trần Đoàn Lâm - Giám đốc NXB Thế giới  

“Phải đi từ gốc. Luật Xuất bản phải ổn định, ít nhất không thay đổi trong vòng 10 năm tới, phải quy định rõ về tiêu chí đối với NXB tư nhân thì không NXB tư nhân nào dám vượt rào”, ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty sách First News

“Chưa nên thành lập NXB tư nhân ngay để tránh sơ suất. Tới khi nào các đơn vị tư nhân nắm vững được đường lối tư tưởng của Đảng, không chạy theo lợi nhuận hằng ngày, đặc biệt phải có được một nền tảng tài chính bền vững, chuyên tâm xuất bản những ấn phẩm có giá trị thì mới nên thành lập”, bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh - Giám đốc NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM

Ngọc Bi 

>> Xuất bản sách về Hoàng Sa
>> Sinh viên VN xuất bản sách tại Mỹ
>> Sắp xuất bản sách tiểu sử Steve Jobs
>> Xuất bản sách ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Công ty sách Chibooks vừa chính thức xuất bản sách điện tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.