Thiếu văn hóa khi thưởng thức nghệ thuật: Cần nhiều biện pháp chấn chỉnh

07/05/2017 09:07 GMT+7

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, giải pháp gốc rễ cho câu chuyện này là nâng cao ý thức thưởng thức nghệ thuật của công chúng qua giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở và cả xử phạt.

Đại diện Ban Giám đốc Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) cho biết: “Quy định khán giả không được quay phim, chụp hình, ăn uống… trong chương trình. Vấn đề này còn do ý thức mỗi khán giả nên khó làm triệt để. Trước khi sô diễn ra, chúng tôi cũng nhờ MC đọc nội quy: tắt điện thoại, không quay phim, tặng hoa, chụp hình… và điều này cũng hạn chế được phần nào. Nhưng do ý thức của mỗi người nên việc cấm hay kiểm soát hết tất cả các điện thoại thông minh hiện nay vô cùng nan giải. Trong live show Đàm Vĩnh Hưng vừa qua, nhà hát cũng phối hợp cùng ca sĩ trong việc bỏ điện thoại khán giả vào túi nhựa có mặt trước trong, mặt sau trắng bạc nên không thể quay phim, chụp ảnh, livestream. Sau này, chúng tôi có làm thêm một tấm bảng, nếu thấy người nào quay phim, chụp ảnh thì đưa ảnh họ lên nên mọi người cũng ý thức, không vi phạm nữa. Tôi có đi một số nước châu Á, thấy họ hạn chế tình trạng này bằng cách làm những hộc tủ cá nhân để ai có mang máy quay phim cầm tay hay máy chụp ảnh thì gửi vào đó. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ làm những hộc tủ loại này để giúp khán giả nếu có lỡ mang máy theo thì bỏ vào nhằm hạn chế những điều như đã nói trên”.
Giám đốc sản xuất phim Lô tô, ông Lý Minh Thắng nói: “Khán giả vào xem phim được mang theo điện thoại và trong lúc xem họ vẫn sử dụng điện thoại bình thường, còn sử dụng vào mục đích nào thì nhân viên giám sát của rạp phải là người kiểm tra và nhắc nhở. Người chịu trách nhiệm trước pháp luật phải là nhà phát hành vì họ thuê phim của tôi, họ phải có trách nhiệm trong việc giữ bản quyền của bộ phim. Tôi đặc biệt mong vào ý thức tự giác và sự văn minh của các bạn trẻ khi ra rạp xem phim”.
Trong khi đó, đại diện các cụm rạp CGV, Galaxy, BHD, Mega GS… đều cho biết đã cử nhân viên giám sát chặt chẽ hơn nhưng khán giả vi phạm rất tinh vi nên đôi lúc cũng có sai sót. Thường những hành vi phát tán phim xảy ra ở các rạp xa trung tâm, rạp ít tên tuổi và ở các tỉnh nhiều hơn. Bà Huyền Trang, đại diện Galaxy, khuyến cáo: “Những vi phạm tại rạp trong thời gian tới nếu có xảy ra sẽ được xử lý thẳng tay, không nhân nhượng và theo đúng pháp luật”. Còn anh Vương Thế Phong, đại diện cụm rạp CGV, cho biết: “Khách vi phạm lần đầu chúng tôi nhắc nhở. Nếu tái diễn thì ban quản lý sẽ mời ra khỏi rạp và có quyền từ chối không cho vào mà không phải hoàn vé vì đây là quy định chung. Các trường hợp quay phim có ý đồ xấu dùng để phát tán, trục lợi cá nhân thì đó là hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi sẽ tạm thời tịch thu thiết bị ghi hình, mời khách ra ngoài. Sau đó lập biên bản, báo với cơ quan chức năng để xử lý. Các hành vi quay lén phim tại rạp bị phạt từ 25 - 30 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ở góc độ khán giả, chị Diệu Minh (phố Khâm Thiên, Q.Đống Đa, Hà Nội) đưa ý kiến: “Theo tôi, phông nền văn hóa của công chúng phải được nâng cao đã. Khi đó sẽ không còn hiện tượng vứt rác, khạc nhổ, nói chuyện ồn ào trong rạp. Để làm việc đó thì cơ quan quản lý cũng nên xử phạt nặng may ra người ta mới dần có ý thức văn minh”. Nói về hiện tượng các nghệ sĩ bị khán giả tấn công, chị Diệu Minh bày tỏ: “Rõ ràng việc này là không thể chấp nhận. Nhưng nghệ sĩ cũng nên nhìn lại mình. Ngay trong cách phát ngôn, ứng xử, nhiều người đang khiến bản thân mình trở nên tầm thường trong mắt khán giả. Nếu nghệ sĩ không coi nhà hát là thánh đường, không coi trọng khán giả thì có một bộ phận khán giả thiếu văn minh, thậm chí quá khích thì cũng là chuyện không khó hiểu”.

tin liên quan

Thiếu văn hóa khi thưởng thức nghệ thuật
Cộng đồng mạng đang dấy lên làn sóng tranh luận về văn hóa thưởng thức nghệ thuật - giải trí của khán giả, khi gần đây liên tục nhiều nghệ sĩ bị ném đồ vật lên sân khấu trong lúc đang biểu diễn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.