‘Thời trang’ lễ chùa

20/01/2019 06:51 GMT+7

Kiệm màu và kín đáo, song vẫn nhiều kiểu dáng, đó chính là những bộ trang phục của các phật tử lựa chọn để đi lễ chùa. Trước tết, thị trường này hiện đang bán mua tấp nập.

Nhu cầu có thật

Ông Lưu Ngọc Đức, Ủy viên BCH Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội, vẫn còn nhớ học trò của mình thường nói vui, muốn rõ xu hướng thời trang đang thịnh hành ở thủ đô thì lên phủ Tây Hồ vào ngày rằm, mùng một. Có thời điểm, trang phục ở đó vô cùng lộn xộn, từ ngắn đến rất ngắn đều xuất hiện cả. “Ngày xưa, đời sống kinh tế khó khăn thì các cụ nhà ta cứ chọn một bộ trang nghiêm đẹp đẽ nhất mà lên chùa đi lễ. Đến lúc vật chất khá hơn lại đa dạng các mốt từ dài tới ngắn, và cả rất ngắn. Hình như mọi người quên mất quy tắc đi lễ là trang nghiêm kín đáo. Thế nên, nhiều chùa giờ có tấm biển nhắc nhở ngay từ cổng tam quan việc mặc trang nghiêm hành lễ, hay trang bị một tủ áo dài lam, nâu cho người đi lễ mượn trước khi vào lễ”, ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, xu hướng mặc lộn xộn khi đi lễ đã giảm hẳn. Thậm chí, có xu hướng mua riêng cho mình những bộ trang phục để chuyên mặc đi chùa, đi lễ. “Tôi thường nhập nhiều bộ như vậy vào sát tết. Đấy là thời điểm bán chạy của loại trang phục này. Đó đều là những trang phục đơn sắc như quần áo cùng màu lam, hay màu nâu, màu hồng cánh sen đậm hoặc nhạt. Nếu có thêu hoa cũng là hoa cúc, hoa sen. Các mẫu thêu thường cùng màu với trang phục, ít khi có trường hợp đặt màu đối lập cho nổi bật”, chị Thanh Thủy - một người chuyên bán hàng online, cho biết. Theo chị Thủy, số lượng mẫu cho nữ đa dạng hơn mẫu cho nam.
Nhà thiết kế (NTK) Kim Ngọc (Thiện Phát Design), cho biết khoảng 10 năm trở lại đây, các cửa hàng văn hóa phẩm cạnh các ngôi chùa lớn bắt đầu bán các bộ dành riêng cho việc đi lễ. Sau đó, lại có tách ra các cửa hàng chuyên bán trang phục phật tử. Cuối cùng, những trang phục đi lễ được thiết kế riêng cũng phát triển. Bản thân NTK này cũng tham gia thiết kế trang phục đi lễ. “Trang phục này ra đời từ chính nhu cầu lễ phục của cá nhân tôi 3 năm trước đây. Áo quần bình thường nhưng trang nghiêm cho các ngày mùng một, hôm rằm. Trang phục hành lễ trong các dịp lễ trọng. Ban đầu là thiết kế cho mình, cho bạn bè rồi có khách đặt làm giúp. Tôi đặt kệ nhỏ bày trang phục trong nhà hàng chay. Hữu xạ tự nhiên hương, giờ đơn hàng không kịp làm trả khách”, NTK này chia sẻ.

Đa dạng

Nếu như những mẫu đồng loạt giản dị thì các mẫu thiết kế lại có nhiều chi tiết hơn. Chẳng hạn, theo NTK Kim Ngọc, mẫu áo dài dành cho hành lễ và đối ngoại có thể có thêm dải khăn nhỏ, cũng có mẫu có thêm hoa nhỏ cài ngực áo. “Với người đi lễ chỉ cần giữ nguyên nếp văn hóa truyền thống là trang nghiêm và kín đáo. Ngoài ra, các chi tiết khác cũng cần bắt nhịp cuộc sống hiện đại để chúng ta đi lễ không phạm quy tắc ăn mặc thiếu trang nghiêm, nhưng cũng không quá xa lạ với đời thường”, NTK này cho biết.
Về xu hướng trang phục đi lễ này, bà Hương Lan, một phật tử ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội), cho biết việc mặc trang phục khiến cho các phật tử trong cùng một đạo tràng thấy gần gũi nhau hơn. Khi lên chùa, trang phục cũng khiến các nhóm phật tử cảm thấy có nhiều điều chung và dễ chia sẻ hơn. Nhiều tổ đình cũng giới thiệu với các phật tử những trang phục phù hợp khi tới chùa lễ phật. Các trang phục này đều hướng tới nét đẹp đơn sơ, thanh tịnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt, cho biết ông và bạn bè trong nhóm vẫn chọn áo dài truyền thống để đi lễ chùa dịp tết. “Áo dài nam truyền thống khi mặc vẫn có thể di chuyển dễ dàng. Áo dài cũng là trang phục cả nhà có thể mặc khi đi lễ chùa, vừa đẹp vừa là cách nhớ tới ông bà xưa. Bản thân bộ áo dài bao giờ cũng đủ trang trọng để bước vào không gian thiêng”, ông Bình nói. Ông cũng cho biết, nhóm Đình làng Việt cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tại sân đình, chùa với trang phục áo dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.