Gió nam cồ

14/08/2020 08:00 GMT+7

Chưa nếm gió nam cồ sẽ chưa phải người Trung. Người Trung mộc mạc cần cù, ít nói; nhưng giấc mơ Trung luôn hừng hực, xôn xao những trận gió nam cồ…

Tôi sinh nơi đất Phú Yên, miền Trung, tháng bảy. Mở mắt chào đời tai đã được nghe tiếng gió nam cồ rít mái tranh xoe xóe. Tôi lớn lên qua những mùa nam cồ khô rốc hanh hao, mịt mù bụi đỏ. Cái gió nam cồ “chuyên cần và phóng túng” (Trần Mai Ninh) từng ám ảnh những người con đất Phú, từng ám ảnh thơ Trần Mai Ninh và cũng ám cả vào giấc mơ tôi, những giấc mơ giần giật gió nam cồ…
“Nam” là để chỉ gió mùa tây nam. “Cồ” dùng chỉ loài cầm trống: gà cồ, vịt cồ, chim cồ… theo cách gọi của người Phú Yên. Đã “cầm” tất… biết bay. Đã “cồ” tất hung dữ, ngang tàng, bạo liệt. Cái hình dung từ “nam cồ” kia thật quá đầy đủ để diễn tả một hiện tượng thiên nhiên vừa đáng yêu vừa đáng ghét, vừa mời gọi vừa đuổi xua. Cái tố chất đặc thù của tinh thần chịu đựng, của thói quen âm thầm, nhẫn nại, của triết lý thẳm sâu - mềm mà bất khuất, nhược vẫn lâu bền…
Gió mùa tây nam không chỉ có riêng nơi dải đất miền Trung; nhưng chỉ có miền Trung, nơi bị bức trường thành Trường Sơn chắn ngang, gió tây nam mới hóa nam cồ (còn gọi “gió Lào” hay “gió chướng”). Nam cồ là tên gọi riêng gió tây nam của vùng Phú Yên - Bình Định. Mà cũng không phải “cồ” suốt nguyên mùa gió tây nam 4 tháng; gió tây nam chỉ thực sự hung dữ, thực sự “cồ” vào tháng 7 hàng năm. Hành trình gian nan của gió qua chập chùng đồi, núi, vực, khe đã vắt kiệt làn hơi nước mát mang theo khiến gió thay đổi tính tình - trở nên nóng nảy, lồng lộn, hung hăng như muốn trút giận lên bầu trời, mặt đất. Miền Trung nặng gánh oằn lưng dưới thiên tai, bão lụt còn được thử thách thêm bằng cái tiết hè - thu bức bối, hanh hao những đợt gió nam cồ! “Vè thời tiết” Bình Định - Phú Yên chừa nguyên một đoạn 4 câu chỉ để kể chuyện gió (tây) nam:
… Tháng 4 nam non
Tháng 5 nam giòn
Tháng 6 nam vãi
Tháng 7 nam “giã bãi”…
“Nam non” chỉ lúc gió tây nam mở màn, mới sinh - còn gọi là “nam mái” (có “cồ” tất có “mái”. Hay cho trí tưởng tượng phong phú của con người, vô hình trung đã biến gió nam thành một sinh thể, không còn là một hiện tượng tự nhiên!), bắt đầu thổi lao rao từ tháng 4 âm lịch hàng năm. Ấy là lúc gió nam hãy còn “hiền”, lúc có lúc không, chỉ vừa đủ để nhắc nhở người miền Trung chuẩn bị tinh thần đón ông bạn không mời cứ đến hẹn lại lên. Chính thức là nam, “nam giòn”, phải tháng đợi tới tháng 5 âm lịch. Liên tục mạnh dần, thổi giòn không ngơi suốt từ tháng 5 sang tháng 6. Gió nam cứ từng bước trưởng thành, càng lúc càng hung hăng; và cực cùng, đỉnh cao của trạng thái hung hăng ấy chính là “nam vãi”. Phải; vãi cát, vãi bụi, vãi tung hê tất cả những vật gì không chống cự nổi, không kịp trốn lánh bước chân dũng mãnh, bạo cuồng của gió nam. Nam tháng 6 âm lịch là đích thực nam, đúng nghĩa “nam cồ”! Nhà cửa mù bụi. Đường sá mù bụi. Đồng lúa con gái đương thì cứ xác xơ, đỏ quạch. Lúa vàng. Cây héo. Và người; người cũng hóa xác xơ, bức bối, dễ giận hờn, nghiệt ngã, sân si hơn trong mùa gió nam. Mùa này người đi ra đường không cảnh giác bị giật bay nón mũ; đi xe đạp trên đường bị hất… bay luôn cả người cả xe xuống ruộng là chuyện không phải hiếm hoi. Đương nhiên thúng mủng, gióng quang, dù che, phên liếp… - tất cả những vật gì khối lượng nhẹ nhưng tiết diện lớn - đều có nguy cơ thành “mồi ngon” để gió cuốn đi. Và gặp phải gió nam cồ thì, ôi thôi, chạy sáng mắt mà tìm! Xoong canh mùa gió nam cồ ăn luôn phải chừa cặn bởi dưới đáy đầy những cát. Giấc ngủ trưa mùa gió nam nặng nề hâm hấp, mồ hôi đọng vũng dưới lưng bởi cái gió nóng khô thổi muốn rát da nhưng chỉ làm nhiệt độ không khí tăng thêm chứ không hề mát mẻ “dễ thương” như ngọn gió nồm. May; cái gì quá đủ, quá đầy ắt chẳng sống lâu. Lên tới đỉnh cao tất đến ngày phải xuống. Ngọn gió nam cồ, nam vãi kia sau khi hào phóng tiêu pha năng lượng trong hành trình thử thách xem ra đã bắt đầu mệt mỏi, chịu thua, không muốn “ăn thua” thêm cùng đất và người. Nam tháng 7 âm lịch chập chờn, nuối tiếc bằng những cơn giật bất ngờ nhưng đã yếu, thưa đi, chỉ còn gượng gạo như muốn vớt vát chút uy danh trước khi “giã bãi” cuộc chơi; một cuộc chơi mà uy lực nóng nảy, ngược ngạo, hung hăng không thắng nổi tính nhẫn nại, kiên gan, bền bỉ của con người…
Tôi yêu gió nam cồ. Thứ gió - dù cho khắc nghiệt, dữ dội, bạo cuồng - cũng đã góp phần hun đúc, luyện rèn nên tính cách miền Trung. Không có gió nam cồ sẽ không phải miền Trung. Chưa nếm gió nam cồ sẽ chưa phải người Trung. Người Trung mộc mạc cần cù, ít nói; nhưng giấc mơ Trung luôn hừng hực, xôn xao những trận gió nam cồ…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.