Nơi này ở đầu tỉnh Khánh Hòa, nằm dưới chân đèo Cổ Mã. Người ta nói tên của nó rất đẹp nhưng vì kỵ húy tên một bà công chúa thời Nguyễn mà phải đọc trại đi, là thị trấn Tu Bông.
Tôi đến đó vào những năm hai mươi tuổi khi vừa rời khỏi mái trường sư phạm với tư thế rất hăm hở của một người trẻ vừa bước ra khỏi tháp ngà trường học. Đó là ngôi trường đầu tiên tôi đến dạy học, nó nằm giữa những ruộng lúa xanh ngát, cách xa những ngôi nhà mái ngói màu đỏ, trong những lớp học có cánh cửa màu xanh lá, tiếng cô giáo giảng bài hòa với tiếng ếch nhái râm ran. Sân trường là mảnh sân nhỏ trải sỏi trông rất rộng vì chỉ mới trồng được vài cây phượng, vài cây bàng non thân nhỏ xíu. Những ngày nắng học trò chỉ chơi đùa trên hai dãy hành lang nhỏ, còn những ngày mưa thì các em ngồì yên trong lớp học đợi giờ vào lớp. Mùa mưa ở đó ẩm ướt và lạnh, nhưng chỉ vậy thì không sợ bằng gió.
Hồi mới đến thị trấn, tôi sợ nhất là gió. Trước khi đến đây tôi đã nghe nói Mưa đồng Cọ, gió Tu Bông, đến rồi mới thấy không biết từ nơi nào, gió cứ lùa vào những ngọn cây thổi tung mọi thứ, nếu đi từ đầu ngã rẽ vào thị trấn thì phải chọn phía ngược chiều của gió để khỏi bị đẩy xuống ruộng. Vào những tháng cuối năm thì gió có kèm theo mưa, những cơn mưa “chín chiều” làm cho con đường từ nhà đến trường nhão nhoẹt vì bùn. Mỗi ngày đến trường, mấy cô giáo trẻ phải bám vào nhau đi từng bước nhưng có lúc chân bước đi mà guốc nằm lại trong bùn. Mùa mưa gió đến, học trò đi học cũng khổ, nhiều em nhà ở phía bên kia đèo Cổ Mã, mưa gió các em cũng không bỏ buổi học nào. Trời mưa, gió thổi ngược thì xuống xe dắt bộ lên đèo, lên đỉnh đèo đạp xe xuống nhưng có khi xe không chạy nổi vì gió thổi ngược. Đến được lớp học, em nào cũng môi miệng tái nhợt, chiếc áo đồng phục mỏng dính ướt nhẹp, lạnh run mà vẫn cười.
Đến giờ tôi vẫn chưa hiểu vì sao Tu Bông nhiều gió mà lạnh như thế, có khi tự trả lời là vì thị trấn giống như một cái thung lũng nên đã hút gió của bốn bề. Không biết có đúng không nhưng vào mùa đông, có những đêm mất ngủ vì tiếng gió rít trên mái nhà và những người già phải ngồi với cái lồng ấp than đỏ hồng đủ biết thế nào là cái lạnh của nơi này.
Nắng gió khắc nghiệt như thế nhưng người Tu Bông rất dễ thương, hiền lành, tốt bụng, nhiệt tình, chúng tôi ở trọ không phải trả tiền mà còn được chăm sóc như con cháu trong nhà, được chia sẻ từng chén cơm, con cá đầy tình nghĩa. Hồi ấy chưa có điện, buổi tối chúng tôi soạn bài bằng cây đèn dầu lớn nhất mà các bác dành riêng cho.
Những người học trò thuở ấy cứ nhắc mãi hình ảnh ngày cô giáo mới đến, một bầy học trò chạy theo chiếc xe ngựa chạy lóc cóc, trên đó chở cô giáo rất trẻ ngượng ngập ngồi bệt dưới chiếu. Hồi ấy, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách chạy từ nửa khuya nên thầy cô giáo cuối tuần về phố thường đón tàu lửa. Chuyến tàu chợ qua lại ngày một lần, dừng đón khách ở cái ga xép nằm gần ngã rẽ vào thị trấn. Vào chiều cuối tuần có khi thấy mấy đứa học trò rồng rắn tiễn cô giáo ra ga, đợi cô chen chân được qua một rừng người vào tận trong toa, các em đợi tàu chạy để vẫy tay với cô giáo rồi mới quay về.
Bây giờ Tu Bông đã khác xưa rất nhiều, mấy mươi năm như bóng câu qua cửa. Nhiều năm không trở lại nhưng khi quay về lòng tôi vẫn đầy ắp cảm xúc hệt như lần đầu tiên ngồi bệt trên xe ngựa đến trường nhận nhiệm sở. Con dốc vào thị trấn đã được nâng thành con đường trải nhựa, hai bên đường đã có nhiều nhà cửa nên từ xa không thấy được mái ngói trường cũ. Dẫu vậy khi dừng lại trước ngôi trường giờ đã khang trang hơn rất nhiều nhưng vẫn giữ lại dãy phòng cũ mà ngày xưa chúng tôi ngồi uống chén nước trà trước khi lên lớp. Trước cửa phòng, ngay bậc tam cấp là cây bàng non hồi đó giờ đã vượt cao, thân cây sù sì, vỏ cây nhăn nheo đầy dấu thời gian và tàng lá vươn rộng che mát cả một khoảng sân. Mảnh sân ngày xưa đã hẹp lại vì mấy cây phượng cũng đã cao lớn, lúc ấy vừa vào hè, hoa phượng nở rực rỡ đỏ cả trời xanh.
Chỉ như mới ngày hôm qua dù tất cả đã là kỷ niệm. Nhưng tôi biết dù năm tháng trôi, tình yêu chúng tôi gửi về nơi đó sẽ mãi không thay đổi.
|
Bình luận (0)