Khúc ruột miền Trung

01/08/2020 08:00 GMT+7

Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn , nhưng mỗi khi được hỏi về vùng miền, tôi luôn trả lời: “Em người miền Trung”.

Thế nhưng, nếu gặp người đồng hương vồn vã: “Miền Trung hả, khúc nào?” là tôi lúng búng như gà mắc tóc. Khúc nào ư? Tôi nghe ba má kể nhiều về miền quê, kỷ niệm ở miền Trung lắm, tôi biết nhận mình thuộc khúc nào? Tôi bèn khoác lác: “Nguyên khúc ruột miền Trung là quê em hết”.
Chẳng phải sao khi còn bé, cứ mỗi mùa hè là tôi lên tàu Thống Nhất ra Nha Trang, ở nhà bà nội và bác ruột. Nha Trang thì khỏi nói, được tắm biển, ăn chè bơ dầm, chè hột đác, nem nướng, nem chua. Nhưng tôi biết Nha Trang không phải là nơi ba má và các bác được sinh ra, bởi vì sau một tuần ở Nha Trang, tôi lại lên xe ra Tuy Hòa. Đường từ Nha Trang ra Tuy Hòa qua đèo Cả quanh co. Người Nha Trang đã hiền, người Tuy Hòa còn hiền hơn. Tôi rất thích nghe chị em họ của mình kêu “ông be, bà mé” (ba má). Chị họ tôi còn chỉ cho tôi nói giọng Tuy Hòa: “Ăn trái khớ, uống ly cà phơ” (Ăn trái khế, uống ly cà phê). Sau này, hễ gặp người Tuy Hòa trong Sài Gòn, tôi nói câu này ra thì lập tức chúng tôi trở nên thân nhau một cách nhanh chóng. Biển Tuy Hòa cũng đẹp như biển Nha Trang và vắng hơn. Hình như càng ra xa thức ăn càng đậm đà hơn. Tôi được dẫn đi ăn món thịt nướng đến giờ vẫn không quên vị nước chấm sền sệt. Nhưng Tuy Hòa vẫn chưa phải là nơi chôn nhau cắt rốn của ba má tôi, bởi vì sau đó, tôi lại lên xe để ra chợ Huyện, gần Sông Cầu để thăm ngoại. Nhà ngoại kế bên chợ, đối diện Trường Xuân Lộc, nói vậy để dễ nhớ và dặn mấy anh lơ xe cho xuống. Chợ Huyện so với chợ ở Sài Gòn tất nhiên là rất khác nhưng rất dễ thương. Nghe giọng Sài Gòn là ai cũng quay lại nhìn: “Cháu bà Bốn hả, để bà cho thêm ốc mít” đó là lúc tôi xách chén đi mua ốc về lể. Mấy đứa em họ tranh nhau chỉ cho tôi nào là ốc mút, ốc mít, ốc gạo... Rồi chị em lại rủ nhau ra tắm biển, đi men theo các tảng đá trơ ra sau khi thủy triều rút.
Vậy mà đã hết đâu, sau này nhà tôi còn đón rất nhiều vị khách từ Quy Nhơn, Bình Định, Quảng Ngãi vào Sài Gòn chơi. Họ đều là những người họ hàng không gần thì xa. Họ mang vào những món quà quê như đường phổi, đường phèn Quảng Ngãi, bánh tổ Quy Nhơn, bánh tráng, mắm ruốc Bình Định.
Một trong những lý do tôi nhận cả khúc ruột miền Trung là quê mình cũng vì ba má tôi có quá nhiều kỷ niệm và đã mang chúng vào ký ức tuổi thơ của chúng tôi bằng những bài hát. Chiếc cassette nhà tôi hồi đó tua đi tua lại bài Nắng chiều của Lê Trọng Nguyên. Những câu chuyện kể lúc ba tôi đi học ở Quy Nhơn, những địa danh như chợ Bồng Sơn, biển Đại Lãnh, bãi Điện dù chưa một lần đặt chân đến nhưng tôi có cảm giác như chúng thân quen và in sâu vào ký ức của mình bằng cách nào đó. Còn nữa, tôi đọc rất nhiều sách văn học Việt Nam, nhưng đặc biệt thích và tìm đọc cho bằng hết các tác phẩm của nhà văn Võ Hồng. Lúc ông còn sống, tôi còn đánh bạo điện thoại ra Nha Trang để hỏi thăm và được ông tiếp chuyện rất niềm nở khi tôi tự nhận mình là một người con miền Trung.
Tôi rất ít khi mua vé số, nhưng có lần đang ngồi uống nước với bạn bè, có người phụ nữ cất giọng mời mua, tôi vội hỏi, chị người Tuy Hòa phải không, và rút tiền mua ngay vài tấm giúp chị, làm mấy người bạn đi cùng trêu ghẹo thấy người miền Trung là nhận vơ làm họ hàng.
Một chiều lang thang trên phố London, tôi bắt gặp hình ảnh vô cùng quen thuộc. Trong một tiệm tạp hóa lớn mang tên Lại Lợi, một người phụ nữ ngồi trên chiếc đòn thấp đang lặt rau. Cạnh chị là một bà cụ ngồi trên tấm phản nhìn con cháu buôn bán cùng một con mèo nhỏ màu trắng mắt lim dim. Anh chồng đang khuân vác bày biện hàng hóa phía trước. Nghe anh chị nói chuyện với nhau, tôi đường đột bước vào hỏi ngay: “Anh chị người miền Trung hả?”.
Anh vồn vã trả lời: “Đúng rồi, em ở khúc nào?”. “Dạ, ngoại em ở chợ Huyện, gần Sông Cầu”. Hỏi thêm mới biết, nhà anh chị gần nhà ngoại tôi. Ôi, cái giọng Sông Cầu, xa bao năm mà tôi vẫn không bao giờ quên được, chỉ cần nghe cất tiếng là biết ngay. Sau này, mỗi khi nhớ nhà, tôi lại đi hai chặng xe lửa để đến tiệm tạp hóa của anh chị để nghe cái giọng miền Trung “trọ trẹ” ấy. Ôi khúc ruột thân thương nơi xứ lạ của tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.