Năm đầu đại học, tôi trọ ở chỗ ngã ba đường Rạch Bùng Binh – Trương Định – Hoàng Sa (Q.3, TP.HCM). Đây cũng là nơi được ví như “xóm Quảng Ngãi”, bởi không ít người đồng hương với tôi khi vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai cũng tá túc ở khu này.
1. Tôi nhớ hồi đó, năm 2007, “xóm Quảng Ngãi” có gần 40 người ly hương, đến từ nhiều huyện. Họ nam tiến để thoát khỏi cảnh bị thiên tai bão lũ, hạn hán giáng xuống liên tục, hoành hành phá nát nhà cửa, mùa màng. Vào Sài Gòn mưu sinh, có người đi một mình, có người dẫn cả gia đình, con cái.
Nhờ vậy mà những tháng ngày đầu tiên ở Sài Gòn, tôi đỡ lạc lõng, nhớ quê. Vì hàng ngày, luôn được nghe cái giọng nói rặt Quảng Ngãi.
Cứ sáng sớm, dắt xe ra khỏi nhà trọ để chở khách, là “ông Thành xe ôm” lại nhìn xung quanh, thấy ai cũng “tộm (tạm) biệt hết nghen” để chào mọi người. “Chị Vân vé số” đáp lại: “Dạ, cháu cũng đi lồm (làm) đây”.
Sáng nào cũng vậy, những người đồng hương cũng chào nhau, chúc nhau một ngày buôn may bán đắt.
Chiều về, cả dãy trọ rổn rảng những tiếng hỏi thăm. “Ông Thành nay chạy xe được không?”, “bà Hương hủ tiếu” hỏi. Ông Thành trả lời: “Cũng tồm tộm (tàm tạm)”. Rồi bà Hương an ủi chị Vân khi nghe chuyện không may: “Xe độp (đạp) bể bánh giữa đường”…
Có lần tôi hỏi chú Thành, sao vô Sài Gòn đã 15 năm, mà sao giọng nói vẫn rặt Quảng Ngãi? Chú nói sửa giọng để làm gì, cha mẹ sinh ra cái giọng thế nào thì để y như vậy. Chú tự hào: “Giọng Quảng Ngãi quê mình là “đặc sản” hiếm, chứ không phải “quê một cục” hay vụng về”.
Ngẫm nghĩ, tôi thấy chú nói đúng. Nhiều bạn bè từng chê hết lời khi nghe tôi nói chuyện, nhưng sau đó thừa nhận: “Giọng quê mày lạ. Mộc mạc, chân chất, nghe cảm tình”.
Thế nên sau bao năm tá túc ở Sài Gòn, tôi chưa từng có ý định đổi giọng đặc trưng của nơi chôn nhau cắt rốn.
2. Tôi hỏi ở quê mỗi người mỗi xã, huyện khác nhau, mà vô Sài Gòn lại có duyên ở chung dãy trọ? Chú Thành giải thích vì người Quảng Ngãi nói riêng và miền Trung nói chung có tâm lý xóm làng.
Chú Thành kể ở chỗ Tô Hiến Thành (Q.10) có “xóm Phú Yên”. Hay “xóm Quảng Nam” thì ở bên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình). Những người đồng hương vô tình gặp nhau ở miền đất lạ, hỏi han nhau rồi rủ ở trọ gần nhau. Để lỡ không may xảy ra bất trắc, thì còn có đồng hương để nương tựa.
Ngày một đồng hương nhà ở đường Tỉnh lộ 10 (Q.Bình Tân) mất, mọi người vội vàng đón xe buýt để cùng lên lo ma chay. Người lật đật mua hòm, thuê xe. Người lo dựng rạp, ghi cáo phó. Người tất tả đi chợ, nấu ăn… Tình đồng hương hiển hiện ấm áp quá chừng.
Lần bà Hương bị đột quỵ, biết tin là ai nấy cũng hộc tốc chạy về. Chẳng ai nói ai, nhưng người nào cũng dốc hết tiền để hùn hạp đưa bà Hương đi cấp cứu. Lúc bà Hương qua được cơn thập tử nhất sinh, ai cũng mừng muốn khóc. Ra viện, bà Hương mở tiệc… hủ tiếu để ăn mừng. Cả xóm quây quần. Ông Thành đem qua bịch trái cây mới mua ngoài chợ. Chị Vân “đóng góp” mớ cá tươi... Tiếng cười vang cả dãy trọ.
|
3. Chú Quyết ở Sài Gòn trong phòng trọ chưa đầy 4 mét vuông với hai đứa con học đại học. Hằng ngày chú đi phụ hồ, tiền công được 200 ngàn đồng, chú tằn tiện gói ghém để nuôi con, cho con đóng học phí. Chú tâm sự dù cực khổ cỡ nào cũng chịu được. Miễn sao con cái học giỏi là chú vui.
Cô Mai bán bánh tráng trộn đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5). Mọi người khuyên nên mua cái xe để chở hàng đi bán cho đỡ vất vả, chứ gánh trên vai mà đi bộ thì quá xa. Cô Mai lắc đầu, bảo để dành tiền gởi về cho chồng nuôi con ăn học. Cô khoe con gái ở quê đã 11 năm liên tiếp là học sinh giỏi. Bà Hương cũng kể có 7 đứa cháu, cả ngoại lẫn nội. Bà hạnh phúc vì cháu nào cũng ham học.
Nghe đồng hương khoe con cháu, chú Thành lý giải, sở dĩ học trò miền Trung học giỏi vì miền đất này rất hiếu học. Đã có không ít “anh tài phát tú” nức tiếng thiên hạ. Truyền thống ấy được lưu truyền hết đời này sang đời khác.
Và học trò miền Trung học giỏi, một phần cũng vì sinh ra và lớn lên ở dải đất có thời tiết khắc nghiệt, nên buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn, vượt qua. Chính nỗ lực ấy đã giúp học trò miền Trung luôn có tâm niệm, khát khao phải học giỏi, phải chịu khó khổ luyện học thành tài, để có thể thoát nghèo, thoát cuộc sống cơ cực.
Đến nay, đã tròn chẵn 10 năm tôi chưa gặp lại những người đồng hương thuở ấy. Chẳng biết cuộc sống họ đang như thế nào. Nhưng tôi đoán, họ vẫn đang tất tả mưu sinh ở Sài Gòn để dành dụm nuôi con, cháu ăn học. Họ vẫn nói bằng thứ giọng rặt Quảng Ngãi rất đỗi dễ thương. Và nếu có gặp đồng hương ở giữa Sài Gòn sẽ “tay bắt mặt mừng” vồn vã…
|
Bình luận (0)