Ở miền Trung vẫn thương nhớ miền Trung!

20/07/2020 08:00 GMT+7

Dù là Huế hay Quảng Nam Quảng Ngãi..., những đứa con lần đầu đi học xa nhà không chỉ nhớ cha nhớ mẹ, nhớ những đứa em mà nhớ cả những mùa lũ lụt, những cơn gió bấc xào xạc trên mái tôn nghèo…

1-
Đầu những năm 70 của thế kỷ trước, khi chúng tôi vào học ở Sài Gòn, bài hát Tiếng sông Hương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và những tối thứ bảy trong chương trình Nhạc yêu cầu cứ làm mọi người rưng rưng nỗi nhớ quê. Nhất là những ngày mùa đông bão lụt, giọng hát Thái Thanh càng thêm não lòng…
Quê hương em nghèo lắm ai ơi
mùa đông thiếu áo hè thì thiếu ăn
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm à ơi…
khiến đau thương thấm tràn…
Miền Trung vậy đó, cho dù là Huế hay Quảng Nam, Quảng Ngãi... Những đứa con lần đầu đi học xa nhà, không chỉ nhớ cha nhớ mẹ, nhớ những đứa em mà nhớ cả những cơn mưa trận gió, nhớ những mùa lũ lụt, những cơn gió bấc xào xạc trên mái tôn nghèo…
Tin tức chiến sự mỗi ngày trên các trang báo, trên làn sóng radio, trên cả những trang thư người thân bạn bè gởi cho nhau mỗi ngày. Bà con ai còn ai mất, những đứa bạn học mới ngày nào còn ngồi ghế nhà trường nay đã “nằm xuống” ở cánh rừng nào đó, dù cho đã phải cầm súng cho bên này hay bên kia. “Chiến trường rải binh như vãi đậu”, một câu thơ buồn của một nhà thơ xứ Huế… Thế hệ chúng tôi, những đứa may mắn ngồi ở giảng đường đại học thương xót những đứa đầu xanh một đi không trở lại…

Cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão tại vùng biển Thừa Thiên - Huế

Ảnh: T.Đ.T

2-
Rồi hòa bình, chúng tôi quay về miền Trung. Bữa đói bữa no một thời bao cấp. Đạp xe đạp mỗi ngày hàng chục cây số về những vùng nông thôn. Có đứa đi dạy học. Có đứa đi làm trong ngành nông nghiệp, thủy lợi, vật tư. Tất cả đều xe đạp, dù là ngày hè nắng cháy hay mưa lụt rả rích những con đường quê. Đằng sau chiếc xe đạp là đùm gạo, trong túi áo là vài mẫu tem phiếu trên đường đi công tác… Có khi được điều đi “sản xuất” ở vùng núi, hay trồng sắn ở nông trường, khi về phải đèo thêm vài bó củi khô làm chất đốt. Mỗi lần về quê, cũng tranh thủ mang theo cái bao nhỏ để khi quay ra thành phố có thêm chút gạo, mấy ký khoai lang khô, cặp đường đen của dì, của chị gởi ra cho các cháu!
Hòa bình, mình chưa giúp được gì cho bà con ở quê, lại quay về “bòn mót” trên mồ hôi công điểm của họ, những xã viên đi làm theo kẻng và nhận vài ký lúa theo công điểm…
Miền Trung của tôi vậy đó, một thời bao cấp!
3-
Khi tôi đi làm báo, 10 năm sau ngày hòa bình, lại có dịp lăn lộn khắp nhiều vùng nông thôn miền Trung, từ duyên hải đến Tây nguyên… Đi khắp các tỉnh thành từ những lúc hạn hán đến trong mùa bão lụt. Vậy nên biết vùng nào không có nước thủy lợi, không có máy bơm nên không chỉ lúa mà cả những cây trồng chịu hạn giỏi cũng cháy khô, trâu bò còn không chịu ăn. Vậy nên biết nước dâng lên đến báo động 2, báo động 3 của các chương trình dự báo thời tiết thì biết ngay lưu vực sông nào, cánh đồng lúa nào hoặc con phố nào ở Huế, ở Hội An… đã ngập.

Hạn hán ở Tây nguyên

Ảnh: T.Đ.T

Còn nhớ mãi trận lũ lịch sử năm 1999, đèo Hải Vân sạt lở, sau khi điện thoại cho cộng tác viên Hoàng Đức ứng tiền mua hàng cứu trợ ở Đông Hà, chúng tôi tìm cách ra Huế. Trong lúc đó chị Trương Thị Mai lúc đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên bay vào Phú Bài và tìm đường vô Đà Nẵng. Chúng tôi gặp nhau trên vị trí sạt lở ở đèo Hải Vân mà ôm nhau rưng rưng như đã lâu lắm rồi chưa gặp mặt. Rồi những chuyến cứu trợ từ Hà Nội, từ Sài Gòn, từ Đà Nẵng bắt đầu tỏa đi khắp các tỉnh miền Trung. Bao nhiêu cảnh đời tang thương dần được đưa lên mặt báo, bao nhiêu ngôi nhà bị lũ cuốn trôi chỉ còn trơ lại cái nền, bờ móng. Những bà mẹ người Cơ tu ở Quảng Nam, người Pa cô ở vùng Tây Quảng Trị, người Cơ Ho ở Trà My, Trà Bồng - Quảng Ngãi thiếu cả những tấm vải che thân. Những ngôi trường từ miền núi xuống đồng bằng bị bùn non đóng dày cả nửa thước, sách vở từ thư viện ướt nhão khi đem ra sân phơi... Những ánh mắt thầy cô giáo đẫm nước mắt ngồi lật từng trang sách, từng trang sổ liên lạc của học trò nhòe mực…
Miền Trung của tôi vậy đó! Không còn bom đạn chiến tranh nhưng cái nghèo còn vây bủa vì thiên tai dồn dập.
Để bây giờ, tôi vẫn ở miền Trung mà cứ thương nhớ miền Trung. Đứt ruột với những hồi tưởng “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi” như lời hát của Thái Thanh ngày nào…
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.