Tôi đã đi Phú Quốc, Côn Đảo… và quyết định đến Lý Sơn.
Tôi luôn quan tâm đến hòn đảo nằm ở ngoài khơi xa của tỉnh Quảng Ngãi với những thông tin trên hệ thống truyền thông: “Lý Sơn được mùa tỏi, Lý Sơn đã có điện lưới quốc gia, Lý Sơn xây dựng các khách sạn…”. Tôi theo dõi xem ra đó bằng cách nào? Thăm thú mọi nơi như thế nào và lên mạng tìm bản đồ in hẳn ra để ra tới nơi sẽ thuê một chiếc xe máy rong ruổi và tận ngắm.
|
Cuối cùng cũng đặt chân lên hòn đảo được mệnh danh là “Vương quốc tỏi” sau 45 phút đi trên con tàu cao tốc. Tàu chạy êm, ngồi phía sau boong tàu ngắm mênh mông biển, và thỉnh thoảng có những con tàu ngược chiều. Lý Sơn chào chúng tôi bằng cảnh nhộn nhạo chào mời thuê xe điện tham quan, chào mời thuê ca nô đi đảo Bé và chào mời thuê khách sạn. Cách chào mời rất nhiệt tình và thân thiện, không chèo kéo.
Bất cứ một điểm đến nào cũng vậy, cảnh đẹp luôn ẩn dấu trên cuộc hành trình, chứ không phải là sự tò mò khi dấu chân vừa in lên miền đất đó. Lý Sơn, cũng vậy, khởi đầu chạm gặp là kè xi măng chắn sóng khá cao ven con đường biển, là những con đường nhỏ chen cùng những hàng quán nhỏ, là bến cảng không có nhà chờ, chỉ có mấy hàng nước mà khi bạn lấy ghế ngồi nên kêu chai nước uống cho lịch sự. Và cách dạo quanh hòn đảo thuận lợi nhất chính là thuê chiếc xe máy hoặc thuê hẳn một chiếc xe điện, chở tới những điểm đến theo yêu cầu.
|
Lý Sơn nếu so với Côn Đảo thì hơi khập khiễng, vì Lý Sơn nhỏ và chỉ có vài chiếc ô tô tư nhân, chủ yếu xe 7 chỗ ngồi để phục vụ khách du lịch lên đỉnh núi Thới Lới, vài chiếc taxi. Lý Sơn có 27 chiếc xe điện, mỗi chiếc chở được 6 người có thể chở vòng các điểm du lịch trong một buổi chiều. Lý Sơn có cách trồng tỏi bằng cách trải lên trên lớp cát trắng là cát san hô để tránh bị hút nhiệt. Những ruộng tỏi cứ trải dài giữa đất trời ấy đã tạo nên một loại gia vị độc đáo.
Chạm vào Lý Sơn, sẽ là vỡ òa cảnh đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng. Con đường bậc cấp thăm chùa Hang, có cả một bãi cát rộng và một tảng đá trồi giống như ở Hang Rái (Ninh Thuận). Bãi biển đẹp đến độ không cưỡng nổi đôi chân chạm đến, không cưỡng nổi đôi mắt mình với cảnh sắc tuyệt đẹp của chỉ là biển, dẫu đã từng đến những vùng biển khác nhau.
|
Con đường dọc biển nhỏ, và như đã nói, nơi này gần như vắng bóng ô tô, nên chiếc xe điện chở chúng tôi thoải mái đi qua những con đường, ven đường là những cây bàng vuông đang vào mùa ra hoa kết trái, là những thửa ruộng vừa thu hoạch hành xong, cột từng bó phơi giữa đồng và cả những thửa ruộng trồng tỏi loa lóa màu cát trắng. Để khi lên đỉnh Thới Lới, nhìn xuống dưới, bắt gặp những ngôi nhà lô xô, cả miệng núi lửa của cả triệu năm trước còn lưu lại hoặc đôi khi chỉ là triền núi với những loại cỏ cây hoang dại, cũng có cảm giác đẹp.
Vì là nơi ngày xưa ngày xửa núi lửa phun nham thạch, nên biển Lý Sơn luôn có những triền đá, có những tảng đá ngầm và rồi rêu nhũ long thôi thì bám xanh lên cho thêm phần lãng mạn, thế là những dấu chân cứ tìm tới và để lại dấu chân mình.
|
Tôi lún bàn chân mình trên cát trắng ở Hang Câu. Không có hang gì đâu, mà là vách núi tạo nên kỳ vỹ với những đường vân lõm sâu vào, khiến người đứng cạnh trở nên nhỏ bé. Là xa xa sóng chen cùng đá, ngẫu nhiên nổi lên ở giữa biển một khối đá sần sùi, vậy là cùng nhau bước lên chiêm nghiệm. Để nhìn vói qua ô cửa xe vào buổi chiều dạo muộn, mặt trời lặn loa lóa trên biển, bãi biển là san hô trồi lên. Để rồi bước xuống con đường vẫn chỉ là con đường đất, sự hoang sơ đến lạ của một vòm đá giống như cái công, thành tên cổng Tò Vò. Ở đây đợi mặt trời chìm dần, đi cho khéo vì đá rất trơn, dang tay rộng giữa thiên nhiên như thể mà lưu lại một tấm hình.
Tôi đã đến Lý Sơn trong những ngày nắng đẹp, buổi tối đi trên con đường chỉ le lét ánh đèn. Tôi đã đến Lý Sơn và chạm tay mình vào biển ở đây. Tôi nhón chân chạm vào hòn đảo đầy huyền thoại có những ngôi mộ gió, có Khu tưởng niệm đội dân quân Hoàng Sa, cũng như dừng lại dưới ngọn cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh núi Thới Lới. Những dấu chân để lại và những dấu chân khác sẽ tiếp tục chạm gặp Lý Sơn.
|
Bình luận (0)