Phú Xuân xưa, nay thuộc xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, vốn là một xóm của làng Cự Phú. Khoảng năm 1820 tên của xóm được đổi thành Phú Xuân. Theo cuốn Dư địa chí Phú Yên, đình làng Phú Xuân xưa có đề câu: “Phú địa tráng kỳ quang thất khúc duy sơn cửu khúc thủy”. Trong “thất khúc duy sơn” này, núi Hòn Cao nằm giữa hai làng Phú Xuân và Phú Hội (nay đều thuộc xã Xuân Phước) còn Hòn Tà Lãnh nằm lọt hẳn về thôn Phú Xuân. Tuy Hòn Cao và Hòn Tà Lãnh nhỏ hơn so với nhiều hòn núi khác trên địa bàn, song năm xưa lại có miếu thờ thổ thần nên nó trở nên linh thiêng và có nhiều điều đặc biệt.
Cách chân Hòn Cao khoảng 1 km có một ngôi miếu. Dựa vào các nguồn tư liệu, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Tân viết: “Khi xưa, Hòn Cao um tùm cây cối và có một vị sư tên là Hứa Mật Sô tu hành ở đây, chỉ mặc vỏ cây, ăn rau trái mà đắc đạo. Đến thời vua Minh Mạng đã mời vị sư này về kinh, tu chỉnh kinh pháp ở chùa Thiên Mụ, sau đó đi thuyết pháp khắp nơi rồi về viên tịch chốn rừng sâu, không ai tìm thấy mộ. Đến thời cách mạng văn thân luôn luôn có một cây cờ đỏ của lãnh tụ Lê Thành Phương cắm ở đó và có câu: “Nước Cà Bương tẩy giáp/ Non Bạch Lãnh giương cờ”. Cho đến năm 1932, Pháp nổ mìn phá miếu và trấn yểm với mục đích làm cho mất sự linh thiêng nơi này. Ngôi miếu ấy đổ nát, chỉ còn lại bốn bức tường. Từ đó, có một người đàn ông trong làng tên là Kiểm Lang, cứ chiều tối là mang chiếu, nhang đèn đến thắp và ngủ ở miếu sáng mới về. Khi ông mất, miếu trở nên hoang vắng lạnh lùng hơn, dây leo phủ kín vách tường đổ nát. Thi thoảng có những người mang trái cây, bánh kẹo đến chân miếu cúng để cầu cơ”.
Bên dưới, cách Hòn Tà Lãnh ước chừng 1 km, một mô đất nhô lên giữa cánh đồng Găng, có một cây củ chi to, ở đó có đôi chim hạc cứ sáng đi tối về, người ta cho rằng nó giữ vàng hời ở đó. Lời đồn cứ thế chất chồng và trở thành kỳ bí. Một ngày kia bỗng có một toán người lạ đến đào tung khu đất ấy và đi trong đêm. Hôm sau, người làng đi làm đồng thấy chỉ toàn những tro và đất sỏi. Từ đó đôi chim hạc cũng biến mất.
|
Trên Hòn Tà Lãnh trước đây có Hòn Cóc. Đó là tảng đá đen lớn, hình con cóc ngậm ngọc. Những người già trong làng bảo rằng đó là thế núi linh, là vượng khí tốt nên muôn đời cần gìn giữ. Thế nhưng cũng có người bảo rằng cóc đá hướng miệng về phía làng, hàng năm ăn hết mùa màng thóc lúa nên người làng quanh năm phải tảo tần sớm tối mới đủ ăn. Năm rộng tháng dài, bao nhiêu tác động từ tự nhiên và cả con người, những năm 90 của thế kỷ trước, có nhiều toán thợ từ Bình Định vào, họ đến Tà Lãnh chẻ những tảng đá to ở đây, chẻ Hòn Cóc và cả những hòn đá có dấu chân người và chân động vật in hằn trên đó. Lũ trẻ chúng tôi một thời chăn bò leo trèo, chạy nhảy quanh các hòn đá lạ này.
Qua thời gian, người dân quê tôi khai hoang mở rộng đất sản xuất và dưới tác động của nhiều yếu tố, dấu tích xưa đã không còn. Có chăng, chỉ còn lại câu đối viết ở đình làng xưa lưu truyền lại: “Phú đắc địa chung linh, án tác độc sơn lưu ẩn ngọc/ Xuân hồi thiên khí noãn, mạch tùng cao lãnh dẫn lai long". Từ thập niên 1990 trở về trước, mạch nước Hòn Cao - Tà Lãnh đã tưới cho cánh đồng Găng, đồng Tre, hai cánh đồng có diện tích gần như lớn nhất huyện Đồng Xuân. Thế nhưng cứ đến tháng sáu hàng năm, do ảnh hưởng của nắng hạn thì nước cạn kiệt và từ khi có hồ chứa nước Phú Xuân thì đập Hòn Cao chỉ cung cấp nước cho cánh đồng Găng.
Giờ Hòn Cóc chỉ còn lại dấu tích là vạt đá nham nhở sót lại sau bao lần đục đẽo. Ngôi miếu thờ thần dưới chân Hòn Cao chỉ còn lại bức tường tróc lở lớp bụi thời gian. Từ cánh đồng Găng, ở xóm Đồng Đá, nhìn về hướng nam giờ chỉ còn lại Hòn Cao và Hòn Tà Lãnh mặc nhiên đứng đó, mặc nhiên trầm lặng làm chứng nhân cho bao nhiêu vật đổi sao dời. Những người có tuổi là chứng nhân của làng cũng lần lượt về với tiên tổ. Bao thăng trầm và những câu chuyện mang đậm nét văn hóa của làng giờ đã dần đi vào quên lãng.
Tháng sáu lại về, sau những con mưa giông đầu mùa, gió nồm nam đã thổi về lồng lộng. Nhìn về phía Hòn Cao, Hòn Tà Lãnh, thấy mây bay như khói, mây của bây giờ hay mây của ngày xưa?
|
Bình luận (0)