Đã lâu rồi tôi không trở lại Quy Nhơn mà tung cánh bay Phù Cát, mà rượt ga đêm Diêu Trì, mà rụng một bầu phong ba bến tàu Thị Nại. Quy Nhơn mờ xa trong trí tưởng, là bốn bề thơ Hàn trong bút lửa Zũ Kha, trong tiếng sóng vụng về đập xô eo gió Nhơn Lý, trong mắt trong thiếu nữ chân trần vu vơ: Bao giờ anh trở lại? Tôi đã đánh rơi tiếng thở dài nơi đâu? Cũng lâu lắm rồi không về Quy Nhơn mà đón nắng, đón gió, đón mùa con giông trắng bong, thơm, ngọt, khói nghi ngút nướng mèm mèm hơi bia mà ngất mà ngưởng mà say xa say xẩm lối về.
Tôi đã quên cách băm nhỏ thịt giông, ướp nước mắm gia vị, gói vào từng chiếc lá na như gói chả giò, đặt lên vỉ, gác trên lò than hồng, lật qua lật lại vài lần, mỡ giông chảy xèo xèo mùi thơm dai dẳng như một mối thâm cừu. Quy Nhơn ơi tôi đã bỏ quên tiếng thở dài nơi đâu? Những con đường xô vào gió, những con đường ngã vào đêm, mà giấu đi những ánh đèn vàng đến dịu dàng cung biển.
Từ ngã ba Phú Tài của quốc lộ 1A đến trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 10 km, nhìn lên đồi núi cao bên trái là tháp Hưng Thạnh hay Tháp Đôi là một trong mười tháp ở Bình Định. Từ trung tâm công viên thành phố có pho tượng Hoàng đế Quang Trung uy nghi lẫm liệt xây dựng năm 1976. Và chắc hẳn tôi chưa quên cứ nhắm hướng tây nam theo bờ biển độ 3 km có xóm biển Gành Ráng. Dọc theo con đường của xóm chài Gành Ráng là chợ nhỏ với quán xá xinh xắn, trong đó có chiếc cầu nhỏ bắt ngang thủy tạ Mai Đình.
Viếng thăm Hàn Mặc Tử qua chiếc cầu nhỏ bắc qua suối Tiên để rẽ trái lên đồi Thi Nhân. Con đường dốc đá, cỏ gai và khúc khuỷu ấy gọi là dốc Mộng Cầm. Chỉ bấy nhiêu những thân thuộc ấy nhưng nhiều khi đi ngang qua hoặc có chăng chỉ dừng chân ghé lại xém mưa xém nắng mà tôi ngỡ như tình đã lên đèn.
Nhiều lúc vội vã ngang qua, nhiều khi mảy may vô tâm chợt quên chợt nhớ tôi lại thấy mình như mắc nợ với bạn bè, mắc nợ với xóm chài, mắc nợ với những cô gái cá tôm ngỏn nghẻn phố chiều. Khi ấy biết làm sao, ngoài một tiếng thở dài.
Một ngày trót yêu thơ, một đời lỡ ăn nằm với thơ. Mỗi lần về ngang Quy Nhơn đã thấy hồn phách so đàn, trong tâm tưởng ngỡ thi nhân còn đó mà che chắn những đoạn hồn trỗi đến thi ca. Thú thật đó là cảm giác bằng an nhất mỗi lần tôi chạm vía Quy Nhơn.
Hàn Mặc Tử, kẻ đã gánh trên đôi vai gầy guộc cây thập tự đời mà cất lên lòng yêu trong trẻo. Hình ảnh đó nhiều khi ám ảnh tôi bão tố, một câu thơ suông, một đoạn nhạc mộc và một khúc độc hành đường lên dốc đá. Tôi nợ thi nhân một tiếng thở dài.
Mô tả nơi yên nghỉ của Hàn Mặc Tử, Quách Tấn viết: Đó là một khoảng đất bằng phẳng và sạch sẽ như một cái sân, nằm ngay trên đầu gò cao, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển khơi. Lại có con đường nhỏ lên xuống (nay là dốc Mộng Cầm) ẩn dưới đám cây cối. Thật là một nơi đắc địa - phong cảnh thật thích hợp với hồn thơ.
Ở Quy Nhơn tôi có nhiều bạn bè, mỗi lần băng qua Mũi Yến vào đêm nhìn xuyên trong thành phố xao xác ánh đèn lòng lại bâng khuâng kỳ vọng. Mỗi khi như vậy tôi lại để hồn lướt đi theo bụi biển tanh nồng, cưỡi sóng đè gió mà lưu lạc xúc cảm. Tôi gọi đó là những ẩn ức tha phương.
Và khi đó tôi thèm khát một tiếng thở dài xoải bước chân trần trên bờ cát. Quy Nhơn không phải là một nơi ồn ào, cũng không phải là một nơi thơm tho phố thị. Trái lại với tôi Quy Nhơn còn có chút quê mùa mà mỗi đêm dậy mùi cá mắm. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng ở Quy Nhơn, chỉ thấy thiếu, chỉ thấy vắng, chỉ thấy nhớ vì tôi đến và đi Quy Nhơn lần nào cũng vậy vội vã như những dòng hải lưu trái chiều. Bao năm rồi mà tiếng còi tàu như luôn giục giã thảng thốt trong hồn. Tôi nợ Quy Nhơn một tiếng thở dài…
|
Bình luận (0)