Tiễn đưa anh đi em hát bài quan họ

08/01/2019 06:32 GMT+7

Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, tác giả của những ca khúc đi cùng năm tháng: Làng quan họ quê tôi, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... và những tập thơ nổi tiếng Đồng dao cho người lớn, Nương Thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao đã qua đời.

Người nhạc sĩ của làng quê

 
Chia sẻ với PV Thanh Niên, NSND Thanh Hoa có chút thảng thốt khi nghe tin về nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Bởi cũng chỉ mới đây thôi, bà đã rất mừng khi hay tin nhạc sĩ đang hồi phục. Với bà, sự tình cờ đưa đẩy cho bà được thể hiện ca khúc Làng quan họ quê tôi của Nguyễn Trọng Tạo là một may mắn trong sự nghiệp của mình.
Một ngày mùa thu năm 1978, Nguyễn Trọng Tạo vô tình gặp nhà thơ Nguyễn Phan Hách tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Vừa nghe được ca khúc mới Nụ cười VN của Nguyễn Trọng Tạo, nên nhà thơ Nguyễn Phan Hách nảy ra ý định nhờ nhạc sĩ phổ nhạc cho bài thơ của mình. Dù sinh ra và lớn lên tại một làng quê ở Nghệ An, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo lại mê quan họ từ những lần đoàn văn công đến hát cho bộ đội và dân làng mình nghe. Thế nên khi đọc những vần thơ của Nguyễn Phan Hách, Nguyễn Trọng Tạo như thấy những câu hát vang lên trong đầu mình - cảm xúc mà sau này chính ông từng kể lại. Ông ngồi xuống viết và quên luôn cả... ăn cơm. Bài hát Làng quan họ quê tôi được hoàn thành vào một chiều tháng 9.1978.
Người hát ca khúc đầu tiên là Kim Phúc, cô sinh viên 18 tuổi học năm thứ nhất của Trường Âm nhạc VN, hát trong đêm giao lưu của các nhà thơ quân đội với trường. Còn người thu thanh đầu tiên và cũng gắn liền tên tuổi với ca khúc là NSND Thanh Hoa. Năm nay đã gần 70 tuổi, Thanh Hoa vẫn nhớ như in Làng quan họ quê tôi đến với bà như thế nào. “Một ca sĩ khác đã được chỉ định hát ca khúc này. Nhưng đến ngày thu âm, vì một vài lý do mà người ca sĩ ấy đã không thể có mặt. Tôi lại thành người thế vai”, NSND Thanh Hoa kể lại.
Ca khúc Làng quan họ quê tôi với giọng hát Thanh Hoa vang lên lần đầu tiên trên sóng Đài tiếng nói VN vào tháng 6.1979 và sau đó đã trở thành nhạc hiệu của Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Bắc trong suốt nhiều năm. Ca khúc đã được Dàn nhạc giao hưởng Leipzig trình diễn trong tuần văn hóa VN tại Đức, được Hãng JVC đưa vào chương trình karaoke 100 ca khúc VN chọn lọc của Nhật. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo từng tiết lộ, năm 1984, câu hát “Làng quan họ quê tôi, những năm bom Mỹ thả” từng được Nhà xuất bản Âm nhạc khi thu đĩa yêu cầu sửa lại thành “Làng quan họ quê tôi, tiếng ca xanh ước hẹn”, nhưng sau này nhiều ca sĩ vẫn chọn lời bản gốc để hát.
Sau ca khúc Làng quan họ quê tôi, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tập trung vào sáng tác thơ hơn là viết nhạc. Ông bảo, thơ mới là cái nghiệp mà ông đeo đuổi, nhưng nhiều ca khúc ông sáng tác sau này vẫn là những dấu ấn của âm nhạc VN và giành được nhiều giải thưởng như Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang... Nói về việc viết nhiều ca khúc về làng quê, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo tự nhận dù sống nhiều năm ở thành phố nhưng ông luôn ám ảnh về đề tài làng quê.
“Âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo ngập tràn âm hưởng dân gian, giai điệu dễ nhớ, ca từ giàu chất thơ, giàu hình tượng văn học. Những ca khúc cho thấy tư duy, thế giới quan của nhạc sĩ đều hướng về dân tộc”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhìn nhận.

Một lênh đênh một dại khờ một tôi

Nguyễn Trọng Tạo qua đời lúc 19 giờ 50 ngày 7.1.2019 tại Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Ung bướu Bạch Mai (Hà Nội) sau hơn một tháng điều trị bệnh ung thư phổi. Ông sinh năm 1947, quê ở Diễn Châu, Nghệ An, tham gia quân đội năm 1969, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1, đã in 15 tập thơ, trường ca và 10 tập văn xuôi và nhạc, được trao 6 giải thưởng văn học; có thơ dịch sang các tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan.
Trong nhiều bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo, cái chất đồng dao đã đẩy thơ ông đến gần hơn với âm nhạc và làm bừng dậy một chất nhạc mới trong thơ. Cái nhịp điệu đồng dao tuy có lúc đã bắt nhà thơ phải gieo chữ, nhả vần một cách có khuôn khổ, gò bó nhưng âm điệu phóng túng của đồng dao lại cuốn ông ào ạt đi qua những ngữ cảnh thơ khá sinh động và giàu chất nhạc.
Nguyễn Trọng Tạo không phải là một người ham phá cách trong thơ nhưng ông luôn có ý thức làm mới thơ ngay cả trong những khúc thức cổ điển của các thể thơ năm chữ, bảy chữ và lục bát. Có thể thấy rất rõ điều đó trong bài thơ Chia của ông:
Chia cho em một đời tôi
một cay đắng một niềm vui
một buồn

tôi còn cái xác không hồn
cái chai không rượu tôi còn
vỏ chai

chia cho em một đời say
một cây si với một cây bồ đề
tôi còn đâu nữa đam mê
trời chang chang nắng tôi về
héo khô

chia cho em một đời thơ
một lênh đênh một dại khờ
một tôi

chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi
mưa dầm…
Ẩn giấu sau những câu thơ tài hoa nói trên là cả một sự ngạo nghễ đầy thi vị! Nhà thơ đã cố cãi rằng, ngay cả khi mình chỉ còn là một cái xác không hồn (vì đã quá yêu em?) thì ông cũng rất còn “hay ho” giống như một cái chai đã hết rượu (vẫn còn vỏ chai) đang chờ đợi được rót đầy bởi một thứ rượu lãng mạn say đắm khác của tình yêu muôn thuở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.