Tiếng chim cú - Truyện ngắn của Phạm Vũ Anh Thư

14/01/2018 09:00 GMT+7

Niên vớt được trái bưởi khi đang giặt đồ ở ven sông. Có lẽ từ một ghe bán trái cây nào đó làm rơi hay một đứa trẻ được mẹ cho cầm chơi để rảnh tay làm việc nhà lỡ tuột tay nên trôi dạt về đây hoặc vì chai sượng nên bị vứt đi.

Niên nhớ hồi xưa có lần nhặt được quả dưa hấu trôi trên sông vào dịp cận tết. Hồi đó, một cái ghe buôn dưa hấu bị sà lan tông trúng, chìm xuống lòng sông, bao nhiêu dưa trên ghe trôi lềnh bềnh đầy mặt nước, bà con hai bên bờ đua nhau bơi ra vớt để trả lại cho chủ ghe. Thế nhưng, vợ chồng chủ ghe lại bảo mọi người cứ giữ lấy mà ăn, họ chỉ mong được giúp đỡ trục vớt ghe lên để mà về quê kịp ăn tết.
Cha tập bơi cho Niên lâu rồi, nhưng Niên nhát cáy nên chưa bao giờ dám một mình xuống đạp nước, vậy mà hôm đó vì ham vui, vì tiếng í ới của bọn trẻ trong xóm nên Niên nhảy ùm xuống sông và bơi rất hăng. Niên vớt được một trái dưa lớn bằng cả một vòng ôm của đứa bé lên mười khi ấy, hì hục mang dưa về nhà. Năm ấy, quả dưa hấu chễm chệ trên bàn thờ nhà Niên đến tận mùng 7 tết hạ nêu mới mang xuống ăn. Mùi và vị của nó cho đến tận bây giờ Niên vẫn còn nhớ. Có lẽ đó là quả dưa hấu đỏ nhất, ngon nhất mà Niên từng nếm qua. Cha nhìn Niên cạp cả cái cùi trắng hếu gần vỏ, bảo: “Vậy đó, trên đời có gì ngon bằng ăn vụng và ăn nhặt”.
Cũng từ ấy đến nay Niên chưa một lần ăn lại món dưa hấu. Vì cái nghèo, và vì mải miết bôn ba kiếm sống đến độ không có lấy một cái tết đoàn viên. Mà thật ra, Niên cũng còn ai đâu để mà mong mỏi đoàn viên. Một chút tình thân ruột thịt cũng không còn. Cha mất năm Niên 11 tuổi. Mẹ nghe lời người ta dụ dỗ, bảo là đi làm thuê nhưng nghe nói đã bị đưa qua biên giới bán cho một ông già người Trung Quốc lấy làm vợ, biệt tích luôn kể từ đó. Niên sống nhờ vào tình thương của bà con lối xóm nhưng chỉ lay lắt vì họ cũng nghèo khó, thiếu thốn. Năm mười bốn tuổi Niên rời quê, đi làm thuê làm mướn kiếm sống cho đến khi gặp Nam.
*
Nam theo xe đi giao hàng, khuân vác cho cơ sở bán hàng Tàu nơi Niên làm giúp việc. Nam thương Niên vì sự hiền lành, thật thà dù mẹ Nam phản đối gay gắt. Bà cho rằng Niên không xứng đáng, là đỉa mà đòi đeo chân hạc. Bà bảo nhà mình không thể cưới một đứa con gái đã không cha không mẹ lại còn dốt nát như Niên. Nam buồn rầu bảo với mẹ rằng, mình cũng có học hành được bao nhiêu đâu, nhưng bà vẫn gằn giọng:
- Dù gì thì con cũng học xong lớp 9, còn nó chưa hết lớp 5. Đến cái bằng tốt nghiệp tiểu học còn không có thì nói chuyện với ai!
Nhờ ba Nam thuyết phục, thậm chí là “làm căng”, rốt cuộc thì bà cũng đồng ý cho cưới. Thế nhưng hôm đón dâu, bà lại vùng vằng bảo Niên vào bằng cửa sau với lý do là Niên khắc tuổi với ông nội của Nam, người đang ngồi... trên bàn thờ. Ba Nam giận lắm nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh, nắm tay bà lôi vào trong bếp nhỏ to:
- Bà ơi, con gái bà đi lấy chồng thì bà có muốn nó bị đối xử như vậy không!?
Bà mợ Nam cũng chêm vào:
- Đời người con gái chỉ có một ngày vui lớn, rồi còn mọi người ai cũng dòm ngó vô. Bắt người ta vào cửa sau tội lắm.
Trước tình thế cấp bách, Nam phải quỳ xuống cầu xin thì bà mới đồng ý cho Niên vào bằng cửa chính. Đến lúc lạy bàn thờ tổ tiên, bà còn đứng ngay sau lưng thì thầm vào gáy Niên rằng đừng có giơ tay cao khỏi cánh tay Nam khi bưng khay trầu cau, kẻo “sau này lại nắm quyền con trai tao”.
Đến lúc đôi vợ chồng mới đi vào phòng cưới để thay đồ, bà cũng đi kè kè một bên, bảo Niên không được bước vào trước Nam mà phải để Nam vào trước. Bà không mê tín, nhưng vì không ưa Niên nên bà cố gắng tìm đủ mọi lý do để đe nẹt, bắt bẻ. Trước thái độ ghét ra mặt của bà, Niên chỉ cúi đầu và nhỏ nhẹ vâng dạ. Điều đó càng làm bà ghét bởi bà nghĩ đó là sự giả bộ ngoan hiền, là “cáo già giả dạng nai tơ thôi!” - bà nói vậy với người em gái của bà, là dì út của Nam.
*
Niên có thai, hay thèm ăn vặt. Bà nguýt dài khi thấy Niên gặm mía hay nhón tay lấy một quả cam. Bà dẫn câu tục ngữ: “Trời sinh mỗi vật đều ngon, từ từ cái miệng cho chồng con nó nhờ”. Thế là Niên thôi không dám mua sắm gì nữa, nhà có sẵn gì ăn nấy. Nam về, biết ý nên hay mua mỗi thứ một ít để đó. Những lúc ấy Niên mừng lắm vì đàn bà có bầu hay thèm ăn, nhiều khi thèm đến mức bất chấp nữa chứ làm sao mà nhịn được. Mẹ Nam thấy con trai vác về lỉnh kỉnh đủ thứ đồ ăn thì lại càng bực dọc. Bà cứ đi ra đi vô lầm bầm, bảo mua chi cho tốn kém ra. Rồi khi Nam đi, bà lại túm hết cho vào túi, cọc cạch đạp xe ra huyện cho hai đứa con gái. Lần nào ba Nam cũng can ngăn, nhưng bà đâu có thèm nghe những lời ông nói. Bà bảo: “Không mang cho con gái, chẳng lẽ để người ngoài ăn hết à!”.
Những lời nói ấy Niên nghe quen rồi, vì Niên từng đi ở cho nhiều nhà chủ, cũng những bữa cơm chan nước mắt vì họ luôn dành cái ngon cái tốt cho con họ, rồi đến lượt Niên ngồi vào ăn thì đã chẳng còn gì nữa rồi. Có khi chỉ húp được chút nước canh hay vài miếng thịt miếng cá nhỏ xíu rơi rớt lại. Niên buồn tủi cho mình, nhưng không giận họ. Vậy mà, khi nghe câu nói ấy từ mẹ chồng, Niên bỗng thấy giận. Hóa ra, tiếng gọi mẹ thiêng liêng mà Niên dành cho bà, tình cảm chân thành mà Niên trao gửi khi về làm dâu... chỉ là con số không tàn nhẫn. Bà chỉ coi Niên là người dưng không hơn không kém. Thậm chí đứa con mà Niên đang mang, cũng không được coi là ruột thịt sao?
*
Niên thèm bưởi, thèm đến mức nhộn nhạo cả người. Nhiều người vẫn bảo phụ nữ có thai ngộ lắm, bình thường có thèm mà không ăn thì cũng qua cơn thèm, nhưng đến lúc có thai mà thèm ăn món gì là cứ phải nhớ đến nó hoài, cứ như có con gì đó bò ngang bò dọc trong cơ thể, làm cho bứt rứt không yên.
Niên cầm trái bưởi vừa trôi về phía mình, vừa nghĩ không biết nó đã bị ngâm dưới nước bao lâu rồi, có còn ăn được không hay bị hư hỏng nên người ta mới vứt đi. Niên xoay khắp một vòng nhưng không thấy chỗ nào bị hư hỏng hay có dấu chai sượng. Cô nuốt ực một cái rồi cho quả bưởi lên trên giỏ đồ, lên bờ rẽ vào nhà.
Niên vừa gọt trái bưởi vừa nuốt nước bọt ừng ực. Mà quả thật trái bưởi rất ngon, là bưởi da xanh ruột đỏ. Những tép bưởi căng mọng nước, mùi thơm từ vỏ lan tỏa khiến cô thấy sảng khoái và yêu đời hẳn. Cô nhón một nhúm tép bưởi vụn rơi ra sau những lát cắt, nếm vị ngọt thanh của nó mà thích vô cùng. Biết là bưởi ngon nên cô cẩn thận tách sẵn thành từng múi nguyên vẹn để đem mời ba mẹ chồng.
Ông bà đang phơi đậu ngoài sân. Niên ra đỡ lấy cái trang trên tay mẹ chồng, mời ông bà vào ngồi nghỉ, ăn bưởi cho mát. Tay bà đưa cái trang cho Niên nhưng mắt không thèm ngó cô lấy một cái, chỉ nói trổng:
- Sang quá, dám mua cả bưởi này ăn nữa chứ. Con Hiền nó nói hồi có chửa nó thèm ăn loại bưởi này mà không dám mua vì mắc tiền. Mấy người xài sang kiểu này thằng con tôi làm lụng suốt kiếp cũng không thoát đời cơ cực!
Niên biết là bà đã hiểu nhầm, tưởng cô mua nên mới mắng... Vì vậy Niên vui vẻ giải thích rằng mình chỉ nhặt được ngoài sông thôi. Ba Nam cầm một múi cho vào miệng, gật đầu cười, khen quả thật là bưởi rất ngon. Ông cầm một miếng đưa cho bà, nhưng bà lừ mắt nhìn Niên, rồi ném thẳng múi bưởi vào lưng cô trong khi cô đang khom người trải đậu.
Trong khi ông còn chưa kịp phản ứng gì thì bà đã hất cả đĩa bưởi xuống nền xi măng. Niên bật khóc chạy vội ra nhà sau còn bà thì hầm hầm đi thẳng ra ngõ. Chiều đó trong bữa cơm không ai nói với ai câu nào, chỉ có tiếng đũa va vào chén lách cách và âm thanh của chiều buồn hiu hắt trong xóm nhỏ vang về. Mỗi người mang một tâm trạng, suy nghĩ khác nhau. Hình như đâu đó có tiếng chim cú gọi. Ông mở lời:
- Chim cú kêu là điềm báo xung quanh đây sẽ có người chết. Nhiều khi là tui hay bà cũng không chừng. Còn sống ngày nào thì hãy cố gắng mang lại niềm vui cho người chung quanh bà à, đừng làm cho không khí gia đình nặng nề nữa.
Bà dằn mạnh đôi đũa tre xuống mâm, lừ mắt hỏi: Vậy ông muốn tôi phải như thế nào?! Ông từ tốn bảo:
- Thì tui vừa nói rồi còn gì. Tui mong bà thương, tôn trọng con Niên, đừng làm như vậy nữa.
Bà gằn từng tiếng: Tôn trọng gì?! Gia đình, gốc gác không có. Chỉ như thứ đồ lót bỏ đi mà biểu người ta coi như cái áo ăn tiệc sao được!
Lần này thì Niên không còn có thể chịu đựng nữa, cô ngỡ ngàng nhìn bà trong mấy giây rồi vụt đứng dậy, chạy vào buồng thu dọn quần áo chuẩn bị rời đi. Ông định vào theo Niên nhưng nhớ ra đó là buồng riêng của vợ chồng con nên đứng ngay cửa buồng nói mấy câu, may sao Nam về vừa đúng lúc ấy. Đêm đó một bầu không khí u buồn bao trùm căn nhà nhỏ. Tiếng chim cú vẫn réo rắt xa xa, xóm nhỏ bắt đầu thưa dần ánh sáng đèn điện. Niên nép vào lòng Nam, rưng rức khóc...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.