Tham dự buổi lễ giới thiệu tác phẩm mới Trần Hữu Nghiệp – đời là kẻ sĩ (tác giả: nhà văn Đỗ Viết Nghiệm) có con gái út của cố bác sĩ Trần Hữu Nghiệp - chị Trần Kiều Lan; PGS -TS - nhà văn Nguyễn Tấn Phát; Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Đức, lãnh đạo Hội Nhà văn TPHCM có nhà văn Bích Ngân, Trầm Hương và các nhà văn đồng nghiệp Nguyễn Thị Ngọc Hải, Kim Quyên, Nguyễn Trường …
|
|
Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM đã chia sẻ niềm vui, sự xúc động với đứa con tinh thần của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, dù thời gian chuẩn bị không dài nhưng đã kịp đã cho ra đời một cuốn sách rất ý nghĩa về một con người đặc biệt và có nhiều công lao xuất sắc đối với ngành y. Nhà văn Bích Ngân bày tỏ: “Ông không chỉ là một giáo sư bác sĩ nổi tiếng mà còn là một nhà văn lớn, từng viết nhiều truyện ký và nhiều bài báo mà nội dung đến nay vẫn còn mang tính thời sự…”.
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu thì nhắc lại nhiều kỷ niệm của thi sĩ Nguyễn Bính với bác sĩ Trần Hữu Nghiệp và khẳng định tầm vóc của cuốn sách quý: “Tác giả đã truyền tải đến người đọc cả phông nền văn hóa - lịch sử của cả hai thế kỷ. Thời đó, vùng Tân Thủy - Ba Tri - Bến Tre còn là mảnh đất nghèo khó, cằn cỗi, nằm tiếp giáp với biển Đông, mảnh đất heo hút đó chính là quê hương nguồn cội, nơi bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cất tiếng chào đời. Phải chăng chính cái phông nền văn hóa của miền sông nước Tây Nam bộ - như nhà văn Sơn Nam đã trang trọng gọi là nền “văn minh miệt vườn”, được tạo dựng nên bằng máu, mồ hôi, nước mắt của lớp lớp người đi khai hoang mở đất - đã sinh ra một nhà trí thức tài hoa Trần Hữu Nghiệp. Cuộc đời ông đã hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì hòa bình thống nhất đất nước, cùng với công việc chữa bệnh cứu người, xác lập nên những giá trị nhân văn cao cả, đào tạo nhiều thế hệ bác sĩ giỏi, những anh hùng, những nhà lãnh đạo tài ba cho ngành y tế nước nhà”.
|
Cũng theo con gái thi sĩ Nguyễn Bính: “Người đọc như được chứng kiến qua từng thời khắc lịch sử trọng đại, sự chuyển mình lớn lao của cả dân tộc làm nên cuộc trường chinh vĩ đại. Lịch sử của chính bản thân nhân vật, thoát thai từ một gia đình nông dân trở thành một nhân vật lớn, một đại trí thức, được đào tạo ở mãi tận nước Pháp, nơi được mệnh danh là xứ sở của nền văn minh nhân loại. Một cuộc lột xác ngoạn mục nhưng cũng lắm nhọc nhằn, cùng với niềm tự hào của quê hương dòng tộc đối với chàng thanh niên Trần Hữu Nghiệp khi Việt Nam chỉ là một nước thuộc địa, chưa có tên gọi trên trường quốc tế. Cuộc lột xác ngoạn mục ấy, đã không làm thay đổi hồn cốt của người con trai đất Ba Tri - Bến Tre, để cách mạng và nhân dân ta có được một bậc nhân sĩ tài hoa yêu nước Trần Hữu Nghiệp bước ra từ ruộng đồng nương rẫy miền sông nước Cửu Long, nhập cuộc với đồng bào cả nước; và người trí thức tài hoa ấy đã đi mút mùa với cách mạng, với cuộc trường chinh kéo dài 30 năm trong công cuộc gìn giữ Tổ quốc. Và tình yêu thương con người nơi ông vẫn được tiếp tục truyền lửa cho đến mãi về sau, khi ông đã không còn nơi cõi tạm, trở về bên kia thế giới người hiền".
|
|
Cùng có mặt để chia vui với niềm hạnh phúc của gia đình bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, các nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, Kim Quyên, Nguyễn Trường cũng phát biểu, đánh giá cao truyện ký Trần Hữu Nghiệp – đời là kẻ sĩ, một cuốn sách về người thật việc thật được viết khéo, chắc tay.
Từng viết nhiều tác phẩm truyện ký nhân vật, đồng thời cũng chính là người đã từng làm phim về bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM Trầm Hương có lời chúc mừng nhà văn Đỗ Viết Nghiệm vì may mắn thu thập được một khối lượng tư liệu đồ sộ của nhân vật để hoàn thành cuốn sách Trần Hữu Nghiệp – đời là kẻ sĩ đầy hấp dẫn qua từng trang truyện ký.
Bình luận (0)