Tranh cãi 'nảy lửa' về tác quyền 'Thần đồng đất Việt'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/01/2019 06:20 GMT+7

Sáng 25.1, tại TP.HCM, TAND Q.1 tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ kiện về quyền tác giả của bộ truyện tranh nổi tiếng được nhiều người yêu thích Thần đồng đất Việt , để tìm câu trả lời ai là tác giả của bộ sách.

Bị ảnh hưởng từ… 7 Viên ngọc rồng

Dưới sự chủ tọa của thẩm phán Nguyễn Quang Huynh, Hội đồng xét xử dành trọn gần 2 tiếng cho những câu hỏi và trả lời từ phía nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) cùng bị đơn là Công ty truyền thông giáo dục - giải trí Phan Thị và giám đốc là bà Phan Thị Mỹ Hạnh, do GS-TS luật Nguyễn Vân Nam làm đại diện.
Theo ông Nam: “Bà Mỹ Hạnh đã sáng tạo các nhân vật trong Thần đồng đất Việt (TĐĐV) trên cơ sở cấu trúc nhân vật theo trường phái Nhật, với những đường nét mang đậm tính dân gian thể hiện được tính cách tinh nghịch, thân thiện. Có thể nói, tính sáng tạo, sự độc đáo về đường nét trong hình vẽ 4 nhân vật mang dấu ấn đặc trưng của cá nhân bà Hạnh. Hình ảnh nhân vật “Sửu ẹo”, “trạng Tí”, “cả Mẹo” và “Dần béo” định hình rõ ràng trong trí óc của bà Mỹ Hạnh. Trước khi bắt đầu một tập truyện mới, bà Hạnh kể cho ông Linh nghe chi tiết về điển tích dân gian sẽ sử dụng, cùng ông Linh xây dựng sườn nội dung chính cho câu chuyện. Sau đó, ông Linh có nhiệm vụ bổ sung các số liệu lịch sử và các câu thoại cho phù hợp với hoàn cảnh câu chuyện”.
Tuy nhiên, đại diện nguyên đơn là luật sư Phạm Đại Lợi thì khẳng định: “Trong vụ án này, ông Linh mới chính là người đã trực tiếp sáng tạo ra hình tượng 4 nhân vật từ khi phác thảo cho đến khi hoàn thiện để đi đăng ký bản quyền tác giả. Đây là các bản gốc để từ đó làm các biến thể khác trong các tập truyện. Chứng cứ là các bản phác thảo gốc, trên trang bìa của các tập truyện TĐĐV từ tập 1 đến tập 78 đều ghi nhận Lê Linh là tác giả. Đặc biệt, trong tập 37, Lê Linh còn được giới thiệu với độc giả là tác giả của truyện tranh TĐĐV”.
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Quang Huynh đưa ra tập số 24 của TĐĐV có nêu 6 quy trình thực hiện bộ truyện và đề nghị ông Linh trình bày thêm. Ông Linh kể: “Sau khi hoàn thành xong phần truyện và tranh, tôi mới đưa cho bà Mỹ Hạnh xem, rồi mọi người cùng góp ý, khi thấy điểm quá hợp lý tôi mới… sửa. Nói chung ai cũng tôn trọng quyền tác giả của tôi và việc ghi tên tôi là tác giả lên bìa sách cũng là sự đồng thuận của tập thể. Còn bà Hạnh, lúc đưa văn bản biểu tôi ký gửi Cục Bản quyền tác giả để xin cấp giấy chứng nhận thì tôi ký theo ý bà Hạnh là đồng sở hữu chứ không có nội dung nào là đồng tác giả ghi trên đó. Là người sáng tác lời và vẽ bộ tranh, tôi rất coi trọng quyền tác giả của mình nên mỗi khi cuốn sách nào đi in tôi đều xem có tên tác giả Lê Linh chưa. Nếu cho rằng bà Hạnh là đồng tác giả thì tại sao 78 tập đã xuất bản chỉ có ghi tên một mình tôi mà không ghi tên bà”.
Để chứng minh bà Mỹ Hạnh là tác giả bộ truyện tranh TĐĐV, ông Nguyễn Vân Nam trưng ra tập tài liệu về nguồn gốc xây dựng nhân vật trạng Tí mà theo luật sư, được cách điệu từ nhân vật chính (lúc nhỏ) của bộ truyện 7 viên ngọc rồng (Dragon Ball) tên Songoku kết hợp với tóc và trang phục đặc trưng trong sách về trang phục VN của Đoàn Thị Tình. Còn nhân vật Sửu được cách điệu từ nhân vật nữ của Dragon Ball cũng được kết hợp với tài liệu tóc và trang phục VN qua tài liệu đã dẫn. “Bà Mỹ Hạnh chính là người cầm tay cho ông Linh vẽ”, luật sư Nam nói. Tuy nhiên, họa sĩ Lê Linh cho rằng ông là họa sĩ thì làm gì có chuyện kỳ lạ này khi người không biết vẽ lại cầm tay cho ông; và những hình ảnh ông thể hiện bị ảnh hưởng bởi ai, tác phẩm nào thì chỉ mình ông mới là người nắm giữ mọi bí mật.
Tranh cãi 'nảy lửa' về tác quyền 'Thần đồng đất Việt'1
Luật sư đại diện bị đơn phản bác các luận cứ của bên nguyên đơn

TĐĐV hiện nay là tác phẩm phái sinh ?

Trong nội dung đơn khởi kiện của ông Lê Linh có một phần yêu cầu tòa buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tự tạo và sử dụng những biến thể khác nhau và các hình tượng do ông sáng tạo từ các tập TĐĐV tiếp theo cũng như trên các ấn bản khác như TĐĐV khoa học, TĐĐV mỹ thuật… nên việc tranh luận cũng xảy ra căng thẳng ở nội dung này. Trình bày trước tòa, họa sĩ Lê Linh bức xúc: “Từ tập 79 TĐĐV trở về sau, 4 nhân vật của tôi bị làm biến dạng không giống như hình vẽ đã đăng ký, xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm khiến tôi rất đau lòng. Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm danh dự nghiêm trọng...” và khẳng định: “Dù xấu hay đẹp thì sự biến thể làm biến dạng nhân vật nếu không có sự đồng ý của tác giả thì cũng không được phép”.
Luật sư Nam cho rằng: “Quyền làm tác phẩm phái sinh là của Phan Thị. Nếu cấm công ty tạo ra và sử dụng các biến thể khác nhau của hình tượng 4 nhân vật do ông Linh sáng tác, chính là cấm chúng tôi sử dụng quyền làm tác phẩm phái sinh của mình. Đây không chỉ là một yêu cầu bất hợp pháp, do ông Linh không sở hữu quyền làm tác phẩm phái sinh mà còn là hành động can thiệp bất hợp pháp vào quyền tự do hoạt động kinh doanh, cố ý gây rối hoạt động của Công ty Phan Thị”.
Tuy nhiên lập luận này đã bị luật sư nguyên đơn phản bác: “Về nguyên tắc, quyền làm tác phẩm phái sinh là quyền của chủ sở hữu. Tuy nhiên, khi làm tác phẩm phái sinh, chủ sở hữu cũng phải tôn trọng những quyền khác như quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân, quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm... Phan Thị là chủ sở hữu 4 nhân vật thì công ty có quyền làm tác phẩm phái sinh nhưng phải tôn trọng quyền nhân thân của nguyên đơn, và việc vẽ lại các nhân vật với biến thể khác là sửa chữa tác phẩm gốc thì phải được sự đồng ý của ông Lê Linh”.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào ngày 1.2 tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.