Trương Công Tưởng: “Nếu không có thơ, tôi đầy những bức bí...”

18/07/2021 11:00 GMT+7

Nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng vừa ra mắt tập thơ Đợi những vắng xa , cũng đã gần hai năm chàng trai 9X này mới quay trở lại thi đàn, sau khi tập thơ đầu tay Ngồi gỡ tơ trời đoạt giải thưởng thơ năm 2019 của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam trao tặng.

Trương Công Tưởng là thế hệ thơ trẻ của đất võ Bình Định khá kín tiếng nhưng lại bền bỉ với văn chương. Ngay từ những ngày đầu chạm ngõ với thơ, trong đầu chàng trai trẻ này đã quyết phải đi thật sâu, dẫu những bước đi ấy chậm nhưng rất kỹ và chắc. Thoảng khi độc giả thấy Tưởng xuất hiện trên các mặt báo rồi lại mất hút đâu đó năm ba tháng, chừng như quên bẵng đi thì lại đọc được những bài thơ mới của Tưởng. Cứ vậy mà Tưởng xuất hiện, đem đến cho thi đàn một giọng thơ man mác buồn, dịu vợi tiếng lòng của người trẻ trước xáo động thời cuộc. Chàng trai ấy cứ nhẩn nha với thơ, nhưng chẳng thể bỏ thơ. Chính Tưởng cũng đã từng chia sẻ: “Thơ như hơi thở như lẽ sống trong lòng tôi. Nếu không có thơ, có lẽ cuộc sống tôi đầy những bức bí”.
Tưởng xuất thân từ lũng vắng xa xăm nào đó của Hoài Ân, điều này dễ nhận thấy trong sáng tác của anh. Một miền trung du đẹp đến nao lòng: “Mảnh sân nhỏ có vài bông hoa tím/ Sau vườn trồng những luống rau/ Chưa bao giờ thiếu vắng tiếng chim/ Dẫu tôi không bao giờ nhốt chúng vào chiếc lồng tù ngục” (Nhà của tôi).
Hay đoạn mở của bài thơ đầu tiên trong tập thơ:
Ngôi nhà được lợp bằng lá rừng thưa
Mỗi mùa ngô bầy két đỏ xanh kéo về đậu trên ô cửa
Tôi đã khóc cho tháng ba đỏ lửa
Thảo nguyên tiễn người bằng một cơn mưa
(Phía cuối thảo nguyên)
Chàng trai trẻ dựng nên một thung sâu đẹp nhưng buồn. Buồn như chính phận đời của nhiều người nơi đó. Một miền thơ đậm nét như niềm tự hào của người con lũng vắng này. Dẫu trải qua biến thiên dâu bể, người trẻ cứ đi, người già cứ đợi. Bao trai tráng xuôi con dốc rồi hun hút nẻo về, bên thềm xưa mấy mùa đợi chờ hóa mây bay, chừng khi nhìn lại lũng vắng chỉ còn những người phụ nữ thao thiết một mình chải tóc chẳng phải điểm trang mà là soi bóng thời gian ngả màu bạc thếch. Có chăng chỉ còn lại một thằng con trai gàn dở, ương ngạnh, ngồi nhìn và thủ thỉ kể cho riêng mình nghe. Như trong lời Tưởng ghi trang đầu tập thơ, đừng đọc thơ, hãy đọc những khoảng trắng. Lời gãy gọn ban đầu nhưng khiến độc giả gắp trang sách cuối, lòng mình cũng trắng trời những nỗi thương nghiệt ngã. 
“Cha đừng hút nhiều thuốc
 Cha đừng uống nhiều rượu
Cha đừng bước đi ngõ mới mà quên lối cỏ mòn
Tim mẹ rất đau
Là lỗi của mẹ
Lỗi của những người đàn bà dành cả thanh xuân để sống vì một người đàn ông
Là lỗi của mẹ (lời thiên hạ bảo)
Mẹ không quen nói những lời đường mật
Nhưng cho cha cả cuộc đời không chút tính toan
Cũng là lỗi của mẹ
Cha cứ bước đi ngõ mới
Mẹ vẫn dõi theo và đôi lần nhắc nhớ:
- Bảo cha mày đừng hút nhiều thuốc, đừng uống nhiều rượu...
Riêng mẹ vẫn cô đơn năm tháng cỏ mòn
(Cỏ mòn)
Trương Công Tưởng đem đến một giọng thơ lạ, tựa hồ như kể chuyện, như những câu chữ xuống dòng bình thường, nhưng lại mang một sự nhịp nhàng và đậm chất thi ca. Chẳng vần điệu, nhưng từ trong câu chữ gợi lên hình ảnh, ẩn sâu trong hình ảnh chính là tâm tư tình cảm. Mỗi một bài thơ như một câu chuyện thực, hiện hữu sống động trước mắt người đọc. Thung sâu và phận đời phụ nữ cứ quặn lòng theo mạch thơ của Tưởng. Cứ vậy mà người đọc bị cuốn vào câu chuyện. Lật và lật tiếp từng trang thơ, chẳng phải để tìm một kỹ thuật đan cài, chẳng có những kiểu nén chữ, ghép từ, hay đa tầng nghĩa như những lối thơ mới đang rộ lên thành trào lưu trưng trổ của một số giọng thơ mới trên thi đàn. Thơ Trương Công Tưởng chính là sự lắng sâu của cảm xúc thông qua hồn cốt của thơ. Giá trị cốt lõi của văn chương thi phú suy cho cùng chính là cảm xúc đem đến cho người đọc. Giản đơn là thế!
Tập thơ Đợi những vắng xa mang đến cho bạn đọc một sự trưởng thành của Trương Công Tưởng. Hai năm sau tập thơ gây tiếng vang, đoạt ngay giải thưởng lớn, chàng trai 9X quay lại lần này cho thấy sự chín muồi trong xúc cảm, sự lắng đọng trong mạch nguồn, và hơn hết chính là một sự đầy đặn của trải nghiệm cuộc đời. Qua rồi những tháng ngày tuổi trẻ ruổi rong, đèo bòng với sự ham thích xê dịch, tìm kiếm kinh nghiệm cuộc sống. Tưởng quay về lũng vắng, ngồi nghiêm cẩn lắng nghe lòng mình dành cho chính nơi mình sinh ra, quẩn quanh đất ấy, để thương những điều bé mọn, để đắng đót ghi lại những câu chuyện và đem nó thoát ra cái thung sâu xa buồn dặt dịu này. Thơ Tưởng thoát ra khỏi bản làng, triền dốc, núi đồi, riêng Tưởng vẫn chọn ở lại với nơi này, chẳng còn “ngồi gỡ tơ trời” như xưa, mà trải lòng mình qua câu chữ. Nỗi buồn, niềm thương, hay sự mong đợi cứ vậy mà thao thiết lan xa theo từng câu thơ của Tưởng: "Một ngày thiệt buồn.../ Buồn hơn những ngày buồn/ Tôi tính ra tiệm cắt tóc thật ngắn/ Nhưng vừa quay đi tiếng mẹ cứ vọng theo:/ - Hớt làm sao cho ra giống con người!/ Thế là tôi cạo trọc!". Và rồi: "Tôi không ra phố nữa/ Chọn sống tối giản và ở nhà với mẹ/ Nuôi lại vóc con người/ Tôi bây giờ cũng học đòi thương tóc/ Tóc em thẳng mượt và suông/ Tóc tôi thì xanh lại/ Mỗi lần cắt tóc mẹ và em đều dặn:/ Hớt làm sao cho ra giống con người!" (Tóc).
Trương Công Tưởng còn trẻ, đường thơ còn dài, nhưng với sự mực thước và nghiêm cẩn này, có thể đón đợi những tập thơ tiếp theo đầy mới lạ, trẻ trung và khắc họa một dấu ấn riêng biệt của anh chàng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.