Truyền cảm hứng gì từ 'Hãy nhớ, mi sẽ chết'?

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/04/2018 15:42 GMT+7

Là nhà sản xuất và phê bình phim nhưng Marcus Mạnh Cường Vũ hoạt động “đa hệ” và ông nổi danh với vai trò là người khởi xướng chương trình “ Khơi nguồn cảm hứng - Inspiration”, nhằm lan truyền những thông điệp giá trị cho cộng đồng.

Marcus Mạnh Cường Vũ vừa xây dựng kịch bản và đạo diễn tiểu phẩm "Memento Mori" (Hãy nhớ, mi sẽ chết) dựa trên cuốn sách “Điểm đến của cuộc đời” của tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, viết về hành trình cận tử cùng những bệnh nhân ung thư.
Tiểu phẩm sẽ là chủ đề của chương trình “Khơi nguồn cảm hứng - Inspiration” số thứ 3 của ông và các cộng sự. Phóng viên Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông về chương trình này.
Xin ông cho biết, vì sao ông quan tâm đến cuốn sách "Điểm đến của cuộc đời" và chuyển thể thành 1 tiểu phẩm kịch?
Nếu như hai cuốn sách đầu tiên của anh Giang thiên về tiểu luận và nói về các vấn đề khác nhau của đời sống xã hội, thì cuốn sách thứ 3 "Điểm đến của cuộc đời" có một chủ đề tập trung xuyên suốt, với những câu chuyện có thật, mang dấu ấn trải nghiệm cá nhân của tác giả. Đồng thời, cuốn sách này cho thấy anh Giang không chỉ là một nhà nghiên cứu, vì phong cách viết rất văn học và đầy hình ảnh.
Đây là những thế mạnh của cuốn sách để có thể chuyển thể thành tiểu phẩm kịch nói hay thậm chí là phim điện ảnh. Tôi đặc biệt thích thông điệp mang tầm vóc phổ quát của cuốn sách, có thể chạm được vào bất cứ sinh linh nào, không phân biệt tuổi tác và địa vị xã hội. Tôi muốn mang thông điệp này đến được với đông đảo khán giả hơn, không chỉ giới hạn trong cộng đồng người đọc sách.
Ông mong muốn gì từ việc có thể "khơi nguồn cảm hứng" từ cuốn sách này?
Việc chiêm nghiệm về cái chết, để rồi từ đó nhìn nhận lại cách sống và thái độ sống của mỗi cá nhân, biết trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc và không phí hoài thời gian vào những việc vô bổ, có lẽ đó là tinh thần quan trọng của cuốn sách có thể được truyền đi đến các độc giả của cuốn sách, cũng như khán giả của những hình thái nghệ thuật khác, dựa trên nội dung cuốn sách.
Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta bị cuốn vào những cơn lũ thông tin thật giả khó lường, những vòng xoáy của bạo lực, nghi ngại và vô tri, thì thông điệp này lại càng có giá trị hơn bao giờ hết.
Ông ấn tượng nhất với nhân vật nào trong cuốn sách này và thể hiện nó ra sao?
Tiểu phẩm "Hãy nhớ, mi sẽ chết" (Memento Mori) do tôi dàn dựng dựa trên cuốn sách, tìm cách kết nối các nhân vật Vân, Liên, Hà và Nam thông qua các lát cắt câu chuyện cuộc đời họ, khi phải đối diện với cái chết chờ sẵn bởi căn bệnh ung thư. Mỗi nhân vật đều có những điểm riêng biệt với câu chuyện đầy xúc động.
Đặc biệt, Vân là một nhân vật được chính tác giả gắn bó nhiều tháng trời, và hình ảnh của cô hiện lên trong cuốn sách mang nhiều thách thức để chuyển thể, bởi chính sự đa dạng trong các mối quan hệ và trách nhiệm liên quan, trong khi bản thân cô phải đối diện với cái chết đến mỗi lúc một gần.
Đơn cử, Vân phải đấu tranh với những định kiến ở thôn quê, với cái nghèo, với trách nhiệm nuôi dạy 2 con gái nhỏ. Đây là một nhân vật có chiều sâu và khó, đòi hỏi sự nhập tâm rất cao. Do đó, sau khi cân nhắc, tôi đã phải chọn phương án mời diễn viên Hồng Ánh đảm nhận vai diễn này. Các nhân vật còn lại là các diễn viên không chuyên: Liên (Tâm Như), Hà (Minh Hằng) và Nam (Mai Huy).
Nhóm diễn viên tham gia tiểu phẩm "Hãy nhớ, mi sẽ chết" Ảnh nhân vật cung cấp
Chương trình sẽ được công diễn ở đâu, và dự định của ông như thế nào để có thể lan truyền thông điệp từ chương trình đến với xã hội?
Buổi biểu diễn đầu tiên sẽ diễn ra ngày 9.4 tại TP.HCM, gồm trình diễn tiểu phẩm và giao lưu với tiến sĩ Đặng Hoàng Giang. Chương trình có thu phí với 150.000 đồng/người. Hiện những người quan tâm đến sự kiện lên đến hàng ngàn người nhưng điều kiện nơi tổ chức chỉ có thể đáp ứng được 150 chỗ cho khán giả.
Về kế hoạch sắp tới, tôi và anh Giang muốn đưa format này (tiểu phẩm + trò chuyện) đến nhiều nơi trong cả nước, đặc biệt là đến với các bệnh viện có người bệnh ung thư, trong đó có Hà Nội và hoàn toàn miễn phí.
"Khởi nguồn cảm hứng" có mục tiêu vì cộng đồng và phi lợi nhuận. Hai chương trình trước đây hoàn toàn miễn phí và đã được xã hội đánh giá cao. Vậy tại sao lần này lại thu phí và điều này có cản trở việc đưa thông điệp của chương trình đến đông đảo khán giả?
Với 2 chương trình trước đây, tôi đều bỏ tiền túi ra làm và lần này cũng vậy. Ở mỗi chương trình đều có sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, như địa điểm tổ chức hay các điều kiện khác, nên không tốn kém lắm. Tuy nhiên, sự kiện lần này tốn khá nhiều chi phí, do liên quan đến sản xuất chương trình (phải đầu tư cho đạo cụ, diễn viên…) như xây dựng một vở kịch.
Vì vậy, chương trình có thu phí để bù đắp một phần chi phí sản xuất. Đồng thời, chúng tôi mong muốn những người tham dự sẽ là những người thực sự quan tâm đến chương trình và chung tay đóng góp để lan truyền những thông điệp này đến xã hội.
Còn dự định khi mang chương trình này đến các nơi khác, đặc biệt là đến với các bệnh viện có người bệnh ung thư, chúng tôi sẽ tìm kiếm nhà tài trợ để chương trình được lan tỏa rộng rãi.
“Khơi nguồn cảm hứng - Inspiration” là một chuỗi chương trình thưởng thức tác phẩm và trao đổi với các tác giả có khả năng truyền cảm hứng, khởi xướng và chủ trì bởi Marcus Mạnh Cường Vũ, số đầu tiên với Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê - tác phẩm phim Vĩnh cửu (12.2017); số thứ hai tưởng nhớ Stephane Gauger với Jenni Trang Lê, Lê Thanh Sơn, Hàm Trần, Timothy Linh Bùi - tác phẩm phim Cú và chim se sẻ (hồi tháng 2 vừa qua); số thứ ba với Đặng Hoàng Giang - tác phẩm sách “Điểm đến của cuộc đời” (tháng 4).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.