Truyện tranh nổi tiếng về Astérix được tái bản riêng cho thị trường Mỹ

Huệ Bình
Huệ Bình
13/07/2020 16:00 GMT+7

Nhà xuất bản (NXB) Papercutz của Mỹ đang tái bản bộ truyện tranh về Astérix (tác giả René Goscinny viết nội dung, Albert Uderzo vẽ minh họa) dành riêng cho độc giả Mỹ trong mùa hè này.

Người Mỹ từ lâu đã yêu thích những thứ từ Pháp, như bánh mì, phô mai và rượu vang. Thế nhưng Washington kiên quyết không cho bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới Những cuộc phiêu lưu của Astérix của tác giả René Goscinny và Albert Uderzo vào lãnh thổ. Do đó, di sản của văn hóa Pháp này bỗng trở nên “vô hình” ở Mỹ. Giờ đây, nhà xuất bản Papercutz, chuyên về tiểu thuyết đồ họa (hay tiểu thuyết hình ảnh - một thể loại tiểu thuyết được viết và vẽ theo kiểu truyện tranh), hy vọng sẽ thay đổi điều đó.

'Mỹ hóa' bộ truyện tranh Astérix

Hãng tin AP đưa tin NXB Papercutz đang tái bản bộ truyện tranh bất hủ Những cuộc phiêu lưu của Astérix trong mùa hè này với bản dịch tiếng Anh dành riêng cho độc giả Mỹ. Ông Terry Nantier, đại diện NXB Papercutz và từng trải qua thời niên thiếu ở Pháp, cho biết: “So với thành công lớn trên toàn thế giới, chúng tôi nghĩ bộ truyện tranh về cặp đôi ăn ý Astérix và Obélix cũng sẽ gặt hái thành công ở Mỹ. Chúng tôi chỉ muốn làm cho bộ truyện trở nên hấp dẫn hơn đối với độc giả Mỹ”.

Hai "cha đẻ" của nhân vật Astérix: Albert Uderzo (trái) và René Goscinny

Ảnh: Getty Images

Chuyển ngữ bộ truyện là ông Joe Johnson, giáo sư tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha tại trường Đại học công lập Clayton ở bang Georgia, người đã dịch hàng trăm tiểu thuyết đồ họa và truyện tranh. Ông đã bỏ qua bản dịch ở Anh, trực tiếp dịch từ bản gốc tiếng Pháp. Ông Joe Johnson nói với hãng AP: “Khi chuyển ngữ, tôi lúc nào cũng nghĩ nếu tôi là trẻ con thì chúng sẽ nói chi tiết đó như thế nào. Điều đó lúc nào cũng ở trong tâm trí tôi. Tìm cách chuyển ngữ cho phù hợp với trẻ em Mỹ, độc giả Mỹ nhưng vẫn giữ đúng tinh thần của bản gốc”.

René Goscinny (trái) và Albert Uderzo vào năm 1971

Ảnh: AFP

Theo AP, ông Joe Johnson sẽ sắp xếp hợp lý, dịch sao cho phù hợp với văn hóa Mỹ, dễ tiếp cận hơn so với các bản dịch tiếng Anh trước đây. Hãng tin AP dẫn ví dụ như trong các bản dịch trước đây, trưởng làng tuyên bố: “Và bây giờ tôi tuyên bố khai tiệc ăn uống say sưa!”, dịch giả Joe Johnson chỉ dịch đơn giản là “Khai tiệc nào!”. Một thay đổi rất Mỹ có thể thấy ngay trong tập đầu tiên, khi Obélix cảnh báo bạn thân rằng người La Mã sẽ nổi điên vì anh ta tiếp tục đánh họ. Trong bản dịch trước đây sẽ là biểu cảm “Huh!”, còn ở bản dịch ở Mỹ, Asterix trả lời “Whatever” (tạm dịch: Sao cũng được).

Câu chuyện về các chiến binh xứ Gaule

Bộ sách lấy bối cảnh 50 năm trước Công nguyên, khi toàn bộ xứ Gaule bị quân viễn chinh La Mã xâm chiếm. Thế nhưng, vẫn còn đó một ngôi làng Gaulois bất khuất đã vùng lên kháng chiến, chống lại quân xâm lược. Chính trong những giờ phút nguy nan, Astérix và Obélix - hai anh chàng can đảm, thông minh, xuất hiện như linh hồn của cuộc kháng chiến, là những người anh hùng thời đại. Nhờ thuốc thần lực của vị pháp sư già, họ có được sức mạnh vô song, cùng nhau kề vai sát cánh trải qua bao cuộc phiêu lưu hài hước, vô cùng kỳ thú giữa Tây Âu cổ kính.

Họa sĩ người Pháp Albert Uderzo qua đời ở tuổi 92 vì bệnh tim hồi tháng 3.2020

Ảnh: The New York Times

Suốt hơn 60 năm qua, cặp đôi ăn ý Astérix và Obélix hài hước là đại diện tiêu biểu cho tính cách Pháp, trở nên rất quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích truyện tranh châu Âu. Bộ truyện tranh Những cuộc phiêu lưu của Astérix gắn liền với tên tuổi tác giả René Goscinny và Albert Uderzo, xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí truyện tranh dành cho thiếu nhi Pilote vào ngày 29.10.1959. Đến nay, bộ truyện được chuyển ngữ sang 111 thứ tiếng, xuất bản khoảng 380 triệu bản trên toàn thế giới và có nhiều bộ phim chuyển thể.  
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.