Tùng Dương nhớ hồi còn nhỏ, anh chỉ thích hát những ca khúc người lớn, trong đó phần nhiều là ca khúc của “bộ tứ sông Hồng” gồm nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Phó Đức Phương. Và, Tùng Dương muốn đánh dấu liveshow lần thứ 10 với ý tưởng hát nhạc của “bộ tứ” nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam. “Đó là góc nhìn của tôi về 4 nhạc sĩ mà tôi ngưỡng vọng”, nam ca sĩ chia sẻ về liveshow Tùng Dương hát Bộ tứ sông Hồng sẽ diễn ra tối 5 và 6.6 tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).
“Đêm nào tôi cũng bị ám ảnh, nằm mơ thấy 4 ông. Khi làm liveshow đầu tiên Những chuyến đi, tôi cũng không cảm thấy phấn khích như lần này”, Tùng Dương cười. Điều đó cũng cho thấy sự hào hứng lẫn áp lực của Tùng Dương trong cuộc chơi lần này.
“Chúng tôi từ lâu đã muốn làm một liveshow của 4 anh, em, hay ra tập nhạc mà cũng chưa ra được, càng già mình lại càng nhụt đi. Tùng Dương làm đêm nhạc có thể thành công hoặc thất bại, có những lối rẽ lên thiên đường hay đi đâu đấy, nhưng tôi tin sẽ có bất ngờ, mà bất ngờ nào cũng vui”, nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Với Tùng Dương, ấn tượng mạnh nhất trong anh về nhạc sĩ Trần Tiến chính là hai thuộc tính có vẻ như trái ngược ở ông: chất đời và chất thiền. “Một tay du ca lãng tử, một kẻ có vẻ ngoài xù xì, thô ráp, nói gì cũng như là tếu táo bông phèng, nhưng kỳ thực, chưa câu nào, bài nào là không nặng ký, và cũng không kém phần nồng nàn, tha thiết, đau đáu suy tư trước những bĩ cực của đời người, từ Tạm biệt chim én xưa, Vòng tay cầu hôn, Sao em nỡ vội lấy chồng, Vết chân tròn trên cát, Chị tôi…, đến những sáng tác đậm chất thiền về sau này như: Sắc màu, Mẹ tôi, Ra ngõ tụng kinh, Sen hồng hư không, Mưa bay tháp cổ...”.
|
Trong khi, các nhạc sĩ Nguyễn Cường và Phó Đức Phương được Tùng Dương ví như hai “ông già gác đền”, bởi những chất chứa và nặng tình mà hai ông đã đau đáu dành cho những di sản dân tộc, in dấu ấn ngàn năm nơi Mái đình làng biển hay Bên dòng sông Cái. Cùng khai thác chất liệu văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng ở mỗi tấm gương phản chiếu, lại cho ra những bức chân dung khác nhau về vùng đất châu thổ này.
Nhạc sĩ Dương Thụ bảo ông sẽ không lấy “cát - sê” của Tùng Dương khi anh hát nhạc của ông. Với ông, đó là niềm hạnh phúc khi Tùng Dương đã giúp âm nhạc của thế hệ nhạc sĩ thuộc thế hệ ông không bị nguy cơ “thất truyền”. Còn với Tùng Dương, âm nhạc của Dương Thụ đằng sau vẻ đẹp buồn trong trẻo dịu nhẹ là sức mạnh của nam tính và từng trải.
“Nghe những Tháng tư về, Im lặng, Bay vào ngày xanh, Mong về Hà Nội..., tưởng như người kể chuyện chỉ định nói mỗi chuyện chim muông hoa lá, nhưng ẩn sâu trong đó là một nỗi nhớ thương man mác, một nỗi buồn thật đẹp trước những vẻ đẹp mong manh, vụt tan vụt hiện. Hay những Gọi anh, Họa mi hót trong mưa, Cho em một ngày, Bài hát ru cho anh, Bóng tối ly cà phê, Im lặng… - là những ẩn ức không dễ gì nói ra của những người phụ nữ, mà nhạc sĩ Dương Thụ có lẽ là người hiếm hoi trong bộ tứ đã lắng nghe được một cách tinh tế và dịu dàng nhất, bằng một sự trìu mến và cảm thông đặc biệt”, Tùng Dương chia sẻ.
Bằng Kiều cùng với Hà Trần là 2 khách mời của chương trình. Nếu Hà Trần là “người quen” của Tùng Dương thì Bằng Kiều là “người mới”. Lần đầu tiên, Tùng Dương song ca với Bằng Kiều. Hai nam ca sĩ sẽ hát 3 ca khúc của 3 nhạc sĩ.
Bình luận