Câu chuyện của nhà văn Lê Văn Nghĩa mở đầu bằng một chút ấm áp, xót xa và niềm tin về lòng tốt của dân nghèo tứ xứ. Bình dân, hài hước, tập truyện dài Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ chứa đựng miền ký ức về Sài Gòn xưa và tính cách nghĩa tình mà hôm nay vẫn còn phảng phất.
Những đứa nhóc 10 tuổi trong truyện có một đời sống sôi nổi, ly kỳ bên ngoài trường học. Đó là khi con chó Mót được đám học trò yêu quý biến mất. Cuộc phiêu lưu tìm chó dẫn bọn nhỏ đến gặp những nhân vật trông bề ngoài “đáng sợ” để vỡ ra nhiều câu chuyện về phận người, lòng tốt và chữ tín, dĩ nhiên cả những điều ngược lại. Giữa lúc hoạn nạn, tình bạn chân thành được thử thách, tụi nhỏ tìm thấy nhau và tìm thấy điều gì quan trọng nhất: vật chất, hư danh hay bạn bè.
Giữa vùng trời mơ tưởng của quá khứ, tác giả lồng vào những bài học nhẹ nhàng, đáng suy nghĩ. Lớp 5 đã có trò siêng đọc sách báo, tìm hiểu nghề nghiệp, giao tế rộng. Đâu đó sẽ bắt gặp kiểu người nghèo làm phước miễn cầu ơn, cảnh giáo viên bảo vệ học trò giữa hội đồng quyền lực để bảo vệ tương lai của một đứa trẻ. Những ai đang đứng trên bục giảng biết đâu sẽ tìm thấy chính mình và chân lý giáo dục mình theo đuổi trong quyển sách này.
Thỉnh thoảng giữa những dòng chữ nửa đùa nửa thật, tác giả dường như muốn gửi gắm điều gì cao cả hơn chuyện hồn nhiên tuổi học trò. Đó là một miền ký ức tuổi thơ của những năm 60 thế kỷ trước vùng Bình Tây - Chợ Lớn…
Bình luận (0)