Nếu sơn dầu được mệnh danh là vua, thì sơn mài được coi như nữ hoàng của các loại chất liệu mỹ thuật Việt Nam. Nữ họa sĩ Hiền Nguyễn là một trong những người nổi bật với dòng tranh này.
Họa sĩ Hiền Nguyễn mê vẽ từ nhỏ nhưng khi trưởng thành gia đình lại thuyết phục chị thi vào Đại học Thủy lợi. Theo học tại trường này một thời gian thì niềm đam mê hội họa đã dẫn lối cho chị thi vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp - khoa Đồ họa.
|
Họa sĩ Nguyễn Đức Hoà cho biết: “Hiền Nguyễn đã có nhiều cơ hội làm nghề đồ họa ứng dụng khắp trong nam - ngoài bắc. Dù ổn định và thành đạt nhưng trong tim chị vẫn luôn cháy bỏng ước mơ được làm nghệ sĩ tự do, thỏa chí sáng tạo… Trong show diễn thời trang tại Đài Bắc của công ty may nơi chị đang làm việc, chị đã mạnh dạn dùng nguyên liệu sơn mài: sơn, son, bạc..vẽ lên trang phục.Thành công bất ngờ của thử nghiệm táo bạo này khiến chị thấy dạt dào cảm hứng với sơn mài.Con đường nghề của chị lại có thêm một bước ngoặt nữa: bỏ hẳn đồ họa sang vẽ tranh sơn mài bởi trước đó, chị đã học kỹ thuật vẽ tranh sơn mài tại trường Mỹ nghệ Hà Đông”.
|
|
Theo họa sĩ Nguyễn Thanh Bình thì: “Hơn 90 năm qua (tính từ 1925 - khi sơn mài chính thức trở thành chất liệu hội họa) chúng ta đã được chiêm ngưỡng những tác phẩm sơn mài kỳ ảo từ Alix Aymee (1894 - 1983) đến Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), Nguyễn Sáng (1923 - 1998) ... Vẻ đẹp sâu thẳm, kỳ diệu của chất liệu ấy chẳng những thuyết phục nhiều thế hệ họa sĩ mà còn làm say đắm những người yêu hội họa khắp thế giới. Những thế hệ họa sĩ Việt Nam ngày nay đã đưa chất liệu dân dã đó tiếp cận quan niệm tạo hình hiện đại qua nhiều hình thức và kỹ thuật thể hiện khác nhau, vô cùng phong phú. Rất nhiều tác phẩm sơn mài chẳng những lôi cuốn công chúng Việt Nam mà còn thuyết phục cả công chúng nước ngoài. Họa sĩ Hiền Nguyễn là một trong số đó”.
Buổi ra mắt cuốn sách Ủ do hội Mỹ Thuật và NXB Mỹ Thuật tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 1.12 tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại (17 Thành Công, Ba Đình, Hà Nội).
Bình luận