Chủ nhân của không gian mặt nạ này là ông Bùi Quý Phong (63 tuổi), một người gắn bó hơn 30 năm với nghệ thuật sân khấu truyền thống dân gian, có kinh nghiệm làm vô số chiếc đầu lân, đầu ông địa lớn nhỏ mùa trung thu. Cùng trò chuyện và cảm nhận, biết đâu ông sẽ giúp bạn chọn được một chiếc mặt nạ của riêng mình…
Một người khách đặc biệt thích thú chiếc mặt nạ có gam màu nóng, với những chấm tròn trên các huyệt đạo. Ông Phong cho biết “họ” đang chọn chính khuôn mặt của “họ” vì ông thấy thần thái đó ở khách. “Nếu thần thái anh biểu lộ sự nhiệt tình, lòng nhiệt thành, năng lượng tích cực sẽ tỏa ra từ đỉnh trán, ở hai bên thái dương, đỉnh mắt, cánh mũi… và khuôn mặt sẽ thăng hoa, sáng láng”, ông Phong giải thích. Khi khách chọn một mặt nạ với những đường nét mềm mại, thanh tú, sắc màu tươi xanh của sông núi, trời biển… và đỉnh trán như tự nhiên nở hoa sen, thì ông nhẹ nhàng triết lý: “Cái đó là Phật tánh trong chính mỗi con người. Hãy nhìn vào đó, dung dưỡng nó bằng tất cả sự an nhiên, tự tại và yêu thương hết thảy”.
Khác với những mặt nạ tuồng đầy quy cách, khuôn khổ và hơi “dữ dằn”, người xem phần nhiều vẫn thích thú với mặt nạ dân gian thiên về cảm nhận, rộng mở và có thể tương tác với từng chiếc mặt nạ. Họ tự do chọn câu chuyện cho riêng mình. Đó có thể là một gương mặt hạnh phúc với sự phiêu diêu, thăng hoa của âm dương. Một chiếc mặt nạ của sự giận dữ, lời nói có nanh, mắt có lửa, quầng não xám xịt, u tối… Họ tương tác cùng mặt nạ và học bài học ứng xử với cuộc sống thay vì hành xử bản năng. Thậm chí khách cũng có thể chọn “mua” những câu chuyện trên mặt nạ, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, hồn cốt Việt. “Khi đó, những chiếc mặt nạ không còn đơn thuần là những món đồ chơi văn hóa, chỉ để trang trí và thay thế mà thực sự trở thành nhu cầu văn hóa, có sự tương tác và để lại dấu ấn...”, ông Phong trầm tư giữa thế giới mặt nạ của mình.
|
Ở không gian Mặt nạ thời gian có 4 loại mặt nạ: mặt nạ tuồng cổ, mặt nạ dân gian, mặt nạ hiện đại và mặt nạ trẻ em. Khách đến đây tham quan có, chọn mặt nạ có, học làm mặt nạ cũng có. Với 2 tiếng đồng hồ “bái sư”, bạn có thể trải nghiệm quy trình làm mặt nạ giấy bồi hoàn toàn bằng thủ công khi tự tay phác giấy vào cỡ khuôn tùy thích, vô vành mây cố định khuôn giấy, đắp thạch cao, dán giấy lên và vẽ…
Cứ thế, hàng nghìn chiếc mặt nạ thủ công được làm ra từ đây và theo chân du khách đi khắp nơi, không cái nào giống cái nào theo đúng slogan “Behind every mask, is soul - Mỗi mặt nạ là một linh hồn”.
Người đàn ông đang chọn kể câu chuyện trên những khuôn mặt không bao giờ được “trổ mắt”, chỉ gắn thêm chiếc móc treo vào đâu đó để nhìn, ngắm, chiêm nghiệm… “Nhìn vào khuôn mặt mà bạn đã lựa chọn đi, cũng là cách để trở về với bản ngã, soi rọi chính tâm hồn mình”, người đàn ông “mặt nạ” ở phố Hội mỉm cười an nhiên…
Bình luận (0)