Có lẽ khi con người ta bước qua những sai lầm, tổn thương, đau khổ… thì sẽ càng trân quý hơn những tình cảm chân thành. Vũ sau những thất bại trong cuộc sống, kể cả hôn nhân, từng xem nhẹ tình cảm của những cô gái đi qua cuộc đời mình thì đã kịp nhận ra tình yêu với Thư, để có cơ hội “quay đầu” tìm lại những gì đã bỏ lỡ. Còn Thư sau những toan tính, thực dụng trong cuộc sống và tình cảm, thậm chí cô luôn tỏ ra mạnh mẽ và bất cần thì trong tận sâu thẳm vẫn là người đàn bà cần tình yêu, muốn được yêu.
|
Phân cảnh tỏ tình của Vũ trên bãi biển để mong cái gật đầu đồng ý làm vợ mình lần nữa của Thư ở tập cuối dường như đã làm thỏa mãn người xem. Sự bối rối, mong chờ và lo lắng bị từ chối của Vũ hiện rõ qua ánh mắt, khi đeo nhẫn vào tay Thư thực sự rất cảm động. Còn Thư khóc không ngừng, khóc vì vui, vì tủi, vì có chút nghi ngờ không tin rằng Vũ thực sự yêu mình đến thế. Thư không mừng ra mặt, không vồ vập đón nhận hạnh phúc ấy mà cô có sự dè chừng, ngờ vực… Đó cũng là điều dễ hiểu trước một anh chồng có tính trăng hoa như Vũ. Nhưng điều cuối cùng chính là tình yêu chân thành đã chiến thắng tất cả. Dù đi bên nhau bao lâu, hạnh phúc ấy có lâu bền hay không vẫn chưa biết trước được. Nhưng chắc chắn người yêu nhau sẽ về lại bên nhau. Nên có thể nói trong hạnh phúc có khổ đau và niềm vui, không chỉ có tiếng cười mà còn có những giọt nước mắt.
|
Huệ sau đổ vỡ, thất bại trong hôn nhân, kết hôn với Khải vì thương chứ không yêu đã nhận ra rằng bản thân cô dù có ương bướng, có cố gắng vẫy vùng trong cái tôi và sự cố chấp, cảnh giác với tình cảm, dè chừng với hôn nhân thì vẫn cần có một người đàn ông chân thành yêu thương, lo lắng, quan tâm mình ở bên cạnh. Việc cô chấp nhận tình cảm của ông Quốc ở hai tập cuối phim cũng là điều dễ hiểu. Bởi ông Quốc nếu xét tất cả điều kiện đều hợp với Huệ và hợp với một người đàn bà cẩn trọng, chu toàn và chịu nhiều tổn thương như Huệ.
|
Về nhà đi con tập cuối cùng, đoạn cảm động nhất có lẽ là cảnh ông Sơn đầy tâm trạng, đứng ngắm 12 chiếc đầm trắng đang phơi trước sân nhà. Đây là quà sinh nhật mỗi năm ông tặng Dương. Cô con gái có tính tình rất con trai, ăn mặc cũng rất tomboy. 12 chiếc đầm này Dương chưa từng mặc. Và đến chiếc đầm thứ 13 thì cô mặc và xuất hiện trước mặt bố.
|
Ông Sơn đã từng sai lầm, từng trọng nam khinh nữ, từng kỳ vọng sẽ sinh ra đứa con trai khi vợ mang thai lần 3. Và khi sinh ra cô con gái út - Ánh Dương vợ ông đã mất. Điều này đã khiến ông dằn vặt trong suốt hơn 20 năm sống cảnh gà trống nuôi con. Dương biết sự kỳ vọng của bố và một chút trách hờn bố nên cô đã mặc nhiên sống như… con trai trong suốt 13 năm. Giọt nước mắt của Dương và nụ cười rạng rỡ của ông Sơn khi nhìn cô con gái út mặc chiếc đầm trắng, trở về “nguyên bản” là một cô gái đã khiến hạnh phúc của người làm bố thực sự mãn nguyện.
Ông Sơn mãn nguyện vì các con đã trưởng thành, vì những giông bão đã qua, những sai lầm của mình đã có thể nguôi ngoai đi bớt. Không phải tự nhiên mà người xem gọi ông Sơn là “ông bố quốc dân”. Bởi trái tim của người cha thật vĩ đại, tình thương của ông thật bao la. Dù các con có sai lầm, có thất bại, có từng khiến ông nổi giận, chửi mắng thì vòng tay của ông vẫn đón con về nhà, để vỗ về, che chở và yêu thương. 3 cô con gái của ông dù ra đời có chịu nhiều khổ sở, tổn thương thì vẫn yên lòng vì luôn có bố bên cạnh, luôn có một mái nhà ở đó người đàn ông vĩ đại ấy vẫn tựa cửa đứng đợi con về.
|
Những dòng cảm nghĩ của Dương ở cảnh cuối phim khi cô livestream trên Facebook trong cảnh đoàn tụ thực sự đã làm lay động trái tim của những người con. Bởi không có tình yêu thương nào bằng sự vĩ đại, bao la của cha mẹ dành cho con cái: “Xin chào tất cả các bạn, đây là gia đình của tôi, mái ấm của tôi. Mẹ mất khi tôi chào đời, bố Sơn của tôi là gà trống nuôi 3 cô con gái trưởng thành. Bố Sơn không bao giờ kỳ vọng chúng tôi là người hoàn hảo… Bố cũng thế, cũng không hoàn hảo cũng đầy những sai lầm. Nhưng bố luôn hi vọng sai thì sẽ sửa, sai ở đâu đứng lên ở đấy. Mỗi bước trưởng thành tôi nhận ra sự vĩ đại của bố trong chính những điều bé nhỏ, sự bao dung của bố lại chính trong những khắt khe… Chúng tôi chưa từng quên mẹ và vì bố luôn ở đó giữ gìn cho chúng tôi những thương nhớ ấy. Bố thực sự đã cô đơn, đã thương nhớ mẹ tôi thế nào. Trong suốt quá trình trưởng thành, tôi cũng như chị Thư, chị Huệ đều từng nghe bố nói câu: Về đi con, về với bố. Mỗi lúc bố thốt ra câu đấy chúng tôi hầu như đang ở trong những bơ vơ, tổn thương, đều đứng ở sự tuyệt vọng. Nhưng đôi khi chúng tôi quên là có lẽ bố còn buồn hơn thế, tổn thương hơn thế. Chỉ có điều bất chấp những thất vọng và đau khổ, bố luôn muốn là bờ vai để chúng tôi tựa vào, là vòng tay để chúng tôi ôm lấy. Trải qua những nỗi buồn vui trên đường đời, chúng tôi càng thấy biết ơn vì đã được làm con gái bố. Người đã cho chúng tôi những định nghĩa trọn vẹn nhất của yêu thương, dạy dỗ, chở che và chấp nhận. Chấp nhận phần bất toàn, phần thiếu sót, phần sai lầm của chúng tôi… Vì bố là bố, vì bố là nhà, bố là gia đình, bố là tất cả. Là tiếng gọi về nhà mãi mãi của chúng tôi… Về trong yêu thương của bố”.
|
Về nhà đi con đã kết thúc trong tiếng cười và những giọt nước mắt. Giọt nước mắt của hạnh phúc đi qua đau khổ và tổn thương, sai lầm và tiếc nuối. Đó cũng chính là hạnh phúc đáng giá nhất của đời người.
Bình luận (0)