Thực tế cho thấy những đĩa nhạc được ca sĩ và nhạc sĩ/nhà sản xuất đầu tư cao cho chất lượng nghệ thuật, đánh dấu sự đột phá trong âm nhạc của cả hai... thường im ắng trên thị trường, hoặc ít được ca sĩ chọn biểu diễn trong live show hay chương trình âm nhạc mà mình tham gia.
Có thể thấy ở trường hợp Hà Anh Tuấn. Anh từng có những album được chính anh lẫn nhà sản xuất kỳ vọng “thay đổi” và “bùng nổ” như Lava (Dung nham) hay đánh dấu bước đi rất quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của mình như Streets Rhythm. Song, độ lan tỏa của những album này trên thị trường không như mong muốn: cả hai đĩa gần như không có bài thành “hit” của thị trường. Trong khi đó, khi Hà Anh Tuấn chọn cách cover những bản nổi tiếng thời hoàng kim của Làn sóng xanh hay của ca sĩ khác sau này để thực hiện chuỗi See Sing Share, tên anh trở nên “hot” và những concert See Sing Share đều cháy vé dù diễn ra nơi đâu.
|
Những album được giới chuyên môn đánh giá tốt như Sóng hấp dẫn của Hoàng Quyên hay được ca sĩ thực hiện với đam mê, khát khao thỏa mãn sự sáng tạo lẫn cảm xúc của chính mình như Quay về đây... Mèo hoang của Phương Thanh đều “im thin thít” trên thị trường nhạc Việt. Đĩa nhạc mang tính đột phá trong sự nghiệp của ca sĩ như Saigon Feel của Hồ Trung Dũng cũng không ngoại lệ.
Theo Đức Tuấn, ca sĩ làm album bởi 2 lý do: vì thích và muốn giới thiệu cái mình thích đến công chúng, và vì khán giả thích mình hát thể loại đó. Anh cho rằng: “Ca sĩ nước ngoài có năng lực đón đầu và dẫn dắt xu hướng. Họ làm ra cái gì, cái đó phải là “trend” (xu hướng). Đến nay, dường như VN chỉ có Mỹ Tâm đủ khả năng biến những gì cô ấy làm thành “trend”. Chưa kể, ca sĩ nước ngoài ra đĩa xong thì quảng bá bằng tour diễn, làm cho bài mới từ lạ thành quen. Còn ở VN, sau khi ra đĩa, nếu ca sĩ không tìm được tài trợ thì chịu. Hoặc có trường hợp “chào” nhà tài trợ bài mới nhưng họ không đồng ý, đành quay lại với bài cũ”.
|
Thực tế, theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, các ca sĩ vẫn phải hát để mưu sinh, nên họ buộc phải hát những bài ballade cũ. Đó là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý: album hay nhưng ít diễn live. “Những album mang dấu ấn sáng tạo hay tiên phong thì không bao giờ là sản phẩm triệu view. Nó là một phân khúc khá riêng biệt mà những nghệ sĩ thuộc phân khúc này khá hiểu con đường mình đã chọn”, anh nói.
Vượt qua nỗi sợ “bị lãng quên”
|
Ngoài ra, theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, những ca sĩ khác có phần bất lợi khi các ban nhạc thông thường không thể hoặc không có thời gian để chơi “live” cho ra đúng chất âm nhạc mà họ mong muốn. “Muốn chơi live cho thật sự ra tinh thần âm nhạc của album, phải tốn rất nhiều thời gian tập dượt và kinh phí cũng không nhỏ. Nhưng chẳng lẽ vì những bất cập đó mà các ca sĩ Việt không bao giờ dám bén mảng đến đồi cát kia để ra biển lớn? Vẫn có những ca sĩ có đủ đam mê và lòng dũng cảm để vượt qua nỗi sợ bị đám đông lãng quên”, anh nói và dẫn chứng nếu sợ VN không có dàn nhạc kèn đồng lớn, thì anh đã không dám thực hiện Saigon Feel cho Hồ Trung Dũng.
|
Nhìn nhận “nghịch lý” trên, nhạc sĩ Quốc Bảo nói thêm rằng, đó còn là vấn đề bất cập của thị trường nhạc Việt, khi việc ra album và trình diễn live là 2 mảng hướng đến 2 đối tượng. “Tôi nghĩ là một nghệ sĩ, nên cố gắng làm sao để “kéo” được 2 đối tượng đó tiệm cận nhau hoặc làm một. Có lẽ dần dà, nghệ sĩ cùng nhà sản xuất của họ sẽ điều chỉnh điều này. Còn hiện nay, cách làm của ta chưa đạt hiệu quả”. Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, “một phần do thị trường nhạc Việt không phải dễ để thực hiện, thứ hai là sự tương tác giữa nghệ sĩ và fan chưa chuyên nghiệp. Ngay cả việc tổ chức fanpage cũng vậy, nghệ sĩ mới chỉ tìm cách giữ chân fan bằng những gì fan mong muốn chứ chưa đưa ra được những sản phẩm nghệ sĩ mong muốn đến với người hâm mộ”.
Bình luận (0)