Tòa án nhân dân Tối cao vừa có văn bản 141 gửi lãnh đạo tòa án các tỉnh, thành... về việc lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) là biểu tượng của công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. Văn bản nêu, ngày 5.2.2020, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã thống nhất tôn vinh Hoàng đế Lý Thái Tông, văn bản cũng nêu 5 lý do để chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng này, đồng thời dựng tượng.
Trong đó, lý do đầu tiên là vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử VN, khai mở nền pháp luật thân dân Việt Nam. Ngoài ra, ông đã đúc chuông để người dân nếu có oan ức thì đến đánh chuông, bày tỏ lên Hoàng đế để được thấu xét; ông cũng rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực và lừng danh trước khi lên ngôi Hoàng đế anh minh Lý Thánh Tông.
Cũng phải nói thêm, vua Lý Thái Tông được ngành tòa án chọn làm biểu tượng cho công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam dựa trên bảng danh sách 15 người. Đó là những nhân vật từ thời nhà Đinh đến thời Nguyễn: Lưu Cơ, Phạm Cự Lượng, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Tô Hiến Thành, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trung Ngạn, Lê Thánh Tông, Dương Trực Nguyên, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Công Hãng, Nguyễn Khoa Đăng, Lê Công Miễn, Minh Mệnh.
Có bỏ lọt ứng viên?
Mặc dù vậy, ThS luật học Trần Anh Đức (ĐH Paris-Sud, Cộng hòa Pháp) cho rằng đúng là vua Lý Thái Tông đã ban hành bộ luật thành văn đầu tiên. Tuy nhiên, bộ luật này quy định thế nào thì không ai biết. Theo ông Đức, đây chính là công tác lập pháp, không phải xét xử. “Thành ra, nếu dựng tượng thì dựng ở Quốc hội, không phải ở tòa án”, ông Đức phân tích.
Để “bám sát” với lịch sử xét xử trong lịch sử Việt Nam, ông Đức đưa ra những ứng viên là các quan chính trực hoặc xử kiện tài giỏi nổi tiếng trong lịch sử. Chẳng hạn, Hồng Thánh đại vương Phạm Cự Lạng, thờ tại đền Lương Sử (gần Văn Miếu Hà Nội). Lương sử có nghĩa là ngự sử tốt, ngự sử cũng là người có chức trách xét xử. “Điều thú vị lý chính vua Lý Thái Tông đã ra lệnh dựng đền và phong tước cho Phạm Cự Lạng vào năm 1037. Như vậy, ông vốn đã chọn thần công lý cho đất nước mình từ nghìn năm trước. Trước cả khi Tòa án nhân dân Tối cao vinh danh chính ông làm biểu tượng công lý”, ông Đức phân tích.
Một vị quan xử kiện giỏi khác được ông Đức nhắc tới là Phí Trực với việc không xử nhầm người tự nhận là trộm cắp đầu sỏ Văn Khánh, dù người này đã tự nhận tội. Sau đó một tháng, Văn Khánh thật mới bị bắt. Ông cũng nhắc tới Bùi Cầm Hồ, người đã minh oan cho người đàn bà nấu nhầm cháo rắn mà tưởng lươn cho chồng ăn dẫn đến tử vong… Theo ông, cần cân nhắc kỹ hơn các nhân vật này để có thể chọn một đại diện cho ngành tòa án tốt hơn.
Hiện tại, đã có 3 mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông để cán bộ ngành tòa án lựa chọn. Các mẫu này đều có “đặc điểm” dựa trên tiêu chí chọn lựa Lý Thái Tông làm biểu tượng công lý và hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam. Chẳng hạn, tượng có cầm cuốn Hình thư, hoặc trên bệ tượng có chiếc chuông kêu oan của người dân mà vị vua này cho đúc.
Bình luận (0)