Vương Tâm là một nhà báo, nhà thơ, nhà sưu tầm gốm được nhiều người biết đến. Ông là một trong số những người có nhiều bình trà cổ nhất Việt Nam. Vương Tâm đi nhiều, viết nhiều và hầu như trên dải đất cong cong như hình chữ S này, nơi nào cũng có dấu chân Vương Tâm đặt đến. Ông viết ở nhiều thể loại và ở thể loại nào cũng thể hiện được là người viết chắc tay. Thơ là một trong số những thể loại thành công của ông.
Chính những chuyến đi, bắt gặp nhiều cảnh - người và những nét văn hóa đặc trưng của từng vùng đất đã để lại trong ông những cảm xúc đặc biệt. Đó là cơ sở để Vương Tâm cho ra đời những bài thơ hay.
Thơ chọn Vương Tâm gồm 181 bài, được ông tuyển chọn trong suốt hành trình thơ của mình. Tập thơ được chia làm 3 phần: Phần I: Nỗi đời xanh (55 bài); Phần II: Độc ẩm (99 bài); Phần III: Tiếng kèn cọng rơm (27 bài). Đọc hết tập thơ, người đọc hình dung ra con người thơ và con người đời thường của Vương Tâm: giản dị, gần gũi và chân thành. Đọc thơ ông, gặp trực tiếp và trò chuyện với ông, tôi càng rõ hơn điều này.
Viết về mình, viết cho mình, Vương Tâm thể hiện bằng một giọng thơ hồn hậu của một người từng trải - người đã đi qua bao thăng trầm của cuộc đời và thời cuộc. Ở đó nhà thơ nhận thấu biết bao nỗi khổ đau, không biết chia sẻ cùng ai: "Có nỗi đau chẳng thể sẻ chia/ Niềm an ủi xa xôi cách trở/ Một màu xanh mênh mang nỗi nhớ/ Tiếng thở dài day dứt khôn nguôi. Và rồi, nhà thơ phải đành gặm nhấm nỗi buồn đau khôn xiết ấy: Có nỗi buồn trăn trở cách xa/ Thắc thỏm hướng về nơi vô định/ Một khoảng cách mong manh số mệnh/ Mà mù trời sương khói nhạt nhòa" (Một mình).
Những niềm đau, nỗi buồn trải dài dày đặc trên những trang thơ Vương Tâm. Phải chăng nó đã trở thành nỗi ám ảnh? "Có những lúc nằm ngã dưới sàn/ Cùng với mọi nỗi đau dao cứa/ Như phiến đá hoa cương xòe lửa/ Biết bao niềm cay đắng không lời// Có những lúc con tim chơi vơi/ Đập nhịp nào cũng thường bật khóc/ Điều thật thà đã lên rêu mốc/ Ủ những mầm xanh nõn niềm vui" (Niệm khúc tháng sáu).
Cả đời mưu sinh cơm áo, tất bật nhiều thứ nên lúc nào nhà thơ cũng cảm thấy cô đơn. Nỗi cô đơn luôn song hành và hiện diện: "Nỗi cô đơn cùng ta lang thang khắp phố/ Chen giữa dòng người vội vã cười vui" (Nỗi cô đơn cùng ta). Vì thế, đôi lúc nhân vật trữ tình muốn “trốn tìm”: "Ông muốn trốn cuộc đời/ Sau lo toan phiền muộn/ Cháu như làn gió cuốn/ Kéo ông về tuổi thơ".
Trong tập Thơ chọn Vương Tâm, nhà thơ dành phần nhiều cho những bài thơ viết về tình yêu. Tình yêu trở thành cảm hứng chủ đạo trong dọc đường thơ Vương Tâm. Có lẽ những hẫng hụt trong tình yêu là nỗi đau nhưng cũng chính là liều thuốc giúp ông vững tin, sống bao dung hơn, rộng lượng hơn và hào phóng hơn. Nhà thơ khao khát trở về tuổi hai mươi để đi tận cuối chân trời: "Mải miết tìm Ai/ Một dáng hình rực rỡ/ Yêu kiều"... và cứ thế nhà thơ bồi hồi, nuối tiếc, ao ước được sẻ chia, vỗ về để lấp dần khoảng trống hư vô. "Tuổi hai mươi đầu tiên trai trẻ/ Anh đi tận cuối chân trời; Tuổi hai mươi tiếp nỗi khát khao/ Tráng kiện cuộc đời từng trải; Tuổi hai mươi thứ ba/ Thu chiều/ Xáo trộn buồn vui năm tháng". Rồi cuối cùng, nhà thơ lại tự an ủi với chính mình: "Tuổi hai mươi rạo rực nào hơn thế/ Khi anh bạc trắng mái đầu/ An ủi ta em đến xôn xao/ Kéo lại những tuổi hai mươi đã mất/ Đời trẻ lại trào dâng tất bật/ Vụng về như thuở ban đầu" (Khúc lãng mạn cho tuổi 20).
Cuộc sống dồn nén những cơn đau, song trong tâm hồn người nghệ sĩ như Vương Tâm vẫn âm ỉ cháy với những khát vọng tốt đẹp về tương lai ở phía trước. Thơ Vương Tâm luôn đan cài giữa hiện tại, quá khứ, tương tai. Nhìn về quá khứ, suy ngẫm ở hiện tại, mơ ước về tương lai để tiếp tục sống và hiến dâng - đó là nghĩa cử và hành động cao đẹp của nhà thơ. Với Vương Tâm, bao giờ và lúc nào ông cũng là người hào phóng và bao dung. "Có thể em sẽ quên hơi thở của anh/ Để nghiêng đầu trên bờ vai khác/ Mùi vị của sự chia ly dịu đắng/ Dù vẫn ngọt ngào tha thiết/ Và giờ đã thành kỷ niệm// Sự gắng gỏi lạ kỳ dẫm đạp nỗi nhớ/ Em hát vu vơ đến xót xa/ Giờ đây buộc thắt tâm hồn anh/ Treo lên sợi nắng/ Để cuộc chia ly vẫn da diết tình say" (Dịu đắng).
Viết về cái tôi bản thể, Vương Tâm có những vần thơ hay. Ở đó, nhà thơ đã bộc bạch, giãi bày tận cùng tất cả những điều sâu kín của tâm hồn mình. Vì thế, người đọc có thể bắt gặp sự đồng điệu về cảm xúc qua những dòng tâm sự đó.
Bên cạnh mảng thơ viết về tình yêu, Vương Tâm còn dành tình cảm đặc biệt đối với thiếu nhi. Vì thế, thơ thiếu nhi của ông có khá nhiều bài để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc trẻ tuổi. Với cảm xúc hồn nhiên, tươi trẻ, ngộ nghĩnh và đáng yêu. Ông biết hóa thân để nói lên tiếng nói đa thanh làm cho thơ thêm phần hấp dẫn. "Sương ngủ trên cánh đồng/ Gió rét lồng ác thế/ Cắn trộm vào tay mẹ/ Đau lắm không mẹ ơi?" (Mẹ và con).
Trên đồng là bài thơ hay khi nhà thơ nhập vai con trẻ. Đứa con đã có những điều ước rất đáng yêu và cũng rất nhân văn. Tất cả đều dành những tình cảm đặc biệt cho bố.
Đọc thơ Vương Tâm, phần nào người đọc hiểu những tâm sự, những nỗi niềm mà nhà thơ gửi gắm. Tất cả đều toát lên một giọng thơ trầm buồn, chắt lắng. Bao nghĩ suy, bao câu hỏi không có lời giải đáp cứ quẩn quanh và đeo bám nhà thơ trên suốt cả chặng đường đời. Tuy vậy, nhà thơ đã thấu cảm sâu sắc tất cả điều đó nên đã sống, đã yêu bằng tất cả con tim, tấm lòng của một con người luôn sống chan hòa, thành thật với tất cả mọi người quanh mình. Chọn cho mình cách sống tự do, xê dịch, hồn nhiên không vướng bận vào vòng xoáy lợi danh, tiền bạc. Bởi ông đã ngộ ra về những mưu toan, chiếm đoạt trong cuộc đời. "Mọi toan tính/ Xâu chuỗi những giận hờn/ thành lưỡi cưa/ Cắt đứt sự sống tươi nguyên/ Đang nảy mầm xanh nõn// Chiếm đoạt/ Mưu mô lẩn khuất/ Sau những lời lường gạt/ Của cái trò ú tim/ Rồi bắn ra những viên đạn bọc đường" (Chiếm đoạt).
Bình luận (0)