Xâm phạm bản quyền tranh in lên áo dài

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
02/05/2019 11:20 GMT+7

Các họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Phan Linh Bảo Hạnh vừa đồng loạt lên tiếng về việc nhiều đơn vị tự ý dùng tranh của họ đưa lên áo dài trái phép.

''Đạo tranh'' đưa lên áo dài chào bán

Họa sĩ Bùi Trọng Dư bức xúc: “Đây là lần thứ tư tôi phát hiện ra tranh mình bị xâm phạm bản quyền vào các sản phẩm tiêu dùng trong cuộc sống. Đặc biệt là bức tranh sơn mài Ao sen (vẽ năm 2011) là tranh bị nhiều lần xâm phạm, lần này cũng bị các đơn vị in áo dài tự ý dùng. Tệ hại hơn là họ lấy tranh của tôi làm nền áo, rồi cắt tranh cô gái của họa sĩ khác vào chồng lên, tự gọi đó “mẫu tự thiết kế” và chào bán quảng cáo công khai trên web và mạng xã hội. Hiện tại tôi kiểm tra, phát hiện ra 4 bức tranh của mình đã bị các đơn vị áo dài xâm phạm bản quyền. Tôi sẽ tiếp tục kiểm tra rà soát thêm”.
Các tranh sơn mài thuộc series Ao sen (họa sĩ Bùi Trọng Dư) bị xâm phạm bản quyền, bị nhiều công ty tự ý in lên mẫu áo dài rồi chào bán Ảnh: NVCC
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng cho biết sau khi phát hiện, anh đã chủ động gọi điện, nhắn tin cho cơ sở vi phạm nhưng đều không nhận được câu trả lời thỏa đáng.
“Công ty in vải Lan Anh chối quanh, nói là khách đưa thiết kế đến thì in. Họ không hề xin lỗi tôi. Những tin nhắn trao đổi với công ty này tôi còn giữ. Còn bên Lotus House, khi tôi gọi vào cuối giờ chiều 22.4, bạn tiếp máy tự nhận là nhân viên công ty đã ghi nhận phản ánh của tôi và nói sẽ xin hướng giải quyết của cấp trên và báo lại nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm cho tôi”, họa sĩ Bùi Trọng Dư nói.
Áo dài của Công ty in vải kỹ thuật số Phan Trần (TP.HCM) đã sử dụng trái phép tranh Ao sen của họa sĩ Bùi Trọng Dư Ảnh chụp màn hình 
Họa sĩ Lâm Đức Mạnh (người có bức tranh sơn dầu Đêm thu, vẽ năm 2017, bị xâm phạm trái phép lên áo dài) buồn bã chia sẻ: “Thực ra từ vụ đạo tranh lên áo dài lần này, tôi thấy buồn cho thẩm mỹ của người gọi là "tạo mẫu thời trang áo dài". Tranh có ngôn ngữ của tranh, vẽ trên áo dài đòi hỏi ngôn ngữ khác, không thể in tranh dù có cắt ghép thô thiển vào áo dài được. Tôi thấy thương cho đơn vị may áo dài vì sự ấu trĩ của họ, đồng thời cũng rất bất bình về việc họ sử dụng tranh của tôi vào mục đích thương mại mà không xin phép”.
Áo dài của Công ty Lotus House (TP.HCM) sử dụng trái phép hình ảnh tranh Ao sen của họa sĩ Bùi Trọng Dư Ảnh chụp màn hình
Họa sĩ Ngụy Đình Hà (người có bức tranh sơn dầu Hai chị em, vẽ năm 2018, bị Công ty áo dài Phương Mai xâm phạm trái phép lên áo dài) cũng bức xúc: “Một tác phẩm mình trả giá nhiều năm tìm tòi ra phong cách, rồi mất cả tháng để ra một tác phẩm. Khi các công ty may lại tự ý lấy tác phẩm của họa sĩ đi in bừa bãi không xin phép, tôi thực sự rất tức giận và đau xót cho tác phẩm của mình”.
Qua tìm hiểu được biết các công ty áo dài xâm phạm bản quyền tranh của các họa sĩ đều có trụ sở tại TP.HCM.
Nhức nhối xâm phạm bản quyền tranh lên áo dài
Tranh sơn dầu Hai chị em (họa sĩ Ngụy Đình Hà) bị Công ty Phương Mai xâm phạm bản quyền, tự ý in lên mẫu áo chào bán Ảnh: Lucy Nguyễn chụp lại tranh

Các họa sĩ đồng loạt đòi bảo vệ tác phẩm

Phần lớn các họa sĩ (kể cả người bị hại trong trường hợp trên) đều cho rằng cộng đồng và đặc biệt các đơn vị muốn sử dụng tranh vào các sản phẩm thương mại cần có ý thức, phải tôn trọng những tác giả sáng tác tranh mà họ sử dụng hình ảnh tranh đó. Đồng thời phải xin phép họa sĩ, cần tư duy để làm sao cho sản phẩm của họ sang trọng hơn.
Nhức nhối xâm phạm bản quyền tranh lên áo dài
Áo dài của Công ty Phương Mai sử dụng trái phép tranh Hai chị em của họa sĩ Ngụy Đình Hà Ảnh: Chụp màn hình
Họa sĩ Ngụy Đình Hà cho biết anh cần Công ty Phương Mai phải xin lỗi vì hành vi của họ, đồng thời phải cam kết không được sử dụng tranh của anh trên mẫu áo dài nữa.
Họa sĩ Phan Linh Bảo Hạnh đau xót nói: “Một tác phẩm của họa sĩ được vẽ ra đều phải đặt hết tâm huyết sức lực vào đó. Và bây giờ như chúng ta thấy, một số người nghiễm nhiên chiếm đoạt một cách tùy tiện công khai, sự trắng trợn ngày một tăng. Từ chép tranh bán, chép tranh vào tường trang trí và bây giờ là in áo, không biết người ta còn làm trò gì với các tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nữa đây. Lương tâm, đạo đức nghề nghiệp ở đâu?”.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cần các công ty áo dài đã sử dụng trái phép tranh của anh phải xin lỗi và bồi thường tiền bản quyền. Nếu tác phẩm phù hợp với sản phẩm thì có thể hợp tác để sản phẩm hoàn hảo hơn, minh bạch hơn.
“Hiện tượng xâm phạm bản quyền diễn ra thường xuyên mình nghĩ do thói quen “dùng chùa” bấy lâu nay. Thậm chí có những đơn vị truyền thông khá lớn cũng vi phạm. Có lẽ để biện pháp dứt điểm vấn nạn ăn cắp bản quyền chúng ta phải giáo dục từ trong nhà trường về bản quyền, tác quyền. Đồng thời cần phải xử phạt thật nghiêm những người vi phạm”, họa sĩ Bùi Trọng Dư nói.
Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết hồi tháng 9.2017 từng phát hiện được bức tranh sơn mài Ao sen của anh đã bị tiệm bánh Trang Nguyên (Hà Nội) tự ý sử dụng làm mẫu mã sản phẩm hộp bánh trung thu mà chưa được sự đồng ý của họa sĩ. Sau khi ông liên lạc với tiệm bánh để “hỏi cho ra lẽ”, sáng 12.9.2017, đại diện của tiệm bánh đã xin lỗi và bồi hoàn kinh phí cho việc sử dụng hình ảnh bức tranh trên.
Trước đó, bức Ao sen từng hai lần bị vi phạm phạm bản quyền: Vbox đã sử dụng làm mẫu mã hộp bánh trung thu (tháng 9.2016) và cuộc thi Giọng hát Việt nhí sử dụng làm phông sân khấu (tháng 9.2016). Chỉ sau khi họa sĩ liên hệ, Vbox và Giám đốc sản xuất Giọng hát Việt nhí mới chịu xin lỗi và bồi thường tiền bản quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.