Yêu Tấm nhưng không còn ghét Cám

10/06/2016 06:45 GMT+7

Vẫn là Tấm ở hiền gặp lành, mẹ con Cám cũng độc ác nhưng không còn bị trừng trị ghê rợn như trong cổ tích nữa, đó là điểm chung của 5 phiên bản Tấm Cám hiện đại không hẹn mà cùng ra mắt trên các sân khấu và màn ảnh năm nay.

Không lâu sau khi Tấm Cám: chuyện chưa kể của đạo diễn - diễn viên Ngô Thanh Vân - một tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại cổ tích giả tưởng được đầu tư gần 20 tỉ đồng tung trailer bắt mắt (sẽ ra rạp vào tháng 8 tới), Sân khấu Hồng Hạc (TP.HCM) quảng cáo một phiên bản khác của Tấm Cám mang tên Tấm và hoàng hậu do đạo diễn trẻ Thiên Huân dàn dựng, sẽ ra mắt khán giả từ 2.7.
Trước đó, nhóm kịch Buffalo cũng dựng Tấm Cám phiên bản nhạc kịch. Sân khấu kịch Idecaf cũng tái dựng vở Tấm Cám - tác phẩm mở màn cho chương trình Ngày xửa ngày xưa của Idecaf trong dịp tết vừa qua nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. Và, dù không được quảng bá rầm rộ nhưng Tấm Cám 16+ của nhóm kịch NNCK (Ngẫm nghĩ cùng kịch) từ khi ra mắt đến nay đã diễn gần 40 suất tại Sân khấu kịch đế chế Bình Dương và một số kịch cà phê ở TP.HCM.
Những góc nhìn mới về Tấm Cám
Vài năm gần đây, vấn đề có nên sửa lại phần kết chuyện cổ tích Tấm Cám hay có nên loại Tấm Cám ra khỏi chương trình giáo dục VN hay không khi hành động trả thù của Tấm bị so sánh như kiểu hành xử... xã hội đen đã được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Trong khi vấn đề chưa có hồi kết thì tác giả của các phiên bản Tấm Cám sân khấu, điện ảnh đã đưa ra cái nhìn riêng của mình.
Nếu Tấm Cám trong chương trình Ngày xửa ngày xưa phiên bản 2000 để lại dấu ấn mạnh mẽ với khán giả bởi lối diễn hài mà duyên, dù ác, của nghệ sĩ Hữu Châu và Thành Lộc (trong vai mẹ con Cám), thì vở hôm nay của Idecaf cũng dựa trên tinh thần đó, vẫn tiếp tục cháy vé. Tuy nhiên ở phiên bản này, khán giả chủ yếu nhớ đến yếu tố vui nhộn rộn ràng của vở, cũng như diễn xuất của hai nghệ sĩ gạo cội Thành Lộc, Hữu Châu hơn là nhớ đến Cám ác thế nào hay Tấm đáng thương ra sao.
Tương tự, vở nhạc kịch Tấm Cám của Buffalo cũng “xử lý” cái kết nhẹ nhàng hơn. “Tấm không chỉ biết khóc khi gặp nạn, và Cám cũng biết hối hận sau những gì đã gây ra cho người chị cùng cha với mình”, Hoàng Quân - nhà sản xuất, cũng là người vào vai hoàng tử, chia sẻ. Không chỉ vậy, Tấm trong nhạc kịch được đạo diễn Khắc Duy cho “gặp” hoàng tử trước khi thử giày, để mối duyên ấy phát triển tự nhiên hơn trong ngày gặp lại ở hoàng cung. Điều này cũng được thấy trong Tấm Cám 16+. Nhưng ở phiên bản này, câu chuyện kết thúc ngay sau màn thử giày, bởi tác giả kịch bản cho rằng “Cái thiện và ác đến đây đều được đền, đáp”.
Trong khi đó, Tấm và hoàng hậu của Sân khấu Hồng Hạc lại được cảm tác từ truyện cực ngắn của nhà văn Nhật Chiêu - Tấm khóc, Bụt hiện ra, mang đến câu chuyện về nỗi hoài nghi, về sự đánh mất chính mình. Đạo diễn Việt Linh, người “chủ xị” của Hồng Hạc, cho biết trong thời gian “săn lùng” các tác phẩm của những người trẻ cho sân khấu của mình, chị xem được Tấm và hoàng hậu của đội kịch sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, và quyết định đưa tác phẩm này về, thay đổi diễn viên, dàn dựng lại chuyên nghiệp hơn. Trong phiên bản này, câu chuyện diễn ra sau khi nhà vua tìm lại được Tấm nhờ miếng trầu têm cánh phượng, vua đã trừng phạt mẹ con Cám vì những tội ác của họ. Nhưng, bản án đó khiến Tấm nghi ngại, và một mình nàng đã tự đi tìm câu trả lời để rồi từ đó dấn thân vào những bi kịch của tình yêu và hạnh phúc...
Như thế, trong các tác phẩm này, cách xây dựng nhân vật Tấm, Cám đã thay đổi, chuyện cái thiện chiến thắng cái ác dường như không quan trọng nữa. Những cảm xúc mới, thông điệp mới trong những phiên bản khác nhau của một câu chuyện cổ tích quen thuộc, đó là điều mà những Tám Cám hiện đại đem tới cho khán giả hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.