Văn học kỳ ảo vẫn thưa vắng

Ngọc An
Ngọc An
19/06/2019 07:00 GMT+7

Trong khi những tác phẩm văn học fantasy (văn học kỳ ảo) nước ngoài vào VN liên tục gây “sốt”, thì “lãnh địa” sách fantasy Việt vẫn còn thưa vắng.

Trước tiên phải kể đến bộ truyện Chuyện xứ Lang Biang ra mắt tập đầu tiên vào năm 2004 và tập cuối cùng vào năm 2006 - đây là bộ truyện fantasy hiếm hoi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cách đây vài năm, nhà văn Phan Thị Hồn Nhiên cũng cho ra mắt một số tác phẩm fantasy như Những đôi mắt lạnh, Chuỗi hạt Azoth, Xuyên thấm. Vừa qua, nhà văn Nguyễn Đình Tú cũng “lấn sân” sang fantasy với tác phẩm Bãi săn.
Cùng với số ít nhà văn chuyên nghiệp, một số tác giả trẻ chuyên và không chuyên trong thời gian qua cũng nổi lên với thể loại này. Trong đó có thể kể đến cái tên Phạm Bá Diệp, người từng 2 lần đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 với tác phẩm thuộc thể loại fantasy là UREM và Yagon - Những kẻ vô cảm. Một số tác phẩm fantasy của các tác giả trẻ (do Chibooks ấn hành) chuẩn bị ra mắt độc giả thời gian tới như: From Zero to Hero (Ray Đoàn Huy và Toàn Juno), Những cánh cổng kỳ bí (Đông Thảo), Hồ sư (phần 1 trong bộ Thế giới thứ tám của tác giả Q)...
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là số lượng sách fantasy Việt vẫn còn ít ỏi và chưa tạo thành dòng sách mang dấu ấn riêng trong nền văn học VN.

Phát triển bất đối xứng

Chưa có nhiều nhà văn lớn mặn mà với fantasy, trong khi những người trẻ thích thử sức thì lại chưa có nhiều kinh nghiệm, bút lực cũng chưa mạnh
Tác giả trẻ Phạm Bá Diệp
“Hiện nay, văn học VN đang phát triển bất đối xứng. Trong khi các tác phẩm xu hướng hiện thực quá nhiều thì những dòng khác như trinh thám, ngôn tình, kinh dị, fantasy lại không được chú ý, mặc dù đây là những dòng sách đang có những cộng đồng đọc lớn”, nhà văn Nguyễn Đình Tú nhìn nhận. Tác giả trẻ Phạm Bá Diệp cũng cho rằng: “Hiện nay, nhiều nhà văn nổi tiếng hay những giải thưởng văn học chính thống vẫn chưa nhìn nhận đúng về fantasy”.
Tác giả Ray Đoàn Huy kể, khi anh gửi bản thảo cuốn truyện fantasy của mình đến một số đơn vị xuất bản thường nhận lại sự e dè, từ chối. “Nhiều nơi chọn sách tản văn, ngôn tình… như để đảm bảo an toàn”. Tuy vậy ở góc nhìn khác, nhà văn Nguyễn Đình Tú chia sẻ, không ít đơn vị xuất bản đã khá nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng của cộng đồng đọc. Nguyễn Đình Tú lý giải, những loại sách nào “sống” tốt đều được khuyến khích, trong đó có sách fantasy. “Nhưng cái thiếu ở đây là người viết tốt, nhiều bản thảo không đáp ứng được yêu cầu. Nhà văn hay tác giả trẻ muốn thử nghiệm với dòng sách fantasy đều có nhiều cơ hội, nhưng bản thảo của họ có đủ thuyết phục hay không lại là chuyện khác”, nhà văn Nguyễn Đình Tú nói.

Thiếu cây bút chuyên nghiệp

Trách nhiệm của nhà văn

Nhà văn Nguyễn Đình Tú thẳng thắn bày tỏ: “Tôi nghĩ các nhà văn hay các cây bút trẻ vẫn cứ phải viết, tự nỗ lực chinh phục bạn đọc. Bởi tôi nghĩ trách nhiệm của nhà văn là phải có tác phẩm hay. Dù với thể loại gì, nhà văn cũng phải có trách nhiệm lôi kéo cộng đồng đọc về với văn học trong nước, chứ không thể để họ chờ đợi sách dịch của nước ngoài”.
Theo tác giả Phạm Bá Diệp, một trong những nguyên nhân sách fantasy Việt chưa tạo được dấu ấn riêng là bởi chưa có những tác phẩm xuất sắc. “Điều này là do chưa có nhiều nhà văn lớn mặn mà với fantasy, trong khi những người trẻ thích thử sức thì lại chưa có nhiều kinh nghiệm, bút lực cũng chưa mạnh”, Phạm Bá Diệp bày tỏ. Tác giả Ray Đoàn Huy cũng nhìn nhận, hiện tại vẫn rất khó để tìm thấy tác giả VN nổi bật của dòng sách fantasy.
Cách đây vài năm, dịch giả Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty Chibooks, từng phát động cuộc thi tìm kiếm bản thảo sách fantasy. “Những bản thảo gửi đến hầu hết là của các bạn trẻ, nhiều người trong đó bước ra từ cộng đồng đọc sách fantasy. Họ viết vì đam mê, tuy nhiên điểm yếu của họ là viết lại theo kiểu na ná như những truyện fantasy của tác giả nước ngoài”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi nhận xét. Bên cạnh đó, theo nhìn nhận của chị, không chỉ có những tác giả trẻ không chuyên mà ngay cả nhà văn chuyên nghiệp cũng chưa có nhiều tác phẩm fantasy đúng nghĩa. Theo chị, một bộ truyện fantasy thách thức người viết rất nhiều khi cần được thực hiện một cách dài hơi, giàu trí tưởng tượng, nhưng vẫn phải mang tính logic, chặt chẽ, với hệ thống nhân vật được xây dựng rõ ràng, tạo tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn… “Ở Mỹ, để thực hiện một bộ truyện fantasy còn có cả một đội ngũ chuyên nghiệp làm việc cùng với tác giả”, dịch giả Nguyễn Lệ Chi nói. Trong khi đó, phần nhiều những người viết sách fantasy ở VN vẫn là các tác giả nghiệp dư. “Họ vẫn làm những công việc khác và chỉ dành thời gian rảnh rỗi còn lại trong ngày để viết”, chị cho hay. 
Theo dịch giả Nguyễn Lệ Chi, cần có những khóa đào tạo về viết truyện fantasy một cách chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Đình Tú mong những hội đoàn như Hội Nhà văn có những định hướng hay hoạt động khuyến khích phát triển văn học fantasy, để văn học VN phát triển cân đối hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.